Tăng huyết áp đột ngột và cách xử trí nhanh
Cơn tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nếu không phát hiện kịp thời và xử trí đúng có thể để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
>>> 7 Sai Lầm Thường Mắc Phải Ở Bệnh Nhân Tăng Huyết Áp
>>> 6 suy nghĩ sai lầm khi điều trị Tăng huyết áp
Tăng huyết áp từ lâu được biết đến là một bệnh mạn tính với những biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, Cơn Tăng huyết áp xuất hiện có nguy cơ đe dọa lớn đến sức khỏe, thậm chí là sống còn của người bệnh. Bài viết sau đây sẽ chỉ ra cách nhận biết và xử trí ban đầu cho tình huống này.
1. Cách xử trí Tăng huyết áp đột ngột
Khi phát hiện Tăng huyết áp đột ngột, cần làm ngay:
- Nếu huyết áp của bạn là 180/120mmHg hoặc cao hơn và bạn không có bất kỳ triệu chứng nào khác liên quan đến tổn thương cơ quan đích như đau ngực; khó thở; đau lưng; yếu, liệt nửa người; thay đổi thị lực hoặc khó nói (nói đớ): hãy giữ bình tĩnh, nghỉ ngơi và đo lại HA sau 15 phút.
- Nếu lần đo thứ hai HA chỉ cao và không có bất cứ biểu hiện nào như trên thì đây là cơn THA khẩn trương. Trong trường hợp này người bệnh cần đến gặp Bác sỹ để được cho hoặc điều chỉnh lại các thuốc điều trị THA đường uống, thường không cần thiết hạ HA thật nhanh và hiếm khi cần phải nhập viện.
- Nếu chỉ số huyết áp của bạn là 180/120mmHg hoặc cao hơn và kèm theo bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến tổn thương cơ quan đích như: đau ngực; khó thở; đau lưng nặng nề; yếu, liệt nửa người; thay đổi thị lực; nói đớ; co giật; tiểu máu hoặc nôn ói nhiều … thì khả năng cao là Cơn THA cấp cứu.
Đây là tình trạng nguy hiểm. Đừng chờ đợi để xem HA của bạn có tự giảm xuống không, hãy gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá và xử trí kịp thời nhằm hạn chế các biến chứng nghiêm trọng. (3)
2. Dấu hiệu cho thấy người bệnh khả năng cao bị Cơn tăng huyết áp nguy hiểm (Cơn tăng huyết áp cấp cứu)
Các triệu chứng của Cơn Tăng huyết áp rất đa dạng. Đó có thể là sự xuất hiện rầm rộ của các triệu chứng nặng báo hiệu tổn thương cơ quan đích như não, tim thận, mắt hoặc chỉ là một cảm giác mơ hồ mà bệnh nhân tự cảm nhận được. Các dấu hiệu cho thấy có tổn thương cơ quan đích, cần đến bệnh viên ngay bao gồm:
- Đột ngột yếu, liệt tay hoặc chân: biểu hiện là bệnh nhân đột nhiên không nhấc chân lên được, đi lại không vững, đột nhiên té, cầm đồ bị rơi vỡ,…
- Đột ngột nhìn mờ. Triệu chứng này cho thấy huyết áp cao đã ảnh hưởng đến thị lực.
- Đột ngột khó nói: biểu hiện là bệnh nhân đột nhiên không nói rõ thành lời, nói đớ…
- Đột ngột méo mặt. Cơ mặt lệch hẳn về một bên, khiến bệnh nhân méo miệng.
- Đau ngực, khó thở.
- Đột ngột đau đầu dữ dội hoặc chóng mặt, nôn nhiều không rõ lí do.
Ngoài ra, một số bệnh nhân chỉ cảm nhận đau đầu nhẹ hoặc choáng váng, chóng mặt, buồn nôn,.. (4)
3. Nguyên nhân khiến Tăng huyết áp đột ngột
3.1 Không tuân thủ điều trị
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến làm xuất hiện Cơn tăng huyêt áp trên những bệnh nhân đã được chẩn đoán THA trước đó. THA là một bệnh mạn tính cần tuân thủ điều trị nghiêm ngặt là lâu dài.
Một số bệnh nhân có xu hướng tự ngưng dùng thuốc khi thấy huyết áp đã ổn sau một thời gian. Hoặc tự ý hạ liều thuốc thấp hơn bác sĩ kê đơn. Hành vi này khiến bệnh diễn tiến âm thầm. Có những trường hợp bệnh nhân bỏ điều trị một thời gian, đến khi thấy không khỏe thì tự dùng lại đơn thuốc cũ. Lúc này đơn thuốc với loại thuốc và liều được kê có thể không còn phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại của bệnh nhân. (1)
3.2 Chưa tuân thủ chế độ ăn đủ nghiêm ngặt
Đa số người bệnh tăng huyết áp có chế độ ăn mặn, nhiều muối. Điều trị Tăng huyết áp bên cạnh việc dùng thuốc người bệnh cần phải thực hiện điều trị bằng thay đổi lối sống. Trong đó chế độ ăn là một phần quan trọng. Thói quen ăn mặn sẽ khiến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, Tăng huyết áp thường đi kèm với Đái tháo đường và Rối loạn mỡ máu. Một chế độ ăn ít rau xanh, nhiều dầu mỡ cùng với việc lười vận động sẽ khiến bộ ba bệnh tật này đeo bám dai dẳng. (1)
3.3 Do tương tác thuốc
Một số loại thuốc khi dùng chung không đúng sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Với những bệnh nhân Tăng huyết áp đang điều trị bằng thuốc, hãy báo cho bác sĩ biết khi bạn đi khám về một vấn đề sức khỏe khác. Bác sĩ sẽ chú ý trong việc kê đơn để tránh làm mất tác dụng của thuốc hạ áp. Đây cũng là nguyên nhân vì sao mà người bệnh nên tránh hành vi tự điều trị vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc hoặc tăng tác dụng phụ. (1)
3.4 Do các bệnh lý khác
Đôi khi người bệnh Tăng huyết áp mắc một căn bệnh khác đi kèm mà không phát hiện, không điều trị. Hậu quả là làm trầm trọng thêm cả hai vấn đề sức khỏe. (1)
4. Phòng ngừa Cơn tăng huyết áp
Nguyên tắc chính ngăn ngừa những Cơn Tăng huyết áp là tuân thủ điều trị và tái khám đầy đủ. Ngoài việc giữ cho mức huyết áp được kiểm soát ổn định, tuân thủ tốt điều trị còn giúp phòng tránh những biến chứng nguy hiểm khác của Tăng huyết áp.
Tuân thủ điều trị không chỉ bao gồm uống đúng và đủ thuốc mà còn là kiểm soát lối sống và tái khám đầy đủ. Cải thiện lối sống là một biện pháp điều trị quan trọng, mang tính lâu dài mà người bệnh thường không chú ý, dễ lơ là việc tuân thủ. Người bệnh Tăng huyết áp cần một chế độ ăn giảm muối, giảm đường và chất béo, gia tăng lượng trái cây rau củ và uống đủ nước. Ngoài ra, vận động thể lực tối thiểu 30 phút/ ngày, ít nhất 5 ngày/ tuần cũng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch nói chung. (2)
Bạn có thể hạn chế và phòng tránh sự xuất hiện của Tăng huyết áp đột ngột. Một trong những cách đó chính là luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Ngày Đầu Tiên sẽ chia sẻ những bài tập đi bộ dành riêng cho người bệnh Tăng huyết áp qua video sau:
Những biến chứng nguy hiểm của cơn tăng huyết áp hoàn toàn có thể phòng tránh được. Nguyên tắc vàng vẫn là tuân thủ điều trị, cải thiện lối sống và tái khám thường xuyên. Gia đình của bệnh nhân Tăng huyết áp cần lưu ý để có thể phát hiện kịp thời các triệu chứng cần cấp cứu.
Nguồn tham khảo:
- Hypertension causes — What leads to sudden high blood pressure
- 10 ways to control high blood pressure without medication
- Cách xử trí tăng huyết áp đột ngột
4. Symptoms of High Blood Pressure