Chế độ luyện tập đối với bệnh nhân Đái Tháo Đường (bệnh Tiểu Đường)
LỢI ÍCH KHI TẬP LUYỆN THỂ DỤC THỂ THAO ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
>> Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân Đái Tháo Đường (bệnh Tiểu Đường)
>> Giải pháp giúp bệnh nhân quản lý tốt bệnh Đái Tháo Đường, làm chậm tiến triển đến giai đoạn nặng hơn
Chế độ hoạt động thể lực đi cùng với chế độ dinh dưỡng phù hợp song song theo dõi đường huyết và dùng thuốc là những biện pháp rất cần thiết giúp cho bệnh nhân đái tháo đường (bệnh tiểu đường) kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng một cách hiệu quả.
1. Lợi ích của chế độ vận động hợp lý giúp:
- Tập thể dục kết hợp với can thiệp dinh dưỡng sẽ có hiệu quả giảm HbA1c nhiều hơn cho bệnh nhân đái tháo đường.
- Giảm nhu cầu thuốc uống đái tháo đường và insulin
- Giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
- Giảm và duy trì cân nặng.
- Giúp cho xương chắc khỏe, khớp linh hoạt, cơ dẻo dai.
- Cải thiện yếu tố tinh thần, giảm căng thẳng, giúp người bệnh tự tin hơn.
2. Các hình thức vận động phù hợp:
- Chọn loại hình thức vận động phù hợp với thể trạng bệnh lý và độ tuổi để có thể duy trì lâu dài.
- Một số hình thức phù hợp như: Đi bộ, đạp xe, thái cực quyền, khí công, bơi lội,… Đi bộ là hình thức vận động thuận tiện về thời gian và không tốn chi phí
- Bên cạnh đó, có những hoạt động tăng tiêu thụ năng lượng hàng ngày có lợi cho kiểm soát đái tháo đường như: làm vườn, đi bộ lên cầu thang, lau nhà,…
3. Phương thức tập luyện:
- Bước 1: Khởi động nhẹ nhàng trước khi tập luyện khoảng 10-15 phút.
- Bước 2: Phần tập chính với cường độ chính khoảng 30-40 phút.
- Bước 3: Giãn cơ thả lỏng sau bài tập bằng cách co duỗi hoặc đi bộ nhẹ nhàng.
Tần suất tập: Tập luyện đều đặn, nên tập thể dục 5 ngày mỗi tuần, tốt nhất là thể dục hết các ngày trong tuần và không nên ngưng tập 2 ngày liên tiếp. Mỗi tuần nên tập kháng lực 2-3 lần (kéo dây thun, nâng tạ). Với đi bộ thì cần đi tổng cộng 150 phút mỗi tuần (hoặc 30 phút mỗi ngày) [1].
4. Những lưu ý khi tập luyện thể dục:
Các nguy cơ có thể xảy ra khi tập luyện:
- Tim mạch: Thay đổi huyết áp đột ngột, đau ngực.
- Chuyển hóa: tăng hoặc hạ đường huyết quá mức, tăng thể ceton. Nếu đường huyết thấp cần ăn thêm carbohydrate trước, trong lúc tập. [1]
- Làm nặng thêm các biến chứng mạch máu nhỏ như tăng tổn thương đáy mắt, tăng đạm niệu.
- Chấn thương hoặc tổn thương cơ xương khớp.
Không tập thể dục nếu [1]:
→ Đường huyết > 14 mmol/l
→ Đường huyết < 5,5 mmol/l
→ Cảm thấy đói, mệt
→ BN đái tháo đường típ 1 có đường huyết cao do ngưng insulin và có ceton
SERV-NDT-03-11-2022
Nguồn tham khảo:
[1] Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Đái tháo đường típ 2. Bộ Y tế. 2020.