Tăng huyết áp vô căn: Tưởng lạ mà quen
Tăng huyết áp vô căn là một thuật ngữ bệnh lý đôi khi nghe có vẻ khá xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, theo thống kê chung thì bệnh lý Tăng huyết áp này chiếm phần lớn trong số những người bệnh Tăng huyết áp nói chung. Đây không phải là một căn bệnh quá mới mẻ mà đã có từ lâu.
>> Mất trí nhớ – Biến chứng không thể làm ngơ của Tăng huyết áp
>>Biến chứng võng mạc do Tăng huyết áp có thể gây mù lòa
Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh Tăng huyết áp vô căn qua bài viết sau đây.
1. Tăng huyết áp vô căn
1.1. Định nghĩa
Tăng huyết áp vô căn còn có tên gọi khác là Tăng huyết áp nguyên phát, tăng huyết áp cơ bản. Đây là một bệnh lý mà huyết áp của người bệnh sẽ tăng cao. Cụ thể là huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. (1)
Sở dĩ được gọi với cái tên “Tăng huyết áp vô căn” bởi vì nguyên nhân cụ thể gây nên tình trạng Tăng huyết áp chưa thể xác định một cách rõ ràng. Bệnh lý Tăng huyết áp này chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các loại Tăng huyết áp nói chung, với con số xấp xỉ 95%. (1)
1.2. Dịch tễ của bệnh Tăng huyết áp
- Tăng huyết áp – hay huyết áp cao – là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim, não, thận và các bệnh khác.
- Ước tính có khoảng 1,13 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp, phần lớn (2/3) sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
- Năm 2015, cứ 4 nam thì có 1 nam và 1/5 nữ bị tăng huyết áp.
- Ít hơn 1/5 người bị tăng huyết áp có vấn đề trong tầm kiểm soát.
- Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên toàn thế giới.
- Một trong những mục tiêu toàn cầu về các bệnh không lây nhiễm là giảm tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp xuống 25% vào năm 2025. (2)
2. Những yếu tố nguy cơ của bệnh Tăng huyết áp vô căn
Mặc dù các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân của Tăng huyết áp vô căn chưa được xác định, nhưng điều này chỉ đúng một phần. Bởi vì chúng ta có rất ít thông tin về các biến thể di truyền hoặc các gen được biểu hiện quá mức hoặc thiếu biểu hiện. Cũng như các kiểu hình trung gian mà chúng quy định để gây ra Tăng huyết áp. (1)
Một số yếu tố làm huyết áp tăng nguyên phát bao gồm:
- Béo phì
- Tình trạng đề kháng hormon insulin.
- Uống nhiều rượu bia.
- Chế độ ăn nhiều muối (ở bệnh nhân nhạy cảm với muối).
- Tình trạng lão hóa do lớn tuổi.
- Lối sống tĩnh tại, ít vận động.
- Thường xuyên lo âu, căng thẳng tâm lý.
- Chế độ ăn ít kali và ít canxi. (1)
Huyết áp cao có xu hướng gia tăng trong gia đình và có nhiều khả năng ảnh hưởng đến nam giới hơn nữ giới. Tuổi tác và chủng tộc cũng đóng một vai trò nhất định. Tại Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc bệnh Tăng huyết áp cao gấp đôi người da trắng, mặc dù khoảng cách bắt đầu thu hẹp vào khoảng 44 tuổi. (3)
3. Vài lưu ý dành cho người bệnh bị Tăng huyết áp vô căn
Những lưu ý dành cho người bệnh Tăng huyết áp vô căn bao gồm:
3.1. Kiểm tra huyết áp thường xuyên
Kiểm tra huyết áp là cách tốt nhất để tầm soát tình trạng bệnh. Điều quan trọng là phải hiểu cách đo huyết áp và đọc kết quả. Kết quả đo huyết áp có hai con số, bao gồm huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương, thường được viết theo cách này: 120/80 mmHg. (4)
Khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg có nghĩa là bạn đang bị cao huyết áp. Nếu bạn đang trong chế độ điều trị, con số huyết áp cao ấy nói lên được thuốc bạn đang sử dụng chưa đạt được hiệu quả kiểm soát huyết áp. (4)
Thông thường, những thuốc kiểm soát tốt huyết áp sẽ giúp huyết áp của người bệnh hạ xuống dưới 140/90 mmHg. Nếu không đạt được con số ấy, người bệnh nên tái khám và bàn bạc với bác sĩ chuyên khoa. Mục đích là để các bác sĩ tăng liều, thêm thuốc hoặc thay đổi thuốc phù hợp với bạn. (4)
3.2. Thay đổi lối sống
Để bệnh lý Tăng huyết áp không gây nên nhiều biến chứng phức tạp, cũng như góp phần ổn định huyết áp, người bệnh nên:
Tập thể dục thường xuyên, từ bỏ lối sống tĩnh tại, ít vận động.
- Giảm cân nếu đang bị thừa cân, béo phì.
- Sống thoải mái, hạn chế lo âu, căng thẳng tâm lý.
- Không hút thuốc lá, từ bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Hạn chế rượu bia và các thức uống có cồn. (4)
3.3. Thay đổi chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt huyết áp và duy trì sức khỏe ở mức tốt nhất. Bao gồm:
- Chế độ ăn hạn chế muối (ăn lạc).
- Hạn chế thực phẩm ngọt, giàu chất bột đường nếu đang bị bệnh Đái tháo đường.
- Hạn chế mỡ động vật, thay bằng dầu thực vật.
- Không nên uống quá nhiều thức uống có chứa chất kích thích như cà phê, trà, ca cao,…
- Tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Uống đủ nước mỗi ngày (từ 1,5 đến 2 lít nước). (4)
3.4. Ghi nhớ việc uống thuốc
Hầu hết các trường hợp Tăng huyết áp vô căn là phải uống thuốc suốt đời. Vì vậy, người bệnh nên nhớ việc uống thuốc, hạn chế tình trạng quên uống thuốc. Bởi vì khi quên thuốc, huyết áp sẽ tăng cao dẫn đến tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ. (4)
Việc thay đổi lối sống và thường xuyên tập thể dục thể thao cũng góp phần kiểm soát huyết áp ở mức ổn định. Ngày Đầu Tiên sẽ chia sẻ những môn thể thao phù hợp với bệnh nhân Tăng huyết áp qua video ngắn sau:
Hy vọng với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về bệnh Tăng huyết áp vô căn. Nói chung, bệnh lý này không phải là một bệnh quá xa lạ mà đã xuất hiện từ lâu. Điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là phát hiện sớm bệnh. Đồng thời quản lý tốt huyết áp để duy trì sức khỏe ở mức tốt nhất.
Nguồn tham khảo:
- Oscar A. Carretero and Suzanne Oparil, “Essential Hypertension”
2. World Health Organization, “Hypertension”
3. Suzanne R. Steinbaum, “Who gets essential high blood pressure?”
4. Rose Kivi, “Just the Essentials of Essential Hypertension”