6 suy nghĩ sai lầm khi điều trị Tăng huyết áp
Việc điều trị, sử dụng thuốc không đúng cách có thể khiến tình trạng bệnh nặng và biến chứng đến sớm hơn. Sau đây là 6 suy nghĩ sai lầm khi điều trị Tăng huyết áp (Cao huyết áp).
>> Bệnh nhân mắc bệnh Tăng huyết áp nên uống thuốc càng nhiều càng tốt?
>> 3 điều cần nhớ khi dùng thuốc huyết áp “Đúng giờ, đúng liều, đúng toa”
Sai lầm 1 – Huyết áp trở về bình thường là hết bệnh Tăng huyết áp
Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” bởi diễn biến âm thầm, ít có các biểu hiện lâm sàng. Do vậy nhiều bệnh nhân chủ quan không theo dõi và điều trị đến khi xảy ra những biến chứng nặng nề thì đã muộn.
Thuốc điều trị tăng huyết áp có vai trò như người gác cổng, không để cho huyết áp của bạn lên cao và gây ra biến chứng.
Chính vì vậy, nguyên tắc quan trọng nhất trong điều trị Tăng huyết áp là điều trị lâu dài nếu không muốn nói là “suốt đời”.
Trong quá trình bạn điều trị, huyết áp trở về bình thường là nhờ vào việc bạn uống thuốc đều đặn hàng ngày, do vậy bạn không được ngừng điều trị.
Sai lầm 2 – Tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc
Nhiều bệnh nhân khi có các triệu chứng như nhức đầu, hoa mắt… thì cho rằng bệnh của mình trở nặng và tự ý tăng liều thuốc. Trên thực tế, việc tự tăng liều thuốc có thể gây tụt huyết áp quá mức, thậm chí có thể gây trụy mạch.
Khi cảm thấy nhức đầu, khó chịu, thậm chí huyết áp có tăng nhẹ so với huyết áp mục tiêu, bạn không nên tự ý tăng liều thuốc, đồng thời nằm nghỉ ngơi ở chỗ yên tĩnh, thoáng mát và có thể đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Ngoài ra, một số bệnh nhân khi có các triệu chứng chóng mặt, xây xẩm khi thay đổi tư thế và cho rằng huyết áp thấp nên tự ý giảm liều.
Trong những trường hợp này, bệnh nhân nên đo huyết áp kiểm tra và tạm ngưng thuốc khi huyết áp thấp, sau đó liên hệ với bác sĩ về tình trạng của mình trong thời gian sớm nhất.
Sai lầm 3 – Không tái khám định kỳ, chỉ sử dụng một đơn thuốc
Tăng huyết áp thường không xảy ra đơn độc và hay phối hợp với những bệnh lý tim mạch, chuyển hóa khác như Đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…
Việc đi tái khám định kỳ giúp bác sĩ theo dõi sát được bệnh nhân, phát hiện kịp thời các biến chứng của tăng huyết áp và các bệnh lý khác. Từ đó bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc, liều lượng phù hợp với từng giai đoạn.
Sai lầm 4 – Sử dụng chung đơn thuốc với người khác
Nhiều trường hợp báo chí đưa tin bệnh nhân bị sốc phản vệ vì sử dụng thuốc của người nhà.
Thuốc dùng để điều trị bệnh đều đã được kê đơn sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe, mức độ nặng nhẹ của từng người bệnh, từng giai đoạn của bệnh, biến chứng và các bệnh lý khác liên quan…
Vì vậy người bệnh tuyệt đối không được sử dụng chung đơn thuốc với người khác và cần tuyệt đối tuân thủ lộ trình điều trị của bác sĩ.
Sai lầm 5 – Sử dụng kết hợp với những thuốc khác
Một số thuốc giảm đau, dị ứng, sổ mũi… có thể tương tác với thuốc huyết áp và làm giảm tác dụng hạ áp hoặc làm tăng tác dụng phụ của thuốc huyết áp. Vì thế, bệnh nhân không nên tự ý uống những loại thuốc không được kê toa.
Sai lầm 6 – Không kết hợp thay đổi lối sống và chế độ ăn
Phần lớn người huyết áp cao chủ quan cho rằng chỉ cần uống thuốc là đủ, nên ăn uống thoải mái không kiêng cữ, lười tập luyện thể dục khiến cho cao huyết áp tiến triển nặng hơn, khó kiểm soát.
Tuy nhiên, người bệnh cần hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể. Mỗi ngày không nên ăn quá 6g muối (một thìa cà phê gạt), tránh ăn những thực phẩm chứa muối như nước mắm, nước tương… và hạn chế ăn những món ăn dầu mỡ…
Cùng với đó, người bệnh cần vận động nhẹ nhàng, chơi một số môn thể thao đơn giản với thời gian 30 – 40 phút/ngày. Bạn có thể chọn những môn thể thao như đi bộ vừa, chạy bộ, không nên lựa chọn các môn luyện tập cần vận động mạnh.
Nguồn tham khảo:
1. Theo trang web dieutritanghuyetap
2. Theo duocphamaau.com
3. https://ngaydautien.vn/tang-huyet-ap/105-nhan-thuc-sai-lam-ve-benh-tang-huyet-ap