Giải pháp giúp bệnh nhân quản lý tốt bệnh Đái Tháo Đường, làm chậm tiến triển đến giai đoạn nặng hơn – Phần 1

Giải pháp giúp bệnh nhân quản lý tốt bệnh Đái Tháo Đường, làm chậm tiến triển đến giai đoạn nặng hơn

Đái tháo đường là một bệnh lí mạn tính, xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ Insulin hoặc sử dụng Insulin không hiệu quả. Điều đó làm tăng nồng độ Glucose trong máu. Khi đường máu tăng cao gây ra rất nhiều biến chứng. Vậy làm thế nào để có thể quản lý bệnh đái tháo đường một cách hiệu quả nhất?

Thực tế ở Việt Nam, nếu tính 1 phép tính đơn giản; mỗi lần bạn đi khám, gặp bác sĩ, trao đổi tình hình bệnh tật và điều chỉnh thuốc khoảng 10 phút. Thì trong 1 năm bạn sẽ có 120 phút để quản lý bệnh của mình cùng bác sĩ. Con số này quá ít so với thời gian tự quản lý bệnh tiểu đường tại nhà của bạn.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng, việc giáo dục và hỗ trợ tự quản lý đái tháo đường (tiểu đường) giúp làm giảm HbA1C (đường máu trung bình trong 3 tháng) từ 0.25 – 1.2%, giảm cân nặng, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe [1,2].

Do đó, công việc này vô cùng quan trọng. Có lẽ đây chính là giải pháp tích cực giúp bệnh nhân quản lý tốt bệnh Đái tháo đường (tiểu đường). Chủ đích làm chậm tiến triển đến giai đoạn nặng hơn.

Sau đây là các cách giáo dục và hỗ trợ tự quản lý đái tháo đường (tiểu đường) hiệu quả:

QUẢN LÝ LỐI SỐNG

Liệu pháp dinh dưỡng y học

Liệu pháp dinh dưỡng đóng vai trò không thể thiếu trong quản lí bệnh đái tháo đường ( bệnh tiểu đường). Thực tế các nghiên cứu cho thấy chỉ cần thay đổi chế độ ăn hợp lí, lành mạnh đã có thể làm giảm HbA1C từ 1.0 – 1.9 % với người đái tháo đường tuýp 1 và 0.3 – 2% với người đái tháo đường tuýp 2 [3].

Không có một mô hình ăn uống nào là tối ưu đối với người đái tháo đường (tiểu đường). Việc lựa chọn cách ăn uống tùy thuộc vào sở thích, tuổi tác, nhu cầu, thói quen vùng miền… Vì vậy, nguyên tắc đơn giản là lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng. Kèm với số lượng phù hợp để cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng.

Không có một tỉ lệ lí tưởng nào về thành phần các nhóm bột đường, chất đạm và chất béo, do đó chỉ cần có chế độ ăn phù hợp, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể hoạt động, giúp giảm cảm giác thèm ăn, đói và ổn định đường huyết [4,5].

Để đảm bảo đủ năng lượng nên ăn:

  • 3 bữa chính và có thể ăn thêm 2-3 bữa phụ. Thời gian các bữa ăn nên được cố định cho bênh nhân.
  • Cân bằng lượng ăn tương đương nhau giữa các ngày, đặc biệt là lượng Carbonhydrat. Không nên bỏ bữa sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.

Chế độ ăn giảm lượng Carbonhydrat  được chứng minh giúp cải thiện đường máu và có thể áp dụng trong các mô hình ăn uống tùy theo nhu cầu và sở thích cá nhân [6,7,8].

Đối với các bệnh nhân có tiêm Insulin, nên duy trì một lượng carbonhydat cố định mỗi bữa, tương ứng với lượng Insulin đưa vào. Lựa chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (Glycemic Index < 55) và đong đếm lượng Carbonhydrat  là chìa khóa để quản lý đường máu sau ăn.

Cách lựa chọn thực phẩm

Nhóm bột đường: Nên lựa chọn các loại có chỉ số đường huyết thấp; như: bún, phở, bánh mì đen, … Không nên chọn các loại tinh bột có chỉ số đường huyết cao; như: miến dong, xôi, bánh mì trắng, khoai bỏ lò… do làm tăng nhiều đường máu sau ăn.

Giảm tối đa đường trong bữa ăn, tăng các loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây có chỉ số đường máu thấp, các sản phẩm từ sữa và các loại rau không có tinh bột (các loại rau lá xanh đậm…) sẽ giúp làm giảm lượng carbonhyrat trong chế độ ăn [9,10].

Giải pháp giúp bệnh nhân quản lý tốt bệnh Đái Tháo Đường, làm chậm tiến triển đến giai đoạn nặng hơn 1
Nhóm đạm (protein):
  • Các loại thịt, cá, trứng… Cung cấp thêm năng lượng cho hoạt động, mà không làm tăng đường huyết sau ăn, tăng cảm giác no. Đồng thời giảm nguy cơ hạ đường huyết xa bữa ăn.

Ở những bệnh nhân bệnh thận đái tháo đường (tiểu đường), nên duy trì chế độ ăn uống với lượng đạm 0.8g/kg/ngày, tương đương khoảng 200 mg thịt, cá, tôm,… Không nên giảm đạm quá mức sẽ làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.

Lạm dụng quá mức sẽ làm tổn thương thận xấu đi. Nên phối hợp cả các loại protein động vật và thực vật. Cần ưu tiên các loại protein từ động vật vì các loại này có giá trị sinh học cao. Vì chúng chứa đủ các loại acid amin thiết yếu cho cơ thể.

Giải pháp giúp bệnh nhân quản lý tốt bệnh Đái Tháo Đường, làm chậm tiến triển đến giai đoạn nặng hơn 2

Nhóm chất béo (lipid): Chất béo có nguồn gốc từ thực vật như các loại dầu oliu, dầu hạt cải, đậu nành … Những chất béo tốt, giúp hấp thu tốt vitamin và khoáng chất. Kết hợp đồng thời giúp cải thiện chuyển hóa đường, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Muối:
  • Ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ và nhồi máu cơ tim… Do đó, nên hạn chế muối trong chế độ ăn dưới 2300 mg/ ngày.
  • Hãy bắt tay vào công việc giảm muối bằng cách giảm lượng muối. Chỉ sử dụng khoảng ¼ thìa canh muối (thìa 15ml). Đồng thời chú ý đọc nhãn thông tin dinh dưỡng để lựa chọn các loại thực phẩm ít muối.
  • Một số loại thực phẩm có nhãn giảm lượng muối nhưng thực tế không hoàn toàn đúng.

Ví dụ: trong 1 bát phở gà có ghi chứa ít muối, nhưng thực sự thì nó chứa đến 524 mg Natri.

Giải pháp giúp bệnh nhân quản lý tốt bệnh Đái Tháo Đường, làm chậm tiến triển đến giai đoạn nặng hơn 3

Các vi chất dinh dưỡng: Đái tháo đường có sử dụng metformin có thể có nguy cơ thiếu vitamin B12 khi dùng lâu dài, do đó nên bổ sung vitamin B12 cho những người này để phòng tránh thiếu máu và giảm các biến chứng thần kinh ngoại vi [11]. Ở những bệnh nhân ăn kiêng, ít calo, nên bổ sung thêm các loại vitamin.

Chất ngọt không dinh dưỡng: Chỉ sử dụng cho những người đã quen với các sản phẩm đường ngọt mà không thể không dùng đường được. Tuy nhiên, nên dần dần cai thói quen ăn đồ ngọt.

Cách đếm lượng Carbonhydrat

Rèn luyện thói quen đếm lượng Carbonhydrat  đưa vào cơ thể bằng cách xem nhãn các loại thực phẩm.

Nhiều loại thực phẩm ghi không đường nhưng không có nghĩa là không có carbonhydat. Vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường cần chú ý đọc nhãn trước khi đưa ra quyết định. Xác định rõ có nên ăn hay không và với lượng bao nhiêu để phù hợp.

Trong nhãn thực phẩm này, 1 khẩu phần ăn tương đương với 1 muỗng gồm 25 gam Carbonhydrat. Nếu ăn 2 muỗng sẽ tương đương với 50 gam Carbonhydrat .

Giải pháp giúp bệnh nhân quản lý tốt bệnh Đái Tháo Đường, làm chậm tiến triển đến giai đoạn nặng hơn 4

Giảm cân

Giảm cân không chỉ giúp cải thiện đường máu, giảm HbA1c, mà còn giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch và chậm tiến triển đến đái tháo đường (tiểu đường) trên những bệnh nhân tiền đái tháo đường hoặc béo phì [12,13].

Mức giảm cân cần ít nhất 5-15%. Nên đưa về trọng lượng cơ thể tối ưu (BMI: 22 kg/m2). Luôn duy trì cân nặng đó sẽ giúp cải thiện bền vững nồng độ Hba1C và các rối loạn chuyển hóa lipid.

Ví dụ: 1 bệnh nhân có cân nặng 70kg, cao 1.65 ? BMI: 25.7 kg/m2; để đạt được BMI: 22 kg/m2, bệnh nhân cần giảm 11kg.

Hoạt động thể lực

Tập thể dục được chứng minh giúp cải thiện kiểm soát đường huyết (giảm HbA1C 0.66%), giảm nguy cơ tim mạch, giảm cân và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống [14].

Bạn nên duy trì tập thể dục thể thao:
  • Ít nhất 150 phút/ tuần, ít nhất 30 phút mỗi ngày, trong ít nhất 5 ngày/ tuần
  • Không nghỉ tập quá 2 ngày.
  • Nên tập thể dục sau ăn 1- 2h sẽ giúp giảm tình trạng đề kháng Insulin. Do đó, làm giảm đường huyết sau ăn.
  • Không nên tập thể dục vào buổi sáng sớm sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Nếu chưa có thói quen tập thể dục: hãy tập từ các bài tập đơn giản như đi bộ, đạp xe,… Sau đó bắt đầu tăng dần cường độ và mức đối kháng để cơ thể bạn thích nghi tốt hơn.
  • Trường hợp bạn có các vấn đề về khớp gối hoặc chân nên tập đạp xe hoặc bơi lội, hoặc các bài tập tay với tạ… sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho đôi chân của bạn.
  •  Một số bài tập khác như yoga, thái cực quyền vừa làm giảm HbA1c vừa luyện tập được tính linh hoạt, cân bằng, tăng sức mạnh của cơ [15]. Đối với những người làm công việc ít vận động, cần phải phá vỡ thời gian tĩnh tại (30 phút) bằng cách đi bộ, đứng hoặc các hoạt động nhẹ khác [16].
Giải pháp giúp bệnh nhân quản lý tốt bệnh Đái Tháo Đường, làm chậm tiến triển đến giai đoạn nặng hơn 5

Bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đái tháo đường (tiểu đường) tuýp 2 và các biến chứng của đái tháo đường bao gồm: tăng nguy cơ bệnh mạch vành, biến chứng vi mạch, kiểm soát đường huyết kém và tử vong sớm [17].

Các loại thuốc lá dù là loại truyền thống hay thuốc lá điện tử đều làm tăng cao các nguy cơ trên. Do đó cần phải bỏ thuốc lá ngay. Nên nói chuyện với bác sĩ của bạn để tầm soát các biến chứng do thuốc lá gây ra. Cũng như thiết lập kế hoạch cai thuốc lá một cách hữu hiệu.

>> Giải pháp giúp bệnh nhân quản lý tốt bệnh Đái Tháo Đường, làm chậm tiến triển đến giai đoạn nặng hơn – Phần 2

>> Độ phổ biến của bệnh Đái Tháo Đường (bệnh Tiểu Đường) trên Thế Giới và Việt Nam

Các bài viết liên quan
Các kiến thức đọc nhiều
Các kiến thức nổi bật

Có thể bạn quan tâm

Các típ giúp bạn chuẩn bị cho tái khám
Nâng cao tiếng nói của Bệnh nhân” không còn là một khái niệm xa lạ trên thế giới. Thông qua thông điệp  “Nâng cao tiếng nói của bệnh nhân”, WHO kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện hành động cần thiết để đảm bảo rằng bệnh nhân được tham gia vào việcorange
Xem thêm
Chế độ ăn uống tránh biến chứng do đường huyết cao
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường  Biến chứng mạch máu do đái tháo đường (ĐTĐ) được chia ra 2 loại: biến chứng mạch máu lớn như: bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại vi và đột quỵ; biến chứng mạch máu nhỏ như: bệnh cầu thận, bệnh thần kinh, bệnh võng mạc.  orange
Xem thêm
Các bước chăm sóc bàn chân Đái tháo đường
Bàn chân đái tháo đường là biến chứng phức tạp của bệnh đái tháo đường. Tỷ lệ bệnh nhân Đái tháo đường bị biến chứng bàn chân đái tháo đường trên thế giới nói chung là 6.3%. Biến chứng này được mô tả ban đầu với các vết loét đơn giản, nhiễm trùng, lâu lành vàorange
Xem thêm