Thuốc phòng chống Đột quỵ có phải là “Thần dược”?
Điều quan trọng để phòng ngừa đột quỵ là bạn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Để giảm nguy cơ mắc đột quỵ, bạn cần chú ý chỉ số huyết áp, mỡ máu, và nguy cơ bệnh Đái tháo đường type 2 hoặc bệnh lý tim mạch như rung nhĩ.
>> Đột quỵ có tái phát hay không?
>> Cách phòng ngừa đột quỵ mà bạn cần biết
Các nghiên cứu đã cho thấy một số loại thuốc có thể mang lại hiệu quả trong phòng ngừa đột quỵ bao gồm:
- Thuốc hạ áp để kiểm soát huyết áp
- Thuốc kháng kết tập tiểu cầu
- Thuốc kháng đông để phòng ngừa hình thành hoặc phát triển của cục máu đông
1. Thuốc hạ áp
Việc giảm huyết áp của bạn về giới hạn bình thường có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc cả 2 loại đột quỵ: nhồi máu não (tắc nghẽn mạch máu) hoặc xuất huyết não (chảy máu bên trong não).
Khi không thể kiểm soát huyết áp bằng việc thay đổi lối sống, bạn có thể sẽ cần bác sĩ kê toa thuốc hạ áp cho bạn.
2. Thuốc kháng kết tập tiểu cầu
Tiểu cầu là thành phần của máu, tập hợp và dính kết với nhau để tạo thành cục. Cục tiểu cầu này sau đó sẽ phát triển để tạo thành cục máu đông, điều này là quan trọng để bạn không bị chảy máu thêm.
Thuốc kháng kết tập tiểu cầu giữ cho tiểu cầu không dính lại cùng nhau và hình thành cục máu đông bất thường.
Aspirin là thuốc kháng kết tập tiểu cầu thường được kê toa nhất để phòng ngừa đột quỵ. Thuốc thường được kê toa ở bệnh nhân đã từng bị đột quỵ nhồi máu não, hoặc có cơn thoáng thiếu máu não.
Thuốc không được dùng cho bệnh nhân bị xuất huyết não. Bạn cần kê toa bởi bác sĩ, vì thuốc có thể tăng nguy cơ chảy máu hoặc một số nguyên nhân khác.
3. Thuốc kháng đông
Thuốc kháng đông làm giảm sản xuất một số thành phần máu mà cần thiết cho việc hình thành cục máu đông. Thuốc kháng đông hiệu quả nhất để phòng ngừa đột quỵ não do thiếu máu cục bộ là warfarin.
Warfarin giúp phòng ngừa đột quỵ bằng cách ngăn cục máu đông đã có sẵn phát triển to hơn và giúp phòng ngừa hình thành cục máu đông mới. Thuốc thường được dùng cho bệnh nhân có bệnh tim mạch như rung nhĩ (nhịp tim không đều).
Thuốc không được dùng cho bệnh nhân bị xuất huyết não. Bạn cần kê toa bởi bác sĩ, vì thuốc có thể tăng nguy cơ chảy máu ồ ạt hoặc một số nguyên nhân khác.
4. Thuốc phòng chống đột quỵ có phải là “thần dược”?
Cách tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ là có chế độ ăn khoẻ mạnh, tập thể dục đều đặn, tránh hút thuốc lá, uống quá nhiều bia-rượu, và theo dõi sức khỏe định kỳ.
Phòng ngừa đột quỵ bằng thuốc, với các loại thuốc được nghiên cứu rõ ràng như 3 loại trên đều cần phải được bác sĩ kê toa, tái khám thường xuyên để chỉnh liều lượng, cũng như theo dõi sát các tác dụng phụ nguy hiểm.
Ngoài ra, một số thuốc lưu hành trong dân gian, như “An Cung Ngưu Hoàng”- sản phẩm của nhà thuốc Đồng Nhân Đường ở Trung Quốc, rất mắc tiền, được truyền miệng rằng “thần dược” cứu sống người đột quỵ.
Theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, thuốc gồm các vị chính như sừng tê giác, sỏi mật bò, xạ hương.
Tuy nhiên, hiện nay, thành phần sừng tê giác đã được thay bằng sừng trâu, sỏi mật bò tự nhiên hầu như không có, vì vậy người chế biến thuốc thay bằng sỏi nhân tạo.
Xạ hương cũng có nhiều loại, gồm tự nhiên hoặc tổng hợp. An Cung cũng có các thành phần như hùng hoàng, chu sa,… đều là các dược liệu có ít nhiều độc tính và khi dùng phải có sự kiểm soát chặt chẽ về liều, cách dùng, người dùng.
Nếu nhìn về thành phần, ta có thể thấy An Cung phần nào có thể làm giảm hiện tượng đông máu, tiêu đi các cục máu đông nhỏ, và nếu điều này là thật, sẽ là thảm hoạ cho các trường hợp bị xuất huyết đặc biệt trong chảy máu não.
Bản thân viên thuốc cũng có độc dược, dùng 1, 2 lần có thể không sao nhưng dùng lâu dài hay thường xuyên sẽ không khác gì đầu độc cơ thể một cách dần dần.
Nhiều bệnh nhân dùng liên tục “thần dược” suốt nhiều năm sau tai biến, làm bệnh nặng hơn, tốn kém tiền bạc hơn.
Do đó, rất cần sự hiểu biết của người dân cũng như tư vấn kỹ lưỡng của thầy thuốc.
Nguồn tham khảo:
1. Theo Vnexpress
2. Stroke prevention through medicines and surgery, Healthdirect
3. Theo Nurseslabs