10 cách có thể giúp bạn phòng ngừa Đột quỵ
Tuổi tác càng cao khiến chúng ta dễ có nguy cơ bị đột quỵ hơn. Bạn không thể thay đổi tuổi hay tiền sử gia đình của mình, nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ đột quỵ khác mà bạn có thể kiểm soát. Bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu 10 cách phòng ngừa đột quỵ ngay sau đây nhé!
>> 9 Nhóm Người Có Nguy Cơ Tăng Huyết Áp Và Cách Phòng Ngừa
>> 10 dấu hiệu cảnh báo suy thận bạn cần biết
1. Điều trị Tăng huyết áp
Tăng huyết áp (Cao huyết áp) là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến nguy cơ đột quỵ. Theo nghiên cứu, nếu bạn bị Tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp 4 lần nếu như bệnh không được kiểm soát. Tăng huyết áp (Cao huyết áp) là nguyên nhân chính gây đột quỵ ở cả nam và nữ. Việc theo dõi huyết áp và điều trị khi cần thiết sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe của mình. (1)
2. Điều trị bệnh Đái tháo đường (Tiểu đường)
Lượng đường huyết cao sẽ làm tổn thương các mạch máu theo thời gian, khiến các cục máu đông dễ hình thành và gây tắc nghẽn bên trong. Bạn nên theo dõi lượng đường trong máu theo chỉ dẫn của Bác sĩ cùng chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn và uống thuốc mỗi ngày. Điều này sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu của bạn trong phạm vi khuyến nghị. (1)
3. Kiểm soát cân nặng ổn định
Béo phì, cũng như các biến chứng liên quan như Tăng huyết áp (Cao huyết áp) và Đái tháo đường (Tiểu đường) có thể làm tăng tỷ lệ đột quỵ. Mục tiêu của bạn nên đạt chỉ số khối cơ thể (BMI) ít hơn 25. Bạn cũng có thể đến gặp Bác sĩ để được tư vấn chế độ dinh dưỡng giảm cân dành riêng và phù hợp với cá nhân bạn.
Ngoài việc hạn chế không quá 1.500 đến 2.000 calo trong chế độ ăn uống (tùy thuộc vào mức độ hoạt động và chỉ số BMI hiện tại), việc tăng số lượng các bài tập vận động cũng rất cần thiết. Bạn có thể bắt đầu với những hoạt động hàng ngày như đi cầu thang bộ, chơi thể thao… (1)
4. Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục góp phần làm giảm cân, giảm huyết áp và đồng thời giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tập thể dục hiệu quả. Bạn nên tập thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 5 ngày một tuần. Nếu bạn không thể dành 30 phút liên tục để tập thể dục, hãy chia nhỏ thành các buổi tập từ 10 đến 15 phút một vài lần mỗi ngày. (1)
5. Chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng khả năng bị đột quỵ do nguy cơ tăng huyết áp và lượng cholesterol. Do đó, bạn hãy xây dựng chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, tăng khẩu phần cá 2-3 bữa/tuần. Ngoài ra, bạn nên ăn khoảng 4 – 5 bữa mỗi ngày với khẩu phần trái cây,rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít béo. (1)
Bạn hãy đảm bảo sự cân bằng trong chế độ ăn uống, không ăn quá nhiều thức ăn đơn lẻ. Đặc biệt là thức ăn nhiều muối và thức ăn chế biến sẵn. Bạn nên hạn chế lượng muối ăn không quá 6g mỗi ngày (khoảng 1 thìa cà phê). (2)
6. Uống rượu bia với lượng vừa phải
Bạn có thể uống một chút rượu hàng ngày, điều này có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn uống khoảng 1 ly mỗi ngày, nguy cơ đột quỵ có thể thấp hơn. Tuy nhiên, một khi bạn bắt đầu uống nhiều hơn 2 ly mỗi ngày, khả năng bị đột quỵ sẽ tăng lên rất nhiều.
Bạn nên chọn rượu vang đỏ do có chứa resveratrol. Đây là chất có tác dụng bảo vệ tim và não. Liều lượng lý tưởng bạn có thể dùng mỗi ngày là một ly rượu vang 150ml. (1)
7. Từ bỏ thuốc lá
Hút thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ bị đột quỵ. Thuốc lá làm tăng tốc độ hình thành cục máu đông, làm tăng số lượng mảng bám tích tụ trong động mạch, gây hẹp đường kính dòng máu lưu thông. Cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên, cai thuốc lá là một trong những cách thay đổi lối sống mạnh mẽ sẽ giúp bạn giảm nguy cơ đột quỵ đáng kể. (1)
Việc từ bỏ hút thuốc cũng là liều thuốc ngừa đột quỵ cũng sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn và giảm nguy cơ tiến triển các bệnh lý nghiêm trọng khác như ung thư phổi và bệnh tim mạch. (2)
8. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ
Ngáy to kéo dài liên tục có thể là dấu hiệu của ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này có thể khiến bạn ngưng thở hàng trăm lần trong một đêm. Việc này làm tăng nguy cơ đột quỵ bằng cách khiến não bạn không nhận đủ oxy và tăng huyết áp (cao huyết áp). Nếu phát hiện chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), bạn có thể được điều trị bằng cách thở oxy vào ban đêm hoặc cho bạn đeo một thiết bị nhỏ trong miệng tùy theo chỉ định Bác sĩ. (3)
9. Tránh ma túy
Một số loại ma túy như cocaine và methamphetamine, là những yếu tố nguy cơ gây ra cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ. Bạn tuyệt đối không nên thử ma túy, dù chỉ 1 lần. (3)
10. Điều trị bệnh lý liên quan đến đột quỵ
Nếu có bất kỳ tình trạng nào trong số này, bạn hãy tìm Bác sĩ điều trị để giúp giảm nguy cơ đột quỵ như tăng cholesterol máu, bệnh động mạch ngoại biên, rung nhĩ (một dạng rối loạn nhịp tim), bệnh tim mạch hoặc bệnh hồng cầu hình liềm. (3)
Một trong những nguyên nhân chính gây nên Đột quỵ chính là Tăng huyết áp. Hàng triệu người Việt Nam trên 40 tuổi đã biết mức huyết áp của mình. Còn bạn thì sao?
Hi vọng những thông tin trên sẽ phần nào giúp bạn kiểm soát các yếu tố nguy cơ liên quan đến Đột quỵ. Hãy hành động ngay hôm nay, không bao giờ là quá muộn để bạn và những người thân trong gia đình cùng nhau xây dựng cho mình lối sống lành mạnh.
Nguồn tham khảo:
1. Harvard Health, “7 things you can do to prevent a stroke”