Vì Sao Bệnh Nhân Tăng Huyết Áp Cần Tuân Thủ Điều Trị?
Tăng huyết áp (Cao huyết áp) thường diễn biến âm thầm và ảnh hưởng tới nhiều cơ quan bộ phận của cơ thể bằng nhiều cách, đặc biệt là tổn thương tim, não, thận, mắt và mạch máu.
Các biến chứng của tăng huyết áp nguy hiểm không chỉ bởi gây chết người mà còn để lại nhiều di chứng nặng nề (liệt do tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận…), gây ảnh hưởng lớn chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
>>> Hỏi đáp cùng Bác sĩ Tiên: Tăng huyết áp và 3 lầm tưởng về thực phẩm chức năng
>>> 3 điều cần nhớ khi dùng thuốc huyết áp “Đúng giờ, đúng liều, đúng toa”

Các biến chứng thường gặp bao gồm:
- Đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua, sa sút trí tuệ
- Suy tim, nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, bệnh mạch máu ngoại vi
- Xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị.
Vì thế, để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp gây nhiều biến chứng nguy hiểm và để lại những hậu quả nặng nề như vậy nên người bệnh nhân cần tuân thủ điều trị.
Tuân thủ điều trị là gì?
Tuân thủ điều trị thuộc phạm vi hành vi của một người dùng thuốc, cần thay đổi chế độ ăn và lối sống đúng với với những khuyến cáo phù hợp của cán bộ y tế.
Như vậy, tuân thủ cần sự đồng tình của người bệnh với khuyến cáo của cán bộ y tế trong việc chăm sóc sức khỏe của mình.
Việc đánh giá mức độ tuân thủ điều trị của bệnh nhân đóng vai trò quan trọng giúp các bác sĩ có hướng điều trị tiếp theo cho bệnh nhân.
Đồng thời cũng đưa ra những bằng chứng thực tế và các yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Tuân thủ điều trị thuốc nghĩa là bạn cần sử dụng thường xuyên tất cả các loại thuốc được kê toa theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, kể cả khi huyết áp bình thường. Không được tự ý thay đổi thuốc và liều lượng thuốc.

Tuân thủ điều trị tăng huyết áp cần làm gì?
Theo khuyến cáo của Bộ y tế “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp”, việc tuân thủ điều trị tăng huyết áp bao gồm:
- Tuân thủ điều trị thuốc
- Tuân thủ các biện pháp thay đổi lối sống
1. Tuân thủ điều trị thuốc
Phía bác sĩ
– Tư vấn và hướng dẫn bệnh nhân cách sử dụng thuốc cặn kẽ
– Giảm liều thuốc sau khi kiểm soát được huyết áp ở mức ổn định
– Chọn phương thức điều trị phối hợp nhóm thuốc huyết áp đạt hiệu quả cao
– Quy định liều lượng đơn giản cho tất cả các loại toa thuốc, tốt nhất là 2 lần/ngày
– Toa thuốc rõ ràng, chọn thuốc thứ nhất, thứ hai, thứ ba… cần theo thứ tự của chẩn đoán bệnh
– Cung cấp giấy gói ghi sẵn tên thuốc, liều lượng và thời gian dùng để tăng độ tuân thủ trong điều trị.
– Dùng liều thuốc khởi đầu thấp, sau phối hợp thuốc hoặc tăng dần để cải thiện hiệu quả và tìm liều thích hợp cho từng bệnh nhân

Phía bệnh nhân và người nhà
– Chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh và chế độ điều trị tăng huyết áp thông qua bác sĩ, phương tiện thông tin đại chúng như đài, tivi, sách
– Uống thuốc theo đúng toa thuốc, gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường để kịp thời điều chỉnh chế độ điều trị
– Không được ngừng thuốc ngay cả khi huyết áp về bình thường hoặc tự ý tăng hay giảm liều thuốc điều trị
– Kiểm tra và động viên khuyến khích bệnh nhân việc tuân thủ thuốc điều trị
2. Tuân thủ thay đổi lối sống
• Không hút thuốc lá, thuốc lào
• Thay đổi chế độ ăn:
Hạn chế ăn mặn (6g muối/ngày hay 1 muỗng cà phê muối/ngày ), tránh thức ăn nhiều cholesterol, acid béo no. Tăng cường thức ăn có chứa nhiều kali.
• Hạn chế uống rượu bia:
Tiêu thụ ít hơn 3 ly chuẩn/ngày đối với nam và ít hơn 2 ly chuẩn/ngày đối với nữ. (1 ly chuẩn tương đương 330ml bia, 120ml rượu vang và 30ml rượu mạnh).
• Chế độ tập luyện thể dục:
Tập thể dục hoặc đi bộ thường xuyên (5 – 7 lần/ tuần, khoảng 30 – 60 phút/ ngày).
Mức độ tập luyện phụ thuộc vào tình trạng bệnh, nếu tăng huyết áp chưa được kiểm soát hoặc luôn ở trong tình trạng tăng huyết áp nặng, bạn không nên tập cho đến khi điều trị huyết áp đạt hiệu quả.
• Theo dõi huyết áp:
Đo và ghi lại số đo huyết áp thường xuyên (5 – 7 lần/tuần) vào sổ theo dõi huyết áp.

Để việc tuân thủ điều trị được đạt kết quả quả cao cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và bệnh nhân về tuân thủ điều trị thuốc và tuân thủ thay đổi lối sống.