5 Nguyên Nhân Tăng Huyết Áp Ở Phụ Nữ Và Cách Điều Trị
Bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở phụ nữ trên thế giới. Tăng huyết áp ở nữ giới dưới 65 tuổi ít phổ biến hơn nam giới, tuy nhiên, ở độ tuổi cao > 65 tuổi, tỷ lệ tăng huyết áp ở nữ nhiều hơn so với nam giới.
>> 10 dấu hiệu cảnh báo suy thận bạn cần biết
>> Tăng huyết áp đột ngột và cách xử trí nhanh
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng, vì vậy cần lưu ý tầm soát tăng huyết áp:
- Người khỏe mạnh huyết áp < 120/80mmHg: Theo dõi huyết áp ít nhất 5 năm/lần và thường xuyên hơn nếu có nguy cơ (béo phì, ít vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường…)
- Người có huyết áp bình thường (120 – 129/80-84mmHg): nên kiểm tra huyết áp ít nhất 3 năm/lần.
- Người có huyết áp cao vừa (130 – 139/85-89mmHg): nên kiểm tra huyết áp mỗi năm.
Một số triệu chứng tăng huyết áp thường gặp phải như cảm giác khó chịu, đau/nặng ngực; cơn đau có thể lan cánh tay trái, quai hàm, bả vai; mệt mỏi, mất sức, rối loạn giấc ngủ; nóng bừng, đổ mồ hôi nhiều; đánh trống ngực; sưng ở mắt cá, tay, mắt; đau đầu, nhìn mờ.
Tăng huyết áp xảy ra khi mức huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg ít nhất qua 2 lần đo. Các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp bao gồm:
- Nam giới
- Lớn tuổi
- Hút thuốc lá
- Béo phì, ít vận động thể lực
- Tiền căn gia đình có bệnh tim mạch (nam < 50 tuổi, nữ < 65 tuổi)
- Đái tháo đường
1. Tăng huyết áp áo choàng trắng
Tăng huyết áp áo choàng trắng là hiện tượng xảy ra ở những người không điều trị thuốc huyết áp, huyết áp người bệnh tăng tại phòng khám (≥140/90mmHg) và trở về bình thường khi theo dõi huyết áp tại nhà/Holter huyết áp.
Tăng huyết áp áo choàng trắng chiếm ≈ 30-40% (> 50% ở bệnh nhân rất cao tuổi), gia tăng ở phụ nữ lớn tuổi hoặc có thai. Nguyên nhân chủ yếu do sự lo lắng, thay đổi nội tiết tố và tăng mắc hội chứng chuyển hóa (rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…), tăng độ cứng động mạch do tình trạng lão hóa.
Tăng huyết áp áo choàng trắng thường lành tính, tuy nhiên có thể làm tăng biến cố tim mạch ở người có yếu tố nguy cơ tim mạch (như lớn tuổi, béo phì, ít vận động, ăn mặn, đái tháo đường, nghiện rượu, hút thuốc lá…). Tăng huyết áp áo choàng trắng có thể diễn tiến thành tăng huyết áp thực sự sau này, đặc biệt ở phụ nữ lớn tuổi. Vì vậy cần có lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ và cần theo dõi huyết áp thường xuyên.
2. Tăng huyết áp ẩn giấu
Tăng huyết áp ẩn giấu là hiện tượng mức huyết áp tại phòng khám bình thường, nhưng lại tăng huyết áp khi theo dõi huyết áp liên tục tại nhà/Holter huyết áp. Tăng huyết áp ẩn giấu chiếm ≈ 10-15% và gia tăng ở người Châu Á.
Yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp ẩn giấu bao gồm:
- Nam giới
- Lớn tuổi
- Hút thuốc lá
- Ít vận động thể lực, béo phì
- Tiền tăng huyết áp, đái tháo đường
Tăng huyết áp ẩn giấu ở phụ nữ gia tăng theo chỉ số khối cơ thể và lượng rượu tiêu thụ. Đây cũng là yếu tố nguy cơ làm tăng bệnh tim mạch. Vì vậy người bệnh nên theo dõi huyết áp thường xuyên và trong một số trường hợp cần điều trị thuốc huyết áp.
3. Tăng huyết áp ở phụ nữ mãn kinh
Trong giai đoạn hành kinh, dưới tác dụng của nội tiết tố là estrogen – chất có tác dụng làm giãn mạch máu. Sau mãn kinh, do thiếu estrogen nên làm tăng độ cứng động mạch và tăng nhạy cảm với muối, giảm sản xuất các chất giãn mạch (oxit nitric nội mô, thụ thể angiotensin II), vì vậy làm tăng huyết áp tâm thu.
Các yếu tố khác góp phần dẫn đến tăng huyết áp ở phụ nữ sau mãn kinh là béo phì, trầm cảm, lo âu. Mức huyết áp có thể trở về mức bình thường bằng cách tăng hoạt động thể chất, tập thể dục thường xuyên và lâu dài (ít nhất 3 lần/tuần trong 12 tuần).
4. Tăng huyết áp do thuốc ngừa thai
Tăng huyết áp có thể xảy ra ở những người dùng thuốc ngừa thai đường uống kéo dài. Nguyên nhân là do thuốc ngừa thai đường uống (thành phần ethinyl estradiol) làm tăng độ cứng của mạch máu, tăng tạo chất co mạch máu, giữ muối và nước. Các yếu tố khác góp phần làm tăng huyết áp ở người uống thuốc ngừa thai bao gồm lớn tuổi, hút thuốc lá, béo phì.
Mức huyết áp có thể trở về bình thường nếu ngưng uống thuốc ngừa thai, và còn phụ thuộc vào thời gian dùng thuốc ngừa thai.
Ở người có tăng huyết áp nhưng được kiểm soát tốt có thể dùng viên ngừa thai phối hợp liều thấp. Còn đối với người tăng huyết áp khó kiểm soát nên ngừa thai với thuốc viên chỉ có progestin hoặc dụng cụ tử cung phóng thích levonorgestrel (Mirena), hoặc dùng phương pháp ngừa thai khác.
5. Tăng huyết áp thai kỳ
Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ phân loại tăng huyết áp thai kỳ thành 4 loại: Tiền sản giật/sản giật, tăng huyết áp mạn tính bất kể nguyên nhân, tăng huyết áp mạn tính chồng lên tiền sản giật và tăng huyết áp thai kỳ.
+ Tiền sản giật: là hội chứng tăng huyết áp mới khởi phát kèm protein niệu, hoặc tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp bao gồm giảm tiểu cầu, suy chức năng gan, suy thận mới khởi phát, phù phổi, rối loạn thị giác hoặc hoặc não mới khởi phát.
Hội chứng HELLP là một dạng tiền sản giật nặng và đe dọa tính mạng, đặc trưng bởi tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu. Sản giật là tiền sản giật và có các cơn co giật.
+ Tăng huyết áp mạn tính trong thai kỳ: là huyết áp tâm thu ≥ 140/90mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg trước khi bắt đầu mang thai, hoặc xuất hiện trước tuần thứ 20 của thai kỳ, hoặc kéo dài hơn 12 tuần sau sinh.
+ Tăng huyết áp mạn tính chồng lên tiền sản giật: là sự phát triển các triệu chứng tiền sản giật/sản giật ở phụ nữ mang thai có tăng huyết áp mạn tính.
Tăng huyết áp thai kỳ là tăng huyết áp được phát hiện sau tuần 20 của thai kỳ mà không có các đặc điểm của tiền sản giật. Đây là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch sau sinh, làm tăng tử vong, tăng nguy cơ bệnh Alzheimer, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim và đột quỵ.
Hướng điều trị tăng huyết áp ở phụ nữ
Việc quyết định điều trị hạ áp tùy thuộc vào lợi ích – nguy cơ của mẹ và thai nhi. Hạ áp tích cực có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn thai nhi và có thể hạn chế sự phát triển thai nhau. Tất cả các thuốc hạ áp đều qua nhau thai.
Do đó, bạn cần lưu ý một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp bao gồm:
- Thuốc ghi nhận an toàn trong thai kỳ: bao gồm Methyldopa, labetalol, nifedipin, hydralazine.
- Thuốc cần tránh trong thai kỳ: bao gồm ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin, ức chế trực tiếp renin và nitroprusside vì nguy cơ dị tật và độc thai.
Mức huyết áp sau sinh có thể trở về bình thường, cũng có thể sẽ tăng huyết áp và cần điều trị huyết áp suốt đời. Vì vậy người có tăng huyết áp thai kỳ cần theo dõi huyết áp thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn, theo dõi và điều trị.
Lợi ích của việc hạ huyết áp đã được chứng minh giúp giảm biến cố tim mạch, hầu hết các hướng dẫn điều trị tăng huyết áp hiện nay đều đưa ra mục tiêu huyết áp ≤ 140/90 mmHg, và không có sự khác biệt giữa hai giới.
Việc điều trị tăng huyết áp bao gồm:
- Dùng thuốc hạ áp
- Giảm cân, tăng cường vận động thể lực (> 30 phút x 5 – 7 ngày/tuần)
- Hạn chế thịt đỏ, mỡ bão hòa, muối (<5g/ngày ≈ 1 muỗng cà phê)
- Hạn chế rượu bia (nam < 14 đơn vị/tuần, nữ < 8 đơn vị/tuần, 1 đơn vị ≈ 83.3 ml rượu vang ≈ 220ml bia)
- Ngưng thuốc lá
- Tăng tiêu thụ các thực phẩm có lợi như trái cây, rau củ, cá, mỡ không bão hòa
Hiện không có sự khác biệt về mức độ hiệu quả của các thuốc hạ áp ở nam và nữ. Tuy nhiên, tác dụng phụ lại có phần khác biệt. Phụ nữ thường bị ho do thuốc ức chế men chuyển, phù do thuốc chẹn kênh canxi và rậm lông do thuốc minoxidil gấp 3 lần so với nam giới. Đối với thuốc lợi tiểu thiazide, phụ nữ hay gặp hạ natri/kali máu, trong khi nam giới lại gặp nguy cơ cao bị bệnh gút.
Nguồn tham khảo:
1. Amier Ahmad và cs, Hypertension in Women: Recent advances and lingering questions, Hypertension. 2017; 70:19-26
2. Angela H.E.M và cs, Hypertension in Women: no “silent” lady-killer, ESC 2019, volume 17.
3. ESC/ESH 2018 Guidelines for the management of arterial hypertension.
4. Hage F.G và cs, Hypertension in Women, ISN 2013.
5. Wenger N.K và cs, Hypertension across a Woman’life cycle, JACC vol.71, no.16, 2018.