Tác dụng phụ và độ an toàn của thuốc điều trị Tăng huyết áp: Bạn có nên lo lắng?
Thuốc điều trị tăng huyết áp hay còn gọi là thuốc hạ áp, giúp bạn dễ dàng kiểm soát huyết áp. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại thuốc đặc trị khác, thuốc điều trị Tăng huyết áp luôn tiềm ẩn tác dụng phụ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không có sự tư vấn của bác sĩ.
>> Hạn chế muối ăn hay bỏ luôn việc ăn mặn?
>> Vì sao bệnh nhân Tăng huyết áp nên tái khám thường xuyên?
Hiện nay 5 nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị Tăng huyết áp là: thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn kênh canxi và thuốc lợi tiểu.
Tác dụng phụ chung của các thuốc điều trị tăng huyết áp là có thể gây tụt huyết áp nếu quá liều.
Vì vậy, khi bệnh nhân có các triệu chứng chóng mặt, xây xẩm, choáng váng, bệnh nhân cần được đo huyết áp và liên hệ bác sĩ hoặc đến trung tâm y tế nếu huyết áp thấp và các triệu chứng kéo dài.
Một số tác dụng phụ riêng của những nhóm thuốc
Cùng tìm hiểu một số tác dụng phụ của từng nhóm thuốc, để từ đó mà các bạn có thêm kiến thức để phòng tránh.
Thuốc ức chế men chuyển
Thuốc trong nhóm này có tên kết thúc bằng – “pril” như: enalapril, lisinopril, perindopril, imidapril…
Tác dụng phụ của thuốc ức chế men chuyển thường gặp nhất là gây ho khan. Tình trạng ho khan này không giảm khi uống các loại thuốc trị ho mà chỉ có thể khỏi khi ngừng thuốc.
Tác dụng phụ nguy hiểm nhất là gây phù mạch khiến bệnh nhân sưng môi, lưỡi, họng và làm khó thở, có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân nếu gặp tình trạng này cần ngưng thuốc và đi tới trung tâm y tế gần nhất.
Ngoài ra, nhóm ức chế men chuyển có thể gây tăng kali máu, gây suy thận, do đó người bệnh cần cẩn thận khi dùng các thực phẩm chứa nhiều kali.
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin
Thuốc trong nhóm này có tên kết thúc bằng –“sartan” như losartan, irbesartan, valsartan, telmisartan.
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin có tác dụng phụ tương tự như thuốc ức chế men chuyển tuy nhiên thường ít gây ho và ít gây phù mạch hơn.
Thuốc chẹn beta giao cảm
Các thuốc trong nhóm này có tên kết thúc bằng –“lol” như atenolol, bisoprolol, nebivolol, carvedilol, metoprolol…
Thuốc chẹn beta chống chỉ định tuyệt đối dùng trên bệnh nhân bị hen và chống chỉ định tương đối với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính vì có thể gây co thắt phế quản trên các đối tượng này.
Ngoài ra, thuốc cũng có thể làm mất các dấu hiệu của tụt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường phải điều trị bằng insulin.
Thuốc còn có thể gây mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, nhịp tim chậm, phát ban, rối loạn cương,
Thuốc chẹn kênh canxi
Thuốc chẹn kênh canxi bao gồm 2 nhóm: nhóm DHP là các thuốc có tên kết thúc bằng – “pine” như amlodipine, nifedipine, nicardipine, felodipine… và nhóm non-DHP gồm hai thuốc diltiazem, verapamil.
Tác dụng phụ của nhóm DHP thường gặp là phù chân, phù mặt, vọp bẻ, bốc hỏa, đau đầu, phì đại nướu răng. Tác dụng phụ của nhóm non-DHP là chậm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, táo bón
Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu như hydrochlorothiazide, indapamide, chlorthalidone có tác dụng làm giảm nước trong cơ thể (do tăng cường thải nước và muối qua nước tiểu) từ đó làm giảm huyết áp. Chính vì vậy thuốc có thể làm tăng số lần đi tiểu.
Do làm giảm kali, natri máu và giảm lượng nước trong cơ thể, người bệnh có thể có triệu chứng mệt mỏi, đau yếu cơ, vọp bẻ, rối loạn nhịp tim khi sử dụng thuốc.
Các tác dụng phụ khác gồm: rối loạn cương, gút, xây xẩm, đau đầu, rối loạn mỡ máu.
Bạn có nên lo lắng về tác dụng phụ và độ an toàn của thuốc điều trị tăng huyết áp?
Đa phần các tác dụng phụ của thuốc điều trị cao huyết áp sẽ giảm sau khi dùng thuốc một thời gian do cơ thể dần thích nghi với thuốc.
Để ngăn ngừa các tác dụng phụ nguy hiểm, người bệnh cần dùng thuốc do bác sĩ kê toa và đi khám định kỳ.
Ngoài ra, một số tác dụng phụ khác có thể hạn chế được bằng các biện pháp dễ dàng.
Với thuốc lợi tiểu, để hạn chế ảnh hưởng của tác dụng lợi tiểu lên giấc ngủ, bạn nên dùng thuốc vào buổi sáng.
Nhiều loại thuốc gây hạ huyết áp tư thế làm cho người bệnh có cảm giác chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng khi ngồi dậy bước ra khỏi giường hoặc đứng lên khi đang ngồi trên ghế.
Nếu bạn gặp phải tác dụng này, nên đứng hoặc ngồi dậy từ từ, tránh thay đổi tư thế quá nhanh.
Điều quan trọng bạn cần thông báo cho bác sĩ các tác dụng gặp phải (phù chân, ho khan, vọp bẻ, rối loạn cương, đau khớp…) để bác sĩ đánh giá và điều chỉnh liều thuốc hoặc chuyển sang thuốc hạ áp khác.
Đồng thời tái khám định kỳ để làm xét nghiệm máu đánh giá các tác dụng phụ khác như rối loạn điện giải, rối loạn mỡ máu, tăng axit uric máu.
Nguồn tham khảo:
TLTK: Drugs for the heart, 8 edition, 2013