Vì sao bệnh nhân Tăng huyết áp nên tái khám thường xuyên?
Theo Hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp được phân loại thành các dạng bao gồm:
- Huyết áp bình thường: < 120/80 mmHg
- Tăng huyết áp: > 140/90 mmHg
- Tăng huyết áp kéo dài: huyết áp cao thường trực dù đo tại nhà hay phòng khám
- Tăng huyết áp ẩn giấu: huyết áp đo tại nhà cao nhưng đo bình thường tại phòng khám
- Tăng huyết áp áo choàng trắng: huyết áp đo cao tại phòng khám nhưng bình thường khi đo tại nhà
>> Một số công thức nấu ăn ít muối cho người bệnh Tăng huyết áp
>> Tác dụng phụ và độ an toàn của thuốc điều trị Tăng huyết áp
Yếu tố nguy cơ của Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và thường đi kèm với nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như:
• Yếu tố có thể điều chỉnh: như hút thuốc lá, béo phì, tăng lipid máu, đái tháo đường, lối sống ít vận động, chế độ ăn uống (ăn nhiều muối, ăn ít thực phẩm có chứa kali, calcium, magnesium), uống nhiều chất có cồn…
• Yếu tố nguy cơ khó thay đổi: như bệnh thận mạn, tiền sử gia đình, tuổi lớn, tình trạng kinh tế xã hội thu nhập thấp, giới tính nam, ngưng thở tắc nghẽn lúc ngủ, stress tâm lý, mãn kinh sớm…
Cứ mỗi 20 mmHg huyết áp tâm thu và 10 mmHg huyết áp tâm trương cao hơn sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do đột quỵ, bệnh tim hay các bệnh lý mạch máu khác (1).
Chẩn đoán bệnh Tăng huyết áp
Dựa vào các tài liệu, ước tính khoảng 80 – 85% người dân nhận thức có Tăng huyết áp, chỉ 70 – 80% có đi khám và điều trị Tăng huyết áp, và chỉ 50 – 55% bệnh nhân Tăng huyết áp là được kiểm soát tốt huyết áp (2).
Nếu huyết áp đo hơn 02 lần khác nhau ở những thời điểm khác nhau đều vượt ngưỡng bình thường có nghĩa rằng bạn đã bị Tăng huyết áp.
Việc nhận thức và tự theo dõi huyết áp tại nhà có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp kiểm soát huyết áp và phòng ngừa các biến chứng của Tăng huyết áp.
Cách theo dõi huyết áp
Theo khuyến cáo của Hội Tim Mạch Hoa Kỳ, việc theo dõi huyết áp tại nhà nên được thực hiện định kỳ và thường xuyên, dù bạn có mức huyết áp bình thường, cao nhẹ hay đã bị tăng huyết áp.
Việc thay đổi lối sống và duy trì thói quen tốt có lợi cho sức khỏe luôn là cần thiết.
Các mức huyết áp sẽ giúp bạn nhận biết mốc thời gian theo dõi bao gồm:
• Mức huyết áp bình thường (< 120/80 mmHg): nên theo dõi đo huyết áp hàng năm.
• Mức huyết áp cao nhẹ (120 – 129/< 80 mmHg): theo dõi đo huyết áp mỗi 03 – 06 tháng.
• Mức huyết áp tăng (130 – 139/80 – 89 mmHg): có kèm hay không kèm thêm các yếu tố nguy cơ tim mạch gây xơ vữa, và có hay không dùng thuốc huyết áp, việc theo dõi đánh giá huyết áp sau 01- 03 hay 06 tháng cần được thực hiện.
• Mức huyết áp tăng cao (> 140/90 mmHg): dùng thuốc điều trị tăng huyết áp, việc theo dõi đánh giá huyết áp mỗi tháng luôn được khuyến cáo.
Đặc biệt việc theo dõi huyết áp thường xuyên cần thực hiện để giúp giảm các biến cố tim mạch ở nhóm người bệnh có nguy cơ tim mạch cao như:
- Đã mắc bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, tái thông mạch vành tim, đột quỵ, phình mạch máu hay bệnh mạch máu ngoài tim)
- Hẹp mạch máu ( hẹp > 50% đường kính lòng mạch)
- Đái tháo đường có biến chứng (tổn thương thận, thần kinh, mắt…)
- Bệnh thận mạn nặng (suy thận độ 4 trở lên)
- Nguy cơ tim mạch 10 năm cao > 10%
Tại sao bạn nên tái khám thường xuyên?
Huyết áp và tần số tim chưa bao giờ là con số hằng định. Các yếu tố nguy cơ (lo lắng, stress, mất ngủ, ăn uống khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tiền đình…), những trường hợp bệnh lý cấp tính (nhiễm siêu vi, bệnh nhiễm trùng cấp tính, tổn thương tim – thận cấp tính, suy hô hấp cấp…) trong cuộc sống hằng ngày luôn có tác động lên tim mạch.
Khi các rối loạn tần số tim và huyết áp xảy ra, nếu bạn không phát hiện kịp thời thì các biến cố tim mạch nặng có thể xảy ra như nhồi máu cơ tim, suy tim cấp hay đột quỵ, đặc biệt ở bệnh nhân có nguy cơ tim mạch xơ vữa cao.
Việc theo dõi huyết áp tim mạch và tái khám thường xuyên nhằm phát hiện, kiểm soát sớm các yếu tố bất thường mới xảy ra là điều cần thiết.
Việc kiểm soát tốt huyết áp sẽ giúp chúng ta phòng ngừa được các biến chứng thận, tim, não, mắt… Bạn không nên chậm trễ hay chờ đợi có triệu chứng đau đầu, chóng mặt hay chờ đến có biến chứng mới đi khám gặp bác sĩ.
Phòng ngừa trước các biến cố luôn để làm chủ trong cuộc sống. Bạn hãy ghi nhớ phòng bệnh (các biến chứng bệnh) hơn chữa bệnh nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Lewington S, Clarke R, Qizilbash N, et al. Age-specific relevance of usual blood pressure to vascular mortality: a meta-analysis of individual data for one million adults in 61 prospective studies. Lancet. 2002;360:1903-13.
2. National Center for Health Statistics (U.S.). Health, United States, 2013: With Special Feature on Prescription Drugs. Hyattsville, MD: National Center for Health Statistics (U.S.); 2014.
3. 2018 ESC/ESH Guidelines for the management of arterial hypertension.
4. 2017ACC/AHA/AAPA/ABC/ACPM/AGS/APhA/ASH/ASPC/NMA/PCNA Guideline for the Prevention, Detection, Evaluation, and Management of High Blood Pressure in Adults.