Suy thận – Một trong những biến chứng nguy hiểm của Tăng huyết áp
Suy thận là một bệnh lý ở thận, đồng thời cũng là hậu quả của rất nhiều bệnh khác, trong đó có Tăng huyết áp (Cao huyết áp).
Nếu chúng ta chủ quan và không điều trị đến nơi đến chốn thì tình trạng suy thận sẽ diễn tiến ngày một trầm trọng hơn. Thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
>>> Các cách giảm ăn mặn cụ thể khi nấu nướng
>>> Các dấu hiệu tố cáo bạn đang ăn mặn
Bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu mối liên quan, cách phòng ngừa và điều trị hợp lý nhất ngay sau đây nhé!
1. Biến chứng thận ở bệnh Tăng huyết áp
Biến chứng thận ở người bệnh Tăng huyết áp (Cao huyết áp) có thể hiểu cơ bản là những hậu quả của bệnh Tăng huyết áp gây ra trên cơ quan thận.
Thận là một trong những cơ quan có vai trò giúp điều hòa huyết áp, nhưng không trực tiếp điều hòa.
Vì thế, những hậu quả tại thận sẽ làm cho bệnh Tăng huyết áp ngày càng trầm trọng hơn. Đây được gọi là vòng xoắn bệnh lý khiến cho sức khỏe của người bệnh suy yếu rất nhanh. (2)
Thông thường, bệnh Tăng huyết áp gây biến chứng ở thận là suy thận mạn hay bệnh thận mạn. Khi ấy, thận sẽ suy giảm chức năng lọc và đào thải, cũng như rối loạn chức năng điều hòa huyết áp. Tùy theo mức độ suy thận mà người bệnh sẽ có những triệu chứng sau:
- Tiểu ít, vô niệu
- Phù ở mí mắt, bàn chân, cẳng chân
- Chán ăn, ăn không ngon miệng, sụt cân
- Mệt mỏi, uể oải
- Da sạm, khô và ngứa
- Nước tiểu mất độ trong bình thường (chẳng hạn như tiểu đục, tiểu sậm màu, tiểu ra máu…)
- Co giật, hôn mê… (2)
2. Mối liên quan giữa Tăng huyết áp và suy thận mạn
2 tình trạng có mối liên hệ 2 chiều như sau:
2.1 Tăng huyết áp gây biến chứng suy thận mạn
Thận và hệ tuần hoàn của cơ thể người có mối liên hệ mật thiết với nhau. Thận giúp lọc chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi máu. Để thực hiện chức năng này, hai quả thận sử dụng rất nhiều mạch máu.
Khi các mạch máu bị hư hỏng, các nephron lọc máu tại thận không nhận được oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động tốt.
Đây là lý do giải thích vì sao Tăng huyết áp (Cao huyết áp) là nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng suy thận. Theo thời gian, huyết áp cao không kiểm soát được có thể khiến các động mạch xung quanh thận bị thu hẹp, suy yếu hoặc xơ cứng lại.
Những động mạch bị hư hỏng này không thể cung cấp đủ máu đến các mô thận. (1)
Từ đó, những chất độc hại hoặc dư thừa trong cơ thể sẽ không được đào thải ra ngoài như bình thường. Hậu quả là ứ trệ tuần hoàn và huyết áp lại ngày một tăng cao.
Hai yếu tố này kết hợp với nhau về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng suy thận mạn. (1)
2.2 Suy thận mạn ảnh hưởng đến huyết áp
Thận là một trong những cơ quan góp phần điều hòa huyết áp trong cơ thể. Khi thận bị tổn thương, chức năng của thận sẽ suy giảm.
Điều này kéo theo chức năng điều hòa tự động huyết áp bị ảnh hưởng. Từ đó dẫn đến hậu quả là huyết áp không được điều hòa ở mức bình thường mà bắt đầu tăng cao. (1)
3. Phòng ngừa suy thận ở người bệnh Tăng huyết áp
Cách tốt nhất để làm chậm hoặc ngăn ngừa bệnh thận mạn do Tăng huyết áp là ổn định huyết áp của bạn. Các bước này bao gồm sự kết hợp của thuốc hạ áp và thay đổi lối sống, chẳng hạn như:
- Từ bỏ hút thuốc lá
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân béo phì
- Tăng cường hoạt động thể lực, siêng năng tập thể dục hàng ngày
- Hạn chế rượu bia và các thức uống có cồn
- Ổn định tinh thần, tránh stress, căng thẳng
- Tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh (bao gồm ăn ít muối, không ăn mặn thường xuyên, hạn chế mỡ động vật)
Dù nguyên nhân gây ra bệnh thận của bạn là gì, huyết áp cao có thể làm cho thận ngày càng suy yếu hơn. Nếu bạn mắc bệnh thận, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về huyết áp mục tiêu và tần suất kiểm tra huyết áp.
Đồng thời uống thuốc hạ áp theo toa của bác sĩ để hạn chế biến chứng đến thận. (3), (4)
4. Điều trị suy thận ở người bệnh Tăng huyết áp
Các nhóm thuốc hỗ trợ điều trị suy thận ở người bệnh Tăng huyết áp bao gồm:
Nhóm thuốc ức chế men chuyển:
Nhóm thuốc điều trị Tăng huyết áp này có tác dụng bảo vệ thận, giúp cho thận không bị tổn thương thêm. Bên cạnh đó, nhóm thuốc Statin giảm cholesterol máu cũng có thể được chỉ định với mục đích hạn chế tổn thương đến tim.
Thuốc điều trị thiếu máu:
Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung hormone erythropoietin, đôi khi có thêm sắt, vitamin B12, axit folic. Việc bổ sung erythropoietin giúp sản xuất nhiều tế bào hồng cầu hơn.
Từ đó có thể làm giảm mệt mỏi và suy nhược liên quan đến thiếu máu.
Thuốc lợi tiểu:
Có thể giúp hạ áp, đồng thời cải thiện tình trạng phù ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn do Tăng huyết áp. Đồng thời, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra định kỳ để đánh giá sự tiến triển của suy thận.
Riêng những trường hợp nặng như suy thận giai đoạn cuối, người bệnh sẽ được chỉ định lọc máu hoặc ghép thận.
Lọc máu có hai phương pháp chính là: Lọc bằng thận nhân tạo và lọc máu qua thẩm phân phúc mạc. Trong trường hợp ghép thận, người bệnh có thể sẽ phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời. (3) (4)
Nhận biết yếu tố nguy cơ mắc bệnh Tăng huyết áp càng sớm, bạn sẽ biết cách phòng ngừa và hạn chế các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là suy thận.
Mời bạn theo dõi đoạn thông tin ngắn sau để nhận biết mình có nguy cơ bị Tăng huyết áp không nhé:
Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về biến chứng suy thận do Cao huyết áp. Qua đó, những người có huyết áp cao nên tuân thủ theo điều trị của bác sĩ.
Đồng thời có lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Mục đích là để hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu đến thận có thể làm cho thận bị suy mạn tính.
Nguồn tham khảo:
1. American Heart Association Staff, “How High Blood Pressure Can Lead to Kidney Damage or Failure”
2. MayO Clinic Staff, “Chronic kidney disease”
3. The National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases Health Information Center, “High Blood Pressure & Kidney Disease”
4. Suzanne R. Steinbaum, “High Blood Pressure and Kidney Disease”