Bệnh suy tim có nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng không?
Bệnh suy tim có nguy hiểm không là một trong những trăn trở của rất nhiều người. Đặc biệt là những người đang có vấn đề về tim mạch. Hầu hết mọi người chưa biết được mức độ nguy hiểm của bệnh suy tim, cũng như những ảnh hưởng xấu của nó đến sức khỏe của người bệnh.
>> Suy tim trái: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
>> 4 triệu chứng báo hiệu bạn có nguy cơ Suy tim
Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu về nguyên nhân và sự nguy hiểm của bệnh suy tim qua bài viết sau đây.
1. Suy tim là gì? Những nguyên nhân gây bệnh lý suy tim
Suy tim là gì?
Trước khi tìm hiểu vấn đề bệnh suy tim có nguy hiểm không thì bạn đọc nên biết suy tim là gì. Suy tim, đôi khi được gọi là suy tim sung huyết, xảy ra khi cơ tim của bạn không bơm máu tốt như bình thường. Một số bất thường như bệnh mạch vành hoặc Tăng huyết áp dần dần khiến tim bạn quá yếu hoặc cứng để có thể làm đầy và bơm máu hiệu quả. (1)
Không phải tất cả các bất thường dẫn đến suy tim đều có thể hồi phục. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể giúp cải thiện các triệu chứng và giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ. (1)
Nguyên nhân gây bệnh lý suy tim
Bất kỳ rối loạn nào sau đây có thể làm tổn thương hoặc làm suy yếu tim, dẫn đến suy tim:
- Bệnh mạch vành. Đây là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất và là nguyên nhân thường gặp nhất của suy tim.
- Tăng huyết áp. Nếu huyết áp tăng cao, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn bình thường để có thể bơm máu đi khắp cơ thể. Theo thời gian, hoạt động gắng sức thêm này có thể khiến cơ tim trở nên quá cứng hoặc quá yếu để bơm máu một cách hiệu quả.
- Van tim bị hỏng. Van tim bị tổn thương buộc tim phải làm việc nhiều hơn và có thể khiến cho tim yếu dần theo thời gian.
- Tổn thương cơ tim. Bệnh lý này do nhiều nguyên nhân, bao gồm nhiễm trùng, lạm dụng rượu và tác dụng có hại của thuốc (chẳng hạn như cocaine hoặc một số loại thuốc hóa trị trong ung thư).
- Viêm cơ tim. Bệnh lý này có thể dẫn đến suy tim trái.
- Dị tật tim bẩm sinh. Nếu tim và các buồng hoặc van của tim không được hình thành một cách bình thường, các bộ phận khỏe mạnh của tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua tim. Từ đó có thể dẫn đến bệnh lý suy tim.
- Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim).
- Những căn bệnh khác. Chẳng hạn như Đái tháo đường, HIV, cường giáp, suy giáp,… cũng có thể góp phần gây ra bệnh lý suy tim. (1)
2. Bệnh suy tim có nguy hiểm đến tính mạng không?
Một trong những vấn đề mà nhiều người quan tâm đó là bệnh suy tim có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng đến tính mạng không? Câu trả lời là “Có”. Mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra suy tim, các bệnh lý kèm theo trong suốt quá trình điều trị. (2), (3)
Suy tim khiến người bệnh phải nhập viện vì khó thở nhiều, phù, mệt mỏi. Đồng thời còn đe dọa tính mạng bởi các biến chứng sau đây:
- Phù phổi cấp, tràn dịch màng phổi. Suy tim gây ứ đọng một lượng dịch lớn ở phổi. Từ đó gây ra triệu chứng ho khan, khó thở, phù phổi cấp.
- Đột tử do rối loạn nhịp tim. Nhịp nhanh kịch phát trên thất, rung thất, nhịp nhanh thất gây nguy cơ đột tử khá cao.
- Đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Các cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim. Khi cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch não sẽ dẫn đến đột quỵ nhồi máu não.
- Nguy cơ hỏng van tim: Tim làm việc quá sức trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn đến hậu quả hỏng van tim.
- Thiếu máu. Chức năng tim suy yếu dẫn đến suy giảm chức năng thận. Thận không sản xuất đủ hormone erythropoietin kích thích tạo hồng cầu dẫn đến thiếu máu.
- Tổn thương gan, thận.
- Rối loạn nhịp tim: Chẳng hạn như: Rung nhĩ, rung thất, nhịp tim nhanh thất,… (2), (3)
3. Những điều người bệnh suy tim nên và không nên làm
3.1 Nên
Những điều người suy tim nên làm bao gồm:
- Giảm cân và giữ cân nặng ở mức cho phép theo khuyến cáo của bác sĩ. Tốt nhất là BMI không quá 23 kg/m2.
- Giảm lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày.
- Hạn chế uống rượu bia.
- Siêng năng tập thể dục hàng ngày.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Hạn chế thức ăn có chứa chất béo.
- Ngủ đủ giấc. (4)
3.2 Không nên
Người bệnh suy tim không nên làm những điều sau đây:
- Thức khuya.
- Hoạt động thể lực quá mức.
- Sử dụng những chất kích thích như Amphetamin, Caffein (trà, cà phê), cocain,…
- Thường xuyên lo âu, căng thẳng tâm lý.
- Không uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Sống một lối sống tĩnh tại, ít vận động. (4)
Tăng huyết áp có thể dẫn đến Suy tim. Vì vậy, trong bài post này, Ngày Đầu Tiên sẽ hướng dẫn chi tiết cách đo huyết áp đúng cách qua video sau:
Hy vọng với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, bạn đọc sẽ biết được bệnh suy tim có nguy hiểm không. Từ đó, chúng ta sẽ biết cách phòng bệnh. Cũng như biết thay đổi lối sống, thói quen để kéo dài tuổi thọ khi đã mắc bệnh suy tim.
Nguồn tham khảo:
- MayO Clinic Staff, “Heart failure”
- Kristeen Moore, Medically reviewed by Debra Sullivan, Ph.D., MSN, R.N., CNE, COI,“Heart Failure”
- NHS Staff, “Heart failure”
- American Heart Association, Lifestyle Changes for Heart Failure