Suy thận cấp: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Suy thận cấp là một trong những rối loạn cấp tính xảy ra tại thận. Bệnh lý này do nhiều nguyên nhân gây nên và có thể ảnh hưởng không hề nhỏ đến cơ thể. Biến chứng của bệnh cũng rất phức tạp và sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
>> Suy thận – Biến chứng nguy hiểm của Tăng huyết áp
>> Suy thận – Một trong những biến chứng nguy hiểm của Tăng huyết áp
Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị của bệnh suy thận cấp qua bài viết sau đây.
1. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng suy thận cấp
Suy thận cấp tính có thể xảy ra do một trong 3 cơ chế sau đây:
- Nguyên nhân trước thận: Người bệnh có một tình trạng làm giảm lưu lượng máu đến thận
- Nguyên nhân tại thận: Thận của người bệnh bị tổn thương trực tiếp
- Nguyên nhân sau thận: Các ống thoát nước tiểu của thận bao gồm niệu quản, bàng quang, niệu đạo bị tắc nghẽn, từ đó chất thải không thể bài tiết ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. (1)
1.1 Nguyên nhân làm giảm lưu lượng máu đến thận
Các bệnh và tình trạng có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận và gây ra suy thận bao gồm: Mất máu; Thuốc hạ áp; Suy tim; Tình trạng nhiễm trùng; Suy gan; Sử dụng aspirin, ibuprofen, naproxen hoặc các loại thuốc thuộc nhóm kháng viêm không steroid; Phản ứng phản vệ (sốc phản vệ); Vết bỏng nặng; Mất nước nghiêm trọng. (1)
1.2 Nguyên nhân gây tổn thương tại thận
Một số bệnh, tình trạng và tác nhân có thể làm thận bị tổn thương như:
- Cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch trong và xung quanh thận.
- Cholesterol lắng đọng làm tắc nghẽn mạch máu trong thận.
- Viêm cầu thận cấp tính.
- Hội chứng urê huyết tán huyết
- Nhiễm trùng tại thận.
- Lupus, một bệnh rối loạn hệ thống miễn dịch gây viêm cầu thận.
- Thuốc, chẳng hạn như một số loại thuốc hóa trị, thuốc kháng sinh và thuốc cản quang được sử dụng trong các xét nghiệm hình ảnh.
- Độc tố ảnh hưởng đến thận, chẳng hạn như chì, thủy ngân, phospho hữu cơ,…(1)
1.3 Tắc nghẽn dòng thoát của nước tiểu
Các bệnh và tình trạng cản trở đường dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể (tắc nghẽn đường tiểu). Từ đó có thể dẫn đến tổn thương thận cấp tính và suy thận bao gồm:
- Ung thư bàng quang/cổ tử cung/đại tràng;
- Cục máu đông trong đường tiết niệu
- Phì đại tuyến tiền liệt;
- Sỏi thận, sỏi niệu đạo.
- Tổn thương các dây thần kinh kiểm soát bàng quang. (1)
2. Dấu hiệu suy thận cấp
Những triệu chứng lâm sàng gợi ý thận bị suy cấp tính bao gồm:
- Giảm lượng nước tiểu bài tiết, mặc dù đôi khi lượng nước tiểu tạo ra trong cơ thể vẫn bình thường. Có thể thiểu niệu hoặc thậm chí vô niệu.
- Giữ nước, gây phù chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc mí mắt của người bệnh.
- Khó thở.
- Mệt mỏi.
- Lú lẫn.
- Buồn nôn.
- Yếu cơ.
- Nhịp tim không đều.
- Đau hoặc tức ngực.
- Co giật hoặc hôn mê trong những trường hợp suy thận nghiêm trọng.
- Đôi khi thận bị suy cấp tính không gây ra dấu hiệu hoặc triệu chứng và được phát hiện thông qua các xét nghiệm được thực hiện vì một nguyên nhân khác. (1), (2)
3. Xét nghiệm chẩn đoán Suy thận cấp
Các phương pháp xét nghiệm có thể bao gồm:
- Định lượng nước tiểu. Đo lượng nước tiểu trong 24 giờ có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây suy thận của người bệnh.
- Xét nghiệm nước tiểu. Phân tích một mẫu nước tiểu của người bệnh (tổng phân tích nước tiểu) có thể cho thấy những bất thường gợi ý chẩn đoán suy thận.
- Xét nghiệm máu. Một mẫu máu của người bệnh có thể tiết lộ mức urê và creatinine tăng nhanh. Đây là hai chất được sử dụng để đánh giá chức năng thận.
- Các xét nghiệm hình ảnh. Các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm và chụp cắt lớp vi tính có thể được sử dụng để giúp bác sĩ khảo sát thận.
- Trong một số tình huống, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết thận để đưa ra chẩn đoán chính xác hơn. (1), (2)
4. Điều trị hội chứng suy thận cấp như thế nào?
Điều trị suy thận cấp thường cần nằm viện để theo dõi. Thời gian nằm viện tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy thận và tốc độ hồi phục của thận. Những phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Truyền dịch có thể kèm theo lợi tiểu trong những trường hợp cần thiết.
- Thuốc để kiểm soát Kali huyết.
- Thuốc ổn định nồng độ canxi trong máu.
- Lọc máu để loại bỏ độc tố khỏi cơ thể của người bệnh. Nếu chất độc tích tụ trong máu, người bệnh có thể cần được chạy thận nhân tạo tạm thời để giúp loại bỏ chất độc và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể.
- Phẫu thuật để lấy sỏi đường niệu ra khỏi cơ thể.
- Đối với trường hợp thận bị suy cấp tính do các khối u chèn ép, bác sĩ chuyên khoa Niệu sẽ phối hợp với bác sĩ chuyên khoa Ung bướu để điều trị cho người bệnh. (3)
Hy vọng với những thông tin trong bài viết, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về bệnh lý suy thận cấp. Đồng thời nắm được cơ bản những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán cũng như những phương pháp điều trị bệnh.
Nguồn tham khảo:
- MayO Clinic Staff, “Acute kidney failure”
- Hansa D. Bhargava, “Acute Kidney Failure”
- Bree Normandin, “Acute Kidney Failure”