Nguyên nhân gây ra cơn Tăng huyết áp đột ngột
Cơn Tăng huyết áp (Cao huyết áp) là tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột và nghiêm trọng đòi hỏi phải được đánh giá và xử trí ngay để ngăn ngừa hay chặn đứng các thương tổn tiến triển của cơ quan đích như mắt, tim, não, thận…
Mặc dù không có một sự thống nhất tuyệt đối về mức huyết áp chính xác là bao nhiêu để xác định một cơn THA. Đa số các hiệp hội và chuyên gia trên thế giới đều đồng thuận rằng trị số huyết áp tâm thu > 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 120 mmHg được xem là cơn THA.
Có 2 loại cơn THA: cơn THA khẩn trương và cơn THA cấp cứu. Mặc dù cả hai đều cần sự quan tâm ngay lập tức, sự phân biệt 2 loại này là rất quan trọng vì mức độ và phương thức điều trị của chúng là khác nhau. Hậu quả của việc đánh giá và điều trị không chính xác kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng.(1)
Bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu về các nguyên nhân Tăng huyết áp đột ngột ngay sau đây nhé!
>>> Đột quỵ – Biến chứng nguy hiểm chết người của Tăng huyết áp
>>> Hãy Vận Động Thể Lực Để Kiểm Soát Huyết Áp!
1. Nguyên nhân Cơn tăng huyết áp là gì? Nguyên nhân gây ra cơn Tăng huyết áp đột ngột
Cơn THA phần lớn xảy ra ở những người có tiền sử bệnh THA (đặc biệt phổ biến ở những người có huyết áp trên 140/90 mmHg). Cơn THA cũng thường xảy ra ở nam giới và những người hút thuốc. (1)
Ngoài ra nguyên nhân Tăng huyết áp đột ngột cũng có thể là các tình trạng sau đây: (1) (2)
- Các bệnh lý về thận hoặc suy thận.
- Suy tim.
- Sử dụng các loại thuốc như: cocaine, amphetamine, thuốc tránh thai hoặc chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs).
- Thai kỳ.
- Tiền sản giật, thường gặp sau 20 tuần tuổi thai, nhưng đôi khi có thể xảy ra sớm hơn trong thai kỳ hoặc thậm chí trễ hơn sau khi sinh.
- Các bệnh lý tự miễn.
- Chấn thương tủy sống (khiến 1 phần của hệ thần kinh trở nên hoạt động quá mức)
- Hẹp động mạch thận
- Hẹp động mạch chủ (là 1 mạch máu lớn đi ra từ tim).
- Không tuân thủ điều trị Tăng huyết áp.
2. Những ai dễ bị Tăng huyết áp đột ngột ?
Từ các nguyên nhân Tăng huyết áp đột ngột, thì các đối tượng sau đây là những người dễ bị Tăng huyết áp đột ngột:
- Có tiền sử mắc bệnh Tăng huyết áp lâu
- Không tuân thủ điều trị Tăng huyết áp
- Có thói quen hút thuốc là, uống rượu bia nhiều
- Có các bệnh lý đi kèm (đặc biệt là bệnh lý thận, tim, miễn dịch…)
- Thai kỳ (đặc biệt khi sản phụ có nguy cơ tiền sản giât)
3. Biểu hiện của Cơn tăng huyết áp là gì?
Đa số người THA không có các dấu hiệu và triệu chứng, ngay cả khi HA lên tới mức độ cao nguy hiểm do đó THA được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Ba triệu chứng thường gặp của Cơn THA cấp cứu là đau ngực, khó thở và những thiếu sót thần kinh khu trú như yếu, liệt nửa người; méo miệng; nói đớ đột ngột. Những triệu chứng khác gồm nôn ói, đau đầu, đau lưng nhiều; rối loạn thị giác, mù mắt; lú lẫn; co giật; lơ mơ; hôn mê; khó thở khi nằm; tiểu ít, tiểu ra máu; chảy máu mũi/xuất huyết khó kiểm soát.
Cơn Tăng huyết áp đột ngột cũng có thể dẫn đến một tình trạng được gọi là bệnh não do tăng huyết áp. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ. Các triệu chứng của tình trạng này bao gồm: (1)
- Nhức đầu dữ dội
- Mờ mắt đột ngột
- Nôn nhiều
- Lú lẫn
- Hôn mê
- Co giật
4. Phòng ngừa Tăng huyết áp đột ngột Đau đầu dữ dội là một trong các dấu hiệu Tăng huyết áp đột ngột
Với người bệnh Tăng huyết áp, điều quan trọng là phải kiểm tra huyết áp của bản thân thường xuyên. Đồng thời phải tuân thủ điều trị Tăng huyết áp. Việc tuân thủ bao gồm dùng đúng và đủ thuốc được kê đơn bởi bác sĩ, tái khám theo hẹn, cố gắng duy trì lối sống lành mạnh và làm theo lời khuyên của bác sĩ. (1)
Điều trị các bệnh đi kèm, đặc biệt các bệnh là nguyên nhân gây Tăng huyết áp đột ngột. Nhận biết sớm các biểu hiện của cơn Tăng huyết áp và đi khám để giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng do nó gây ra.(1)
Lời khuyên để phòng ngừa Cơn tăng huyết áp: (1)
- Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh để góp phần làm giảm huyết áp. Hãy thử phương pháp ăn kiêng để ngăn chặn Tăng huyết áp (DASH). Chế độ ăn này bao gồm ăn trái cây, rau, các sản phẩm sữa ít béo, thực phẩm giàu kali và ngũ cốc nguyên hạt. Nó cũng bao gồm việc tránh hoặc hạn chế các chất béo bão hòa.
- Hạn chế lượng muối tiêu thụ ở mức 5g mỗi ngày. Đặc biệt ở những người bệnh trên 50 tuổi hoặc mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh thận mãn tính. Cần lưu ý rằng các loại thực phẩm chế biến sẵn cũng chứa một lượng muối không nhỏ.
- Tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Giảm cân nếu thừa cân.
- Quản lý căng thẳng, tránh stress. Kết hợp các kỹ thuật quản lý căng thẳng, chẳng hạn như hít thở sâu hoặc thiền…
- Bỏ hút thuốc lá cũng như các loại thuốc khác như: thuốc rê, thuốc lào…
- Hạn chế đồ uống có cồn ở mức 2 lon bia mỗi ngày nếu là nam và một lon mỗi ngày nếu là nữ hoặc trên 65 tuổi.
- Kiểm tra huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp tự động.
Bên cạnh đó, Ngày Đầu Tiên cũng sẽ chia sẻ cách xử lý khi gặp người bị cơn Tăng huyết áp qua video ngắn sau:
Khi thấy bất kỳ thay đổi nào khác với bình thường, hãy tìm đến cơ sở y tế ngay lập tức. Đặc biệt là ở bệnh nhân có các biểu hiện của Cơn tăng huyết áp để được xử trí phù hợp và kịp thời.
Nguồn tham khảo:
1. Judith Marcin, M.D., “What Is Malignant Hypertension (Hypertensive Emergency)?”
2. Sheldon G. Sheps, M.D., “Hypertensive crisis: What are the symptoms?”