10 dấu hiệu cảnh báo suy thận bạn cần biết
Bệnh thận mạn là bệnh tiến triển âm thầm, dần dần gây tổn thương các đơn vị thận (nephron), cuối cùng dẫn đến suy chức năng thận (suy thận). Chính vì vậy, phát hiện sớm và điều trị kịp thời là một trong những vấn đề đang được quan tâm.
>> Cách phòng ngừa đột quỵ mà bạn cần biết
>> Lợi ích khi cai thuốc lá ở người Tăng huyết áp
Bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu về suy thận và những dấu hiệu suy thận ngay sau đây nhé!
1. Suy thận là gì?
Thận là một cặp cơ quan nằm ở phần thấp trong ổ bụng. Mỗi thận nằm một bên của cột sống. Thận có chức năng lọc máu và bài tiết các chất độc hại ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tình trạng suy chức năng thận xảy ra khi thận không thể lọc hiệu quả các chất thải từ máu. Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng thận (1):
• Ngộ độc bởi các hóa chất độc hại từ môi trường hoặc từ thuốc
• Tình trạng bệnh cấp tính hoặc mạn tính phối hợp
• Mất nước trầm trọng
• Chấn thương thận
Khi chức năng thận bị suy giảm, các chất độc hại trong dòng máu tích tụ ngày càng nhiều. Điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
2. Triệu chứng suy thận thường gặp
Sau đây là các dấu hiệu cảnh báo suy thận thường gặp (2):
2.1 Mệt mỏi, thiếu năng lượng và mất tập trung
Chất độc tích tụ trong máu có thể là nguyên nhân gây yếu mệt và mất tập trung. Một biến chứng khác của suy thận là thiếu máu cũng góp phần gây mệt mỏi và suy nhược cơ thể. (2)
2.2 Khó ngủ
Nhiều nghiên cứu chỉ ra răng có mối liên hệ giữa hội chứng ngưng thở khi ngủ và bệnh thận mạn. Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây tổn thương thận một phần do ngăn cơ thể nhận đủ oxy.
Mặt khác, bệnh thận mạn gây hội chứng ngưng thở khi ngủ theo cơ chế làm hẹp đường thở, tích tụ chất độc… (2)
2.3 Da khô và ngứa
Khi thận mất chức năng, các chất độc hại bị tích tụ trong dòng máu có thể gây phát ban, ngứa khắp người. Theo thời gian, các khoáng chất và chất dinh dưỡng trong cơ thể mất cân bằng dẫn đến các bệnh về da, xương. (2)
2.4 Đau hông lưng
Suy thận có thể dẫn đến đau hông lưng, ngay phía dưới khung xương sườn (một hoặc cả hai bên), cảm giác đau có thể lan ra phía trước vùng chậu hoặc vùng hông.
2.5 Co rút cơ
Chuột rút chân hoặc những vị trí khác là một trong các dấu hiệu suy thận. Mất cân bằng nồng độ natri, kali,calci và các chất điện giải khác gây gián đoạn hoạt động của cơ và thần kinh (2).
2.6 Hơi thở có mùi hôi
Khi chất thải tích tụ trong máu mà không thể thải ra ngoài có thể dẫn đến tình trạng tăng ure huyết biểu hiện qua mùi hôi ở miệng.
Ngoài ra, nồng độ cao các chất độc hại trong máu có thể làm thay đổi mùi vị thức ăn đồng thời để lại vị kim loại trong miệng. Điều này cũng góp phần gây chán ăn và thiếu dinh dưỡng ở những bệnh nhân suy giảm chức năng thận. (2)
2.7 Chán ăn
Bệnh thận có thể gây ra buồn nôn hoặc nôn mửa và cảm giác khó chịu ở dạ dày. Điều đó làm giảm cảm giác thèm ăn, thậm chí thỉnh thoảng có thể gây sụt cân.
2.8 Khó thở
Khi bạn có bệnh thận, thận không tổng hợp đủ erythropoietin. Đây là một hormone giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu. Khi không đủ erythropoietin, bạn bị thiếu máu và có thể dẫn đến khó thở.
Một nguyên nhân khác là sự tích tụ dịch trong cơ thể. Trường hợp này có thể gây khó khăn trong việc lấy hơi thở hoặc nghiêm trong hơn bạn có thể cảm thấy như sắp chết đuối khi muốn nằm xuống để nghỉ ngơi.
2.9 Phù
Khi thận không thể loại bỏ natri tốt, các chất này tích tụ trong cơ thể. Điều đó có thể dẫn đến phù bàn tay, bàn chân, mắt cá chân hoặc khuôn mặt, mi mắt và đặc biệt là ở bàn chân và mắt cá chân. Thêm nữa, protein bị rò rỉ ra ngoài theo nước tiểu có thể biểu hiện bằng bọng mắt.
2.10. Thay đổi về đi tiểu hoặc nước tiểu
Thận có nhiệm vụ sản xuất nước tiểu đồng thời loại bỏ chất thải qua nước tiểu. Vì vậy những thay đổi về tần suất đi tiểu, mùi, màu sắc và các thay đổi của nước tiểu cũng là một trong những dấu hiệu suy thận (3):
- Tăng số lần đi tiểu, đặc biệt là ban đêm: Khi chức năng lọc của thận bị suy giảm có thể gây tăng cảm giác muốn đi tiểu. Trong một số trường hợp, tiểu nhiều lần cũng có thể là triệu chứng của nhiễm trùng đường niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt ở nam.
- Tiểu máu: Thận khỏe mạnh lọc các chất thải từ máu và giữ lại các tế bào máu chức năng nhưng khi các nephron bị tổn thương, các tế bào máu bị rò rỉ ra nước tiểu. Trong một số trường hợp khác, tiểu máu có thể là triệu chứng của khối u, sỏi thận hoặc nhiễm trùng.
- Tiểu bọt: bọt khó tan trong nước tiểu có thể biểu hiện sự hiện diện của protein trong nước tiểu.
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây suy thận. Những người trên 40 tuổi đều đã bắt đầu theo dõi và kiểm soát huyết áp thường xuyên. Còn bạn thì sao? Huyết áp của bạn là bao nhiêu?
Cách duy nhất để chẩn đoán bệnh thận là khám và làm các xét nghiệm được đề nghị bởi bác sĩ chuyên khoa thận. Vì vậy, khi phát hiện ra các dấu hiệu suy thận, bạn không nên chần chừ mà cần đến khám ngay chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo:
- Healthline, the Healthline Editorial Team and Kimberly Holland, “Everything You Need To Know About Kidney Failure”
- WebMD, Minesh Khatri, MD, “Warning Signs of Kidney Problems”