Dịch tễ bệnh Đái tháo đường
Đái tháo đường (bệnh tiểu đường) là một bệnh lý mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin được tiết ra từ tụy.
Insulin là một nội tiết tố điều hòa lượng đường trong máu. Tăng đường máu là một hậu quả của bệnh lý đái tháo đường không được kiểm soát và theo thời gian sẽ dẫn đến những sự phá hủy nhiều hệ cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh và hệ mạch máu.
Đái tháo đường là một gánh nặng sức khỏe trên toàn thế giới.
>> Cách kiểm soát tốt Đái Tháo Đường (Tiểu Đường) để làm chậm tiến triển bệnh
Đái tháo đường và những con số báo động
Theo Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO)
-Số người mắc đái tháo đường tăng từ 108 triệu người vào năm 1980 lên đến 422 triệu người vào năm 2014.
– Tỷ lệ mắc đái tháo đường toàn cầu ở người lớn trên 18 tuổi tăng từ 4,7% năm 1980 lên 8,5% năm 2014.
– Tỷ lệ mắc đái tháo đường (tiểu đường) tăng nhanh hơn ở những nước có thu nhập trung bình hoặc thấp.
– Vào năm 2016, khoảng 1,6 triệu người chết do đái tháo đường. Tổ chức Y Tế thế giới ước tính rằng đái tháo đường là nguyên nhân tử vong hàng thứ 7.
Theo Hiệp hội Nội Tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE)
-Tỷ lệ gia tăng đái tháo đường ở Việt Nam đến 200%, thuộc hàng cao nhất thế giới.
– Ước tính trên cả nước có 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường.
– Bệnh đái tháo đường nằm trong 7 nguyên nhân gây chết người hàng đầu ở Việt Nam.
Tỷ lệ mắc Đái tháo đường cao trên toàn thế giới và tại Việt Nam. Đái tháo đường cũng là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu. Tuy nhiên, 50% số trường hợp đái tháo đường chưa được chẩn đoán và 60-70% chưa điều trị đúng cách.
Đái tháo đường (tiểu đường) không kiểm soát tốt có thể gây ra nhiều biến chứng cấp tính và mạn tính, đặc biệt là các biến chứng trên hệ thần kinh và mạch máu.
Các biến chứng mạn tính của Đái tháo đường
Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân chính gây mù.
Bệnh thận đái tháo đường là một trong một biến chứng mãn tính phổ biến.
Bệnh lý thần kinh gây ra các rối loạn cảm giác và vận động, xảy ra chủ yếu ở bàn chân và chi dưới. Người có biến chứng thần kinh thường có cảm giác bỏng, châm chích, tê, dị cảm,…
Xơ vữa động mạch gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, viêm tắc động mạch chi dưới, tắc mạch thận.
Ngoài gây ra những biến chứng liên quan tới bệnh, bệnh nhân đái tháo đường có khả năng mắc cao hơn một số bệnh lý kèm theo như bệnh lý tự miễn, ung thư, sa sút trí tuệ, gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan C, viêm tụy, nguy cơ gãy xương, rối loạn cảm giác, hội chứng ngưng thở khi ngủ,….
Mặc dù đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng trên nhiều hệ cơ quan, những biến chứng này có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm bằng cách kiểm soát tốt đường máu.
Các biện pháp giúp kiểm soát tốt bệnh Đái tháo đường
1. Chế độ ăn lành mạnh
2. Tập thể dục thể thao thường xuyên
3. Duy trì cân nặng cơ thể trong giới hạn bình thường
4. Tránh hút thuốc lá
5. Tuân thủ điều trị thuốc kê toa
6. Thăm khám theo dõi thường xuyên các biến chứng.
Tài liệu tham khảo
Website Tổ chức Y Tế Thế giới: https://www.who.int/
Website Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam: https://vade.org.vn/
Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ ADA 2020.
Giáo trình Đại học Bệnh học Nội Khoa, Bộ môn Nội, Đại học Y Dược Huế.