Mất trí nhớ – Biến chứng không thể làm ngơ của Tăng huyết áp
Mất trí nhớ hay tình trạng sa sút trí tuệ từ lâu đã được biết đến như một hậu quả của tăng huyết áp (cao huyết áp). Dấu hiệu của nó là gì, có thể chữa được không, phòng tránh như thế nào? Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
>>Những thói quen dân gian sai lầm để hạ áp
>> Vì Sao Bệnh Nhân Tăng Huyết Áp Cần Tuân Thủ Điều Trị?
Tác động Tăng huyết áp đến chứng mất trí nhớ
1. Tác động Tăng huyết áp đến chứng mất trí nhớ
Huyết áp cao là một trong các nguy cơ dẫn đến tình trạng mất trí nhớ. Dữ liệu thu được từ các nghiên cứu cho thấy huyết áp cao gây tổn thương chất trắng trong não. Trong đó căn bệnh quan trọng nhất đang được lưu tâm là Alzheimer. Đây là một trong những bệnh lí phổ biến nhất gây sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Gần đây khoa học đã chứng minh có mối liên quan giữa tăng huyết áp và nguy cơ mắc phải cũng như diễn tiến của Alzheimer.
Ngoài ra, tình trạng tăng huyết áp còn làm tăng nguy cơ đột quỵ, tai biến mạch máu não. Từ đó dẫn đến các tổn thương não bộ không hồi phục.
Thậm chí, một số bằng chứng đang cho thấy mức huyết áp dưới ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp cũng làm tăng nguy cơ mất trí nhớ. Cụ thể, một nghiên cứu trên 8.600 người Anh cho thấy huyết áp tâm thu 130mmHg ở tuổi 50 sẽ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ lên 45%.
Hiện nay, ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp được áp dụng rộng rãi trên thế giới là 140mmHg cho huyết áp tâm thu. Mức huyết áp tối ưu được khuyến cáo là nhỏ hơn 120/80 mmHg để ngăn ngừa những nguy cơ về các vấn đề sức khỏe. (1) (2)
2. Biểu hiện điển hình của mất trí nhớ do Tăng huyết áp
Mất trí nhớ là một trong các biểu hiện của chứng sa sút trí tuệ hay Alzheimer. Ngoài ra, cần nhận biết các dấu hiệu khác để sớm phát hiện và điều trị. Các triệu chứng có thể đa dạng tùy thuộc vào nguyên nhân. Sau đây là các biểu hiện thường gặp:
- Tình trạng hay quên mới xuất hiện gần đây, thường được phát hiện bởi người thân trong gia đình.
- Khó hay không hiểu lời nói hoặc chữ viết, khó khăn trong giao tiếp, công việc, học tập (cụ thể như khó diễn đạt được ý nghĩ, lưỡng lự, khó khăn khi dùng từ)
- Có những hành vi bất thường như: đi lang thang vô định, gây náo loạn, làm ồn, đứng ngồi không yên…
- Gặp rắc rối với định hướng không gian và thời gian (ví dụ như không biết thời điểm hiện tại là sáng hay chiều, không nhớ đường, hướng đi…)
- Giảm hoặc mất khả năng suy nghĩ, lập luận, giải quyết vấn đề. Mất tập trung, không thể làm nhiều việc cùng lúc, khó khăn khi xử lý công việc phức tạp.
- Giảm khả năng lên kế hoạch, tổ chức, sắp xếp công việc. Gặp khó khăn trong việc quản lý tiền bạc. Không thể tự chăm sóc bản thân, sinh hoạt hằng ngày.
- Tâm lí và tính cách thay đổi thất thường (dễ vui dễ buồn vô cớ, xa lánh xã hội, có tình trạng thu mình, hoặc ngược lại bỡn cợt quá mức, dễ cáu gắt.
- Nặng hơn là những vấn đề rối loạn tâm lý tâm thần kéo dài như: rối loạn lo âu, trầm cảm, xuất hiện các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác… (3)
3. Cách cải thiện suy giảm trí nhớ do Tăng huyết áp
Mất trí nhớ là biến chứng của tình trạng huyết áp cao, do đó, khi việc kiểm soát ổn định huyết áp có thể cải thiện mức độ suy giảm trí nhớ.
Thăm khám định kỳ và tuân thủ điều trị là các bước đơn giản để cải thiện trí nhớ, cũng như ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm khác. Bên cạnh đó, một số cách sau đây cũng sẽ giúp ích cho quá trình phòng ngừa và phục hồi trí nhớ:
– Dinh dưỡng hợp lý: Chế độ ăn đa dạng và cân bằng giúp giữ cơ thể khỏe mạnh, ngăn ngừa các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường. Một số thực phẩm tốt cho trí nhớ bao gồm: ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây đặc biệt các loại quả chứa nhiều vitamin C như cam chanh, bưởi, trứng và cá…
– Hạn chế tình trạng stress, mất cân bằng cảm xúc: Tránh các thực phẩm kích thích như quá nóng, cay hoặc tránh caffeine do gây mất ngủ.
– Tăng cường giao tiếp giữa mọi người: Người thân trong gia đình cần quan tâm, chăm sóc người bệnh Tăng huyết áp đặc biệt khi bước vào độ tuổi trung niên (Tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm là một cách giúp giữ tinh thần thoải mái)
– Vận động thể lực hợp lý: giúp giữ cân nặng ở mức hợp lý, cải thiện tuần hoàn máu trong cơ thể và giúp tinh thần sảng khoái.
– Chơi các trò chơi cải thiện trí nhớ: chẳng hạn như giải ô chữ, chơi cờ… hoặc học một thứ mới như múa, dưỡng sinh, nhạc cụ… Cùng con cháu ôn lại chuyện cũ, tập ghi nhớ những sự kiện mới mỗi ngày. (Những cách này như các bài tập nho nhỏ để rèn luyện trí nhớ, tăng cường khả năng của não bộ)
Nhận biết yếu tố nguy cơ mắc bệnh Tăng huyết áp càng sớm, bạn sẽ biết cách phòng ngừa và hạn chế các biến chứng, đặc biệt là suy giảm trí nhớ. Mời bạn theo dõi đoạn thông tin ngắn sau để nhận biết mình có nguy cơ bị Tăng huyết áp không nhé:
Mất trí nhớ là một trong những biến chứng của bệnh Tăng huyết áp. Để phát hiện, điều trị và cải thiện trí nhớ cho người bệnh đặc biệt là người cao tuổi, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa bác sĩ, bệnh nhân và gia đình.
Nguồn tham khảo
1. TheHealthSite, “Know whether hypertension can cause dementia”
2. Mayoclinic, “Know whether hypertension can cause dementia”
3. Dementia