Đột quỵ có chữa được không?
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba sau bệnh tim và ung thư, nhưng là nguyên nhân hàng đầu tàn phế trong các bệnh thần kinh. Đột quỵ không thể điều trị tại nhà. Bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm, khả năng điều trị thành công càng cao.

1. Đột quỵ là gì?
Máu mang oxy và chất dinh dưỡng lên nuôi não. Khi đột quỵ xảy ra, não sẽ bị thiếu máu nuôi. Do đó, não sẽ ngưng hoạt động rồi chết đi trong vòng vài giây đến vài phút. Mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não chết đi. Phần nào của não bị chết đi thì phần cơ thể tương ứng do não điều khiển sẽ không hoạt động được. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện như tê, mất cảm giác hay liệt nửa người, nói khó hoặc không nói được, hoặc hôn mê…[1]
Thời gian cứu sống não trong Đột quỵ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thời gian xử lý càng lâu, càng nhiều phần não bị tổn thương không thể phục hồi.

Bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Liệu pháp sử dụng thuốc chỉ có thể thực hiện trong vòng 4,5 giờ kể từ lúc khởi phát triệu chứng. Phương pháp dùng thủ thuật, phẫu thuật có thể thực hiện trong vòng 6 giờ kể từ lúc khởi phát triệu chứng.
2. Đột quỵ có thể chữa được không?
Cứ 100 người Đột quỵ sẽ có khoảng 10 – 20 người chết, khoảng 25 người nằm liệt giường hoặc luôn cần người phụ giúp, chăm sóc. Chỉ 20 người khoẻ mạnh và làm việc trở lại được. Còn lại là những người có hồi phục nhưng vẫn yếu hoặc liệt một phần. Điều này càng cho thấy sức tàn phá của Đột quỵ lớn như thế nào.
Quá trình điều trị khẩn cấp tập trung vào việc loại bỏ huyết khối và ngăn ngừa tổn thương não thêm. Nhiều bệnh nhân có thể hồi phục một phần hoặc hoàn toàn, nếu được chăm sóc điều trị thích hợp. Thời gian để hồi phục từ một vài ngày đến vài tháng, tùy theo mức độ bệnh. Trường hợp nhanh và nhiều nhất là ba tháng đầu tiên sau Đột quỵ.

Trường hợp nặng có thể để lại di chứng tàn phế nặng nề, không thể tự sinh hoạt được. Nặng nhất, bệnh nhân sẽ tử vong, hầu hết xảy ra trong tuần đầu tiên. Trường hợp nặng là khi người bị nhồi máu não hoặc xuất huyết não với kích thước quá lớn hoặc xảy ra ở các vị trí quan trọng. (1)
3. Phương pháp điều trị Đột quỵ
Đột quỵ thường gặp nhất là nhồi máu não. Đối với nhồi máu não, mạch máu nuôi não bị tắc do huyết khối hoặc mảng xơ vữa. Các phương pháp chính điều trị tình trạng tắc mạch não này bao gồm:
Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch
Thuốc thường dùng là Alteplase (rtPA) đường tĩnh mạch chỉ định cho một số bệnh nhân có thể được điều trị trong vòng 4,5 giờ (tối ưu là 3 giờ) sau khởi phát Đột quỵ nhồi máu não. Lợi ích của điều trị là phụ thuộc vào thời gian. Vì vậy, việc điều trị nên được bắt đầu càng nhanh càng tốt. Thời gian thuốc vào được tĩnh mạch cần phải trong vòng 60 phút từ khi đến bệnh viện. (2)
Can thiệp tái thông bằng thuốc tiêu huyết khối đường động mạch
Thời gian điều trị 3 – 6 giờ từ lúc khởi phát. Tuy nhiên phải xác định được chính xác động mạch nuôi não nào bị tắc nghẽn. Hiện nay, phương pháp này không được sử dụng đơn độc.
Điều trị lấy huyết khối cơ học bằng stent
Bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ chuyên biệt để kéo cục máu đông ra khỏi mạch máu, từ đó tái thông dòng chảy. Các loại dụng cụ đang được sử dụng bao gồm:
- Dụng cụ kéo huyết khối
- Hệ thống hút huyết khối
- Dụng cụ mở lại dòng chảy và kéo huyết khối

Lấy huyết khối cơ học nên được thực hiện càng sớm càng tốt, trong vòng 6 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng. Năm 2018, Hiệp hội Đột quỵ Mỹ (ASA) khuyến cáo có thể thực hiện phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học ở một số bệnh nhân bị tắc mạch máu lớn trong não đến bệnh viện với thời gian muộn hơn. Cụ thể là từ 6 – 16h hoặc 16 – 24h với một số tiêu chuẩn riêng, chẳng hạn như tắc mạch máu lớn. (3)
4. Quan điểm sai cần tránh trong điều trị
Nhiều gia đình đưa bệnh nhân bị Đột quỵ đến muộn giải thích rằng Đột quỵ không được di chuyển nên để nằm yên một chỗ tại nhà và sử dụng những phương thức dân gian như cắt lễ, xoa dầu, cạo gió, nặn máu ở đầu ngón tay, dái tai, bấm huyệt, châm cứu, dùng thuốc bổ não…
Quan niệm trên hoàn toàn thiếu khoa học. Những phương pháp trên không có tác dụng, thậm chí còn gây nguy hiểm cho người bệnh, vô tình làm trì hoãn việc đưa bệnh nhân đến bệnh viện và mất đi thời gian vàng cứu sống não. Bạn hãy lưu ý, mỗi 1 phút trì hoãn sẽ có 2 triệu tế bào não chết đi không thể phục hồi.
5. Cách xử lý khi gặp người bị Đột quỵ
- Đỡ người bệnh để không bị té ngã chấn thương
- Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở
- Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất
- Không tự ý cho uống thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác
- Không để chờ người bệnh tự hồi phục

Bên cạnh Đột quỵ, chứng ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn đường thở cũng là một hiểm họa vô cùng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hội chứng này thông qua video ngắn này nhé:
Những kiến thức ban đầu sẽ giúp bạn biết cách xử lý đúng cách, hạn chế những tổn thương. Nhiều bệnh nhân có thể hồi phục một phần hoặc hoàn toàn, nếu được chăm sóc điều trị thích hợp, đặc biệt trong điều kiện y học ngày càng phát triển như hiện nay.
Nguồn tham khảo:
- Bộ Y tế, “BỘ Y TẾ HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI BỆNH ĐỘT QUỴ”
- Hội Đột quỵ Việt Nam, “HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ SỚM NHỒI MÁU NÃO CẤP AHA/ASA 2018”
- Ahajournals, “2018 Guidelines for the Early Management of Patients With Acute Ischemic Stroke”