Suy tim trái: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Cấu trúc tim bao gồm màng ngoài tim, cơ tim, van tim và nội tâm mạc (màng trong tim). Bệnh lý ở bất kỳ cấu trúc nào trong số đó có thể dẫn đến suy tim. Suy tim trái xảy ra khi tâm thất trái bị rối loạn chức năng khiến máu cung cấp không đủ đến các cơ quan của cơ thể.
>> 4 triệu chứng báo hiệu bạn có nguy cơ Suy tim
>> 9 Nhóm Người Có Nguy Cơ Tăng Huyết Áp Và Cách Phòng Ngừa
Bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và điều trị suy tim trái ngay sau đây nhé!
1. Yếu tố nguy cơ gây nên suy tim trái
Căn nguyên phổ biến nhất của suy tim trái là bệnh mạch vành và Tăng huyết áp. Ngoài ra, Đái tháo đường, hút thuốc lá, béo phì, giới tính nam và lối sống ít vận động được xem là các yếu tố nguy cơ cần chú ý. Việc kiểm soát yếu tố nguy cơ vẫn cực kỳ quan trọng trong việc ngăn ngừa suy tim. (1)
2. Các triệu chứng suy tim trái
Bệnh nhân suy tim trái có thể biểu hiện khó thở. Thường xảy ra khi gắng sức hay khi nằm, khó thở xuất hiện đột ngột vào ban đêm. Các triệu chứng khác có thể đi kèm như tăng cân biểu hiện qua phù chân và bụng to, hoặc đau bụng ở vùng hông phải. Ngoài ra, có thể mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt hay đi tiểu thường xuyên hơn vào ban đêm. (1)
3. Chẩn đoán suy tim trái
Triệu chứng của người bệnh là yếu tố quyết định giúp bác sĩ có thể chẩn đoán. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm có thể giúp đánh giá chính xác hơn:
- Xét nghiệm máu: giúp tìm các chất xuất hiện khi tim bị tổn thương hoặc kiểm tra chức năng của những cơ quan khác như gan, thận…
- Đo điện tâm đồ: có thể cho thấy hình ảnh của bệnh tim thiếu máu cục bộ, thất trái tăng kích thước hoặc rối loạn nhịp tim.
- Siêu âm tim: giúp đánh giá khả năng co bóp của tim, nhất là thất trái. Ngoài ra cũng có thể đánh giá bệnh lý van tim và màng ngoài tim.
- Chụp động mạch vành: có thể được chỉ định ở những trường hợp suy tim nặng cần tìm nguyên nhân. (1)
4. Điều trị suy tim trái
Một số tình trạng suy tim có thể hồi phục khi các nguyên nhân được giải quyết. Ví dụ như: bệnh lý cơ tim do rượu, rối loạn nhịp tim hoặc thiếu máu cục bộ.
Trong các trường hợp khác, suy tim là một tình trạng mãn tính. Mục tiêu điều trị chủ yếu là cải thiện chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể của tim, loại bỏ nước và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Các hướng điều trị bao gồm:
4.1 Thay đổi lối sống kết hợp điều trị thuốc
Bên cạnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần phải ý thức về tầm quan trọng của việc thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng suy tim trái. Điều này bao gồm: tiêu thụ muối hợp lý và tránh rượu, thuốc lá, và chất kích thích.
Bằng cách tuân thủ việc điều chỉnh lối sống và điều trị theo lời khuyên của bác sĩ cùng với kiểm soát các tình trạng liên quan (như Tăng huyết áp) sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ nhập viện do đợt cấp suy tim và cải thiện chất lượng cuộc sống. (1)
4.2 Cấy ghép tim, thiết bị cơ học
Trong một số trường hợp suy tim nặng, một thiết bị cơ học sẽ được đặt trong tim để giúp tim bơm máu. Nếu tình trạng suy tim phức tạp hơn thì bác sĩ có thể cân nhắc việc sử dụng liên tục các loại thuốc giúp tim co bóp và cấy ghép tim. (1)
5. Chăm sóc tại nhà cho người bệnh Suy tim trái
5.1 Kiểm tra cân nặng của bạn mỗi ngày
Tăng cân đột ngột có thể là dấu hiệu của tình trạng suy tim đang trầm trọng thêm. Sử dụng cùng một cái cân để cân ở một thời điểm mỗi ngày. Hãy ghi lại kết quả cân nặng để theo dõi.
5.2 Giảm lượng muối mỗi bữa ăn
Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn biết lượng muối cần có hàng ngày, thường là < 3g/ngày, lý tưởng là < 1,5g/ngày. Hạn chế thức ăn nhiều muối. Bao gồm dưa cải chua, thịt hun khói, thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, thịt nguội, các loại mắm … ). Đừng thêm nhiều nước chấm (mắm, tương, chao) khi bạn dùng bữa trên bàn ăn. Chỉ sử dụng một lượng nhỏ muối khi nấu ăn.
5.3 Lối sống lành mạnh
Người bệnh suy tim cần bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu và giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh.
Nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì, bạn nên có kế hoạch giảm cân. Trọng lượng dư thừa sẽ khiến tim của bạn phải hoạt động nhiều hơn. Tiếp tục vận động nếu bạn đã thực hiện từ trước. Tuy nhiên, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để có một chương trình tập thể dục an toàn cho tim của bạn.
Kê cao chân để giảm phù. Ngoài ra, các tư thế phù hợp cũng giúp giảm triệu chứng khó thở như ngồi hoặc nằm đầu cao. (2)
Tăng huyết áp là một trong những căn nguyên gây Suy tim trái. Vậy bạn có thật sự hiểu rõ về bệnh lý Tăng huyết áp. Hãy để Ngày Đầu Tiên giải đáp cho bạn qua video ngắn sau:
Người bệnh suy tim cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ kết hợp với việc xây dựng một lối sống lành mạnh. Hi vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích về Nguyên nhân, triệu chứng chẩn đoán bệnh và hướng điều trị bệnh Suy tim trái.
Nguồn tham khảo:
- Johnny Chahine; Heidi Alvey, “Left Ventricular Failure”
- Fairview , “Left-Sided Congestive Heart Failure (CHF)