Vì sao rượu bia làm Tăng huyết áp?
Đô rượu bia cao được nhiều người xem như chuẩn mực của người đàn ông, thể hiện sự mạnh mẽ và nam tính. Thế nhưng, các nhà khoa học lại tìm thấy điều ngược lại, rượu bia không làm mạnh mẽ lên mà thực sự đang dần mòn tiêu hao sinh lực của cơ thể.
>> Suy thận – Một trong những biến chứng nguy hiểm của Tăng huyết áp
>> Mối liên quan giữa Cholesterol và Tăng huyết áp
Việc uống quá nhiều rượu bia sẽ có tác dụng xấu lên hầu hết các cơ quan trong cơ thể như gan, tụy, phổi, ruột, não, tim…
Thói quen rượu bia đã gây những tác hại như Tăng huyết áp (Cao huyết áp), rối loạn chuyển hóa lipid, rối loạn đường huyết. Đây chính là những yếu tố nguy cơ gây nên những biến chứng của hệ tim mạch cho người sử dụng.
Trên thực tế, các nghiên cứu gần đây cho thấy uống rượu bia ở mức độ vừa phải sẽ có lợi cho hệ tim mạch và có thể làm giảm huyết áp. Việc dùng rượu bia từ mức độ nhẹ đến mức độ vừa đã được chứng minh làm giảm bệnh lý động mạch vành và làm tăng tuổi thọ.

Cơ chế gây Tăng huyết áp của rượu bia
Việc dùng rượu bia quá mức lâu ngày sẽ gây Tăng huyết áp từ đó dẫn đến những biến chứng tim mạch nguy hiểm khác như đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người dùng quá nhiều rượu bia có trị số huyết áp cao hơn những người khác từ 5 – 10mmHg.

Cơ chế rượu bia làm Tăng huyết áp cho đến hiện nay vẫn khó nắm bắt. Một số cơ chế đã được đề xuất, đó là:
1. Hệ thống thần kinh trung ương: ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rượu bia khởi phát các phản ứng trung tâm cũng như ngoại biên, làm mất cân bằng các yếu tố trung ương gây tăng huyết áp, cũng như ảnh hưởng cung lượng tim.
2. Hệ thống thần kinh giao cảm: rượu bia quá nhiều làm tăng kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm làm co mạch, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, cũng như tăng các phản ứng oxy hóa có hại.
3. Chất cảm thụ áp suất: rượu làm giảm phản xạ áp suất bằng cách tương tác với các thụ thể trong thân não, thường liên quan đến những trường hợp tăng huyết áp cấp tính.
4. Hệ thống Renin – Angiotensin – Aldosterone: nồng độ trong huyết thanh của các chất hoạt hóa được cho thấy có sự gia tăng ở nhóm người uống rượu bia quá nhiều, và chính những chất này sẽ làm tăng huyết áp.
5. Cortisol: nồng độ cortisol sẽ gia tăng đáng kể khi uống rượu, và sự dư thừa cortisol liên quan đến tăng huyết áp.
6. Canxi nội bào và phản ứng mạch máu: uống nhiều rượu dẫn đến sự co thắt mạch máu do sự thay đổi trong liên kết ion canxi của động mạch gây tăng độ nhạy cảm với các chất co mạch nội sinh và sự co thắt mạch máu cũng làm tăng huyết áp.
7. Nội mạc và stress oxy hóa: rượu kích thích, làm tăng giải phóng các chất co mạch và ngược lại làm giảm các chất giãn mạch gây tăng huyết áp.
Lượng rượu tiêu chuẩn cho nam và nữ
Nếu xem 01 ly rượu tương đương với: 335 ml bia ( 01 lon) hoặc 148 ml rượu vang hoặc 44 ml rượu mạnh 40 độ, thì lượng rượu tối đa được khuyên dùng để có lợi cho sức khỏe là:
- 2 ly/ngày đối với nam giới dưới 65 tuổi
- 1 ly/ngày đối với nam giới từ 65 tuổi trở lên
- 1 ly/ngày đối với nữ giới mọi lứa tuổi
Lợi ích của việc hạn chế uống rượu bia
- Giảm tai nạn
- Tim khỏe hơn
- Chức năng gan hồi phục
- Giảm cân
- Cải thiện tâm lý, các mối quan hệ
- Giảm nguy cơ ung thư
- Cải thiện khả năng tình dục
- Ngủ ngon hơn
- Tăng sức đề kháng
- Giảm huyết áp
- Cải thiện trí nhớ

Lưu ý khi sử dụng rượu bia
Bạn cần chú ý rượu có thể tương tác với thuốc điều trị Tăng huyết áp, do vậy có thể làm giảm hiệu quả và tăng tác dụng phụ của thuốc.
Đặc biệt, đối với những người nghiện rượu, việc giảm uống rượu bia về mức tiêu chuẩn có thể làm giảm huyết áp tâm thu 2 – 4 mmHg và huyết áp tâm trương 1 – 2 mmHg.
Những người nghiện rượu muốn giảm huyết áp, cần chú ý giảm lượng rượu một cách từ từ trong 1 đến 2 tuần. Trường hợp ngưng uống rượu một cách đột ngột có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp nguy hiểm trong nhiều ngày.
Nếu gặp phải hội chứng cai rượu, bạn hãy tìm đến sự chăm sóc của nhân viên y tế để được tư vấn và hỗ trợ điều trị nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Stranges S, Wu T, Dorn JM, Freudenheim JL, Muti P, Farinaro E, Russell M, Nochajski TH, Trevisan M. Relationship of alcohol drinking pattern to risk of hypertension: a population-based study. Hypertension. 2004; 44: 813–819
2. Husain K, Ansari RA, Ferder L. Alcohol-induced hypertension: Mechanism and prevention. World J Cardiol. 2014;6(5):245-252. doi:10.4330/wjc.v6.i5.245