Bí quyết vàng trong chăm sóc bệnh nhân Suy tim
Suy tim là hậu quả cuối cùng của rất nhiều các bệnh tim mạch như: Tăng huyết áp, bệnh van tim, bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh… với tỷ lệ tử vong cao. Tỷ lệ tử vong sau khi nhập viện của bệnh nhân suy tim có thể lên đến 42,3% sau 5 năm (1).
>> Suy tim cấp và những điều cần biết để tránh tai họa
>> Kiểm Soát Huyết Áp Khi Du Lịch: Vui Chơi Nhưng Không Quên Điều Trị
Tuy vậy, nếu nắm được các kĩ năng theo dõi, chăm sóc bệnh nhân Suy tim và có chế độ dùng thuốc hợp lý thì tỉ lệ sống còn và chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ được cải thiện đáng kể.
1. Tuân thủ điều trị thuốc
Dùng thuốc sẽ giúp giảm triệu chứng, giảm số lần nhập viện, tăng khả năng gắng sức, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ. Hiệu quả này chỉ đạt được tối ưu nếu bạn dùng thuốc đúng theo toa. Quên uống thuốc hoặc uống thuốc quá liều đều rất nguy hiểm. Thực tế, không uống thuốc theo đơn là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bệnh nhân Suy tim phải nhập viện (2)
Một số lời khuyên để dùng thuốc an toàn và đúng cách
- Uống thuốc và thời gian cố định trong ngày hoặc tạo ra 1 thói quen để dễ ghi nhớ. Ví dụ uống thuốc ngay sau khi ăn sáng hoặc sau khi xem bản tin thời sự buổi tối.
- Đặt báo thức nhắc nhở giờ uống thuốc.
- Sử dụng hộp chia thuốc ghi rõ các giờ dùng thuốc trong ngày và trong tuần.
- Luôn hỏi bác sĩ bạn phải làm gì khi quên uống thuốc. Không cố gắng uống 2 liều để bù lại liều đã quên (trừ khi đã hỏi qua ý kiến bác sĩ).
2. Vận động thể chất mỗi ngày và sống tích cực
Lợi ích của vận động
- Tăng cường sức khỏe
- Giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch: béo phì, tăng huyết áp…
- Giúp máu lưu thông tốt, tăng khả năng sử dụng oxy của cơ thể-> giảm triệu chứng mệt.
- Tăng sức bền.
- Tăng cân bằng và linh hoạt.
- Giảm stress
- Hơn thế nữa, các nghiên cứu chỉ ra rằng những bệnh nhân Suy tim tập luyện với mức độ phù hợp có thể giúp tăng cường sức khỏe trái tim, ít phải nhập viện hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn và gặp ít biến chứng của bệnh hơn.
Tạm thời ngưng/không tập khi
- Suy tim độ 4
- Tụt huyết áp khi tập thể dục
- Tăng khoảng > 1.5 kg trong 1-3 ngày trước
- Nhịp tim khi nghỉ luôn > 100 lần/ phút
- Khó thở khi gắng sức hoặc khó thở kịch phát về đêm trong 3-5 ngày trước
- Hẹp động mạch chủ mức độ trung bình – nặng
- Giai đoạn sớm sau nhồi máu cơ tim (trong khoảng 3 tuần)
- Sốt hoặc các bệnh cấp tính khác…
Kế hoạch tập luyện
Kế hoạch tập luyện tốt nhất là kế hoạch phù hợp với sức khỏe hiện tại, phù hợp với thói quen và sở thích của chính bạn. Đi bộ, dưỡng sinh và đạp xe đạp là những bài tập rất tốt. Bạn nên dành ra 30p mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần để tập luyện. Bạn có thể có những ngày cảm thấy rất khỏe mạnh, những ngày cảm thấy mệt mỏi. Do đó, điều quan trọng là bạn chọn những bài tập có cường độ phù hợp và lắng nghe bản thân để xác định giới hạn gắng sức. (2)
3. Chế độ dinh dưỡng
Giảm lượng muối trong chế độ ăn
Ở người suy tim, việc đào thải muối qua nước tiểu không còn dễ dàng. Thừa muối trong cơ thể dẫn tới thừa dịch và tăng huyết áp. Hậu quả là trái tim phải làm việc vất vả hơn và suy yếu nhanh hơn. Dưới đây là một số gợi ý giảm muối trong chế độ ăn
- Không để mắm, muối, gia vị lên bàn ăn. Không nhìn thấy sẽ hạn chế bớt việc sử dụng chúng trong bữa ăn
- Thay thế đồ hộp bằng rau củ quả tươi
- Tránh xa các món ngâm muối như thịt muối, dưa muối…
- Ưu tiên thực phẩm tự nấu hơn là đồ ăn chế biến sẵn
- Xem giá trị dinh dưỡng trên món đồ ăn mua ở siêu thị, chọn thức ăn có hàm lượng muối ít hơn 10% giá trị hàng ngày (daily value)
Giảm rượu bia
- Giới hạn lượng rượu mỗi ngày: 2 đơn vị cho nam giới và 1 đơn vị cho nữ. Mỗi đơn vị rượu tương đương 10ml rượu nguyên chất hay 1 ly rượu vang hoặc 0.5 lít bia.
- Kiêng rượu bia tuyệt đối nếu bệnh nhân bị bệnh cơ tim do rượu (3)
4. Nhận biết các triệu chứng
Đi khám ngay nếu
- Cảm thấy khó thở ngay cả khi nghỉ hoặc ho liên tục không ngừng
- Khò khè hoặc tức nặng ngực ngay cả khi nghỉ
- Thức giấc ban đêm vì khó thở
- Tăng hoặc giảm trên 2-3 kg so với cân nặng hằng ngày
Gọi cấp cứu ngay nếu
- Khó thở không ngừng, cảm giác như chết ngộp hay sắp ngất
- Ho, khạc ra bọt hồng
- Đau thắt ngực hoặc các triệu chứng như cơn nhồi máu cơ tim
- Tim đập nhanh hoặc không đều khiến bạn cảm thấy choáng váng
- Ngất, mất ý thức
Bên cạnh Suy tim, chứng ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn đường thở cũng là một hiểm họa vô cùng nguy hiểm. Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu về hiểm họa này qua video ngắn sau”
Suy tim làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên với kế hoạch quản lý, chăm sóc bệnh nhân Suy tim chu đáo cùng thái độ lạc quan, tích cực chủ động tìm hiểu kiến thức để tự chăm sóc bản thân thì người mắc bệnh Suy tim vẫn có thể duy trì một cuộc sống có chất lượng. Hi vọng một số bí quyết trên đây sẽ giúp bạn và các thành viên trong gia đình hiểu rõ hơn về chăm sóc bệnh nhân Suy tim như thế nào.
Nguồn tham khảo:
- Medscape, “What is the mortality rate for heart failure?”
- Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa Khoa Đồng Nai, “Chương trình quản lý suy tim”
- Bộ Y tế, “Chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh Suy tim mạn tính”