4 cách thư giãn giúp bạn kiểm soát huyết áp
Cuộc sống với bệnh tăng huyết áp đã là một thử thách, khiến việc tận hưởng những điều bình thường trở nên khó khăn. Thêm vào đó, sự căng thẳng, một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống hiện đại, khiến việc kiểm soát huyết áp trở nên phức tạp hơn.
Bạn đừng lo lắng, có rất nhiều cách để thư giãn, quản lý căng thẳng, từ đó giúp bạn kiểm soát huyết áp tốt hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu nhé!
Cách 1: Thư giãn cơ thể của bạn
- Tập thể dục: Tập thể dục 3 lần một tuần, mỗi lần từ 30 đến 45 phút, sẽ giúp bạn chống lại căng thẳng.
- Massage: Một cách tốt để giúp bạn thư giãn và giảm bớt căng thẳng. Bạn có thể tự massage hoặc nhờ bạn bè hay người thân giúp đỡ. Tất nhiên, bạn cũng có thể đến spa để được các chuyên gia hỗ trợ.
- Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp ngăn ngừa lo lắng. Bạn nên hạn chế những thực phẩm quá nhiều đường, dầu mỡ và nhiều muối.
- Ngủ đủ giấc: Cải thiện thói quen ngủ là một phần quan trọng trong quá trình thư giãn toàn diện. Ngủ đủ 7 giờ mỗi đêm sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn và cải thiện trí nhớ.
Cách 2: Thư giãn tâm trí của bạn
Ngay cả khi bạn đã thư giãn cơ thể, bạn vẫn có thể cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Vì vậy, hãy tập trung vào tâm trí của mình.
- Đọc sách
Thoát khỏi thực tại bằng cách đọc một cuốn sách hay. Đọc sách là một giải pháp dễ dàng để thư giãn tâm trí, ngay cả khi bạn chỉ đọc 10 phút mỗi ngày.
- Suy nghĩ tích cực: Hãy nhớ rằng những suy nghĩ tích cực có thể làm được rất nhiều điều. Hãy suy nghĩ về ba điều nhỏ khiến bạn biết ơn. Luôn nhìn cuộc sống với góc nhìn “ly nước đầy một nửa” thay vì “ly nước vơi một nửa”.
- Mỉm cười: Người ta thường nói rằng tiếng cười là liều thuốc tốt nhất. Bạn hãy cố gắng tìm những niềm vui trong cuộc sống và cười nhiều hơn.
Cách 3: Tăng cường chủ động
- Sắp xếp tổ chức: Việc tổ chức sẽ giúp bạn quản lý khối lượng công việc của mình. Lập danh sách công việc cần làm để sắp xếp lịch trình công việc; một lịch trình được định rõ sẽ giúp bạn tránh các tình huống căng thẳng. Bạn cũng có thể ưu tiên các công việc từ quan trọng nhất đến ít quan trọng hơn.
- Chấp nhận rằng bạn không thể kiểm soát mọi thứ: Bạn đừng ngại ngần yêu cầu sự giúp đỡ, và nếu có thể, hãy cùng chia sẻ công việc cho người khác.
- Học cách đối mặt với các tình huống căng thẳng: Đôi khi bạn muốn nhắm mắt lại và hy vọng mọi chuyện tự giải quyết. Nhưng hãy mở mắt và đối mặt với các tình huống, giải quyết từng bước một hoặc chia sẻ cùng những người xung quanh để được hỗ trợ. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn sau khi giải quyết chúng.
Cách 4: Học cách hiểu rõ căng thẳng
- Nguyên nhân gây căng thẳng là gì?
Xác định nguyên nhân gây căng thẳng là điều cốt yếu để hiểu tại sao bạn lại căng thẳng. Hãy dành thời gian liệt kê các tình huống khiến bạn căng thẳng. Ngay khi bạn xác định được nguyên nhân, hãy sắp xếp chúng theo mức độ gây căng thẳng từ cao đến thấp. - Lập kế hoạch!
Hãy cố gắng thiết kế một kế hoạch để giải quyết các tình huống căng thẳng. Bạn có thể nhờ sự giúp đỡ, bạn sẽ luôn dễ dàng hơn khi tìm ra giải pháp cùng bạn bè hoặc gia đình. Hãy giải quyết từng tình huống một. Bạn sẽ nhận ra rằng giải quyết ngay cả những việc nhỏ cũng giúp bạn cảm thấy tốt hơn!
Lược dịch từ Myhealth-partner, 4 pillars of relaxation, https://myhealth-partner.com/articles/4-pillars-of-relaxation, ngày truy cập 03/02/2025
SERV-NDT-06-02-2025