Đột quỵ có tái phát hay không?
Ngay cả sau khi sống sót sau một cơn đột quỵ, bạn vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ vì cơn đột quỵ đầu tiên sẽ có nhiều khả năng dẫn đến những cơn khác.
Theo một thống kê tại Mỹ, trong số 795.000 người bị cơn đột quỵ đầu tiên thì có 23% sẽ bị đột quỵ lần thứ hai trong cùng năm.
>> Các dấu hiệu tố cáo bạn đang ăn mặn
>> Cách phòng ngừa đột quỵ mà bạn cần biết
Theo một số nghiên cứu ở nhiều quốc gia, nguy cơ đột quỵ tái phát sớm sau một cơn đột quỵ ban đầu. hoặc tai biến nhẹ, hoặc cơn thoáng thiếu máu não thường xảy ra trong vòng 90 ngày đầu tiên.
Vì lý do này, thời gian 90 ngày sau đột quỵ hoặc cơn thoáng thiếu máu não là trọng tâm của các chiến lược phòng ngừa thứ cấp.
Các nghiên cứu dựa trên dân số đã chỉ ra rằng ngoài việc có những rủi ro cao trong thời gian đầu, nguy cơ đột quỵ tái phát và tử vong vẫn tăng cao trong dài hạn.
Với nguy cơ ước tính là 18% trong suốt 5 năm và 44% trong suốt 10 năm sau cơn đột quỵ ban đầu hoặc cơn thoáng thiếu máu não.
1. Nguyên nhân tái phát
Nguyên nhân của cơn đột quỵ thứ hai (thứ ba hoặc thứ tư) thường giống như cơn đầu tiên:
- Huyết áp cao không kiểm soát được làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ.
- Cholesterol cao có thể dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, làm giảm lưu lượng máu đến não và các bộ phận khác của cơ thể.
- Bệnh Đái tháo đường và lượng đường trong máu cao liên quan làm tổn thương các mạch máu và làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.
- Hút thuốc làm tăng cô đặc máu của bạn và có khả năng mảng bám sẽ tích tụ trong động mạch
- Béo phì làm tăng khả năng bị đột quỵ và có liên quan đến bệnh Đái tháo đường, bệnh tim và huyết áp cao.
- Các bất thường về tim như rung nhĩ có thể gây ra các cục máu đông hình thành trong tim và sau đó di chuyển đến não.
2. Làm gì để phòng ngừa tái phát?
- Uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, đừng uống ít hơn nếu bạn thấy khỏe hoặc tự uống nhiều hơn khi cảm thấy không khỏe.
- Ăn uống chế độ lành mạnh: ăn các loại thịt trắng thay vì thịt đỏ, trái cây và rau xanh thay vì đồ ngọt và thức ăn chiên xào, hạn chế rượu bia.
- Nhận sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè, những người đột quỵ thường dễ bị trầm cảm do suy giảm khả năng vận động, ngôn ngữ và trí nhớ, do đó sự hỗ trợ, liệu pháp ngôn ngữ và vật lý trị liệu rất hữu ích.
- Điều trị và ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ khác như: tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. Điều quan trọng là phối hợp tốt với bác sĩ để quản lý các yếu tố nguy cơ này.
Nguồn tham khảo:
- Nguyễn Văn Đăng(2006), “Dịch tễ học tai biến mạch máu não”, Tai biến mạch máu não, NXB Y học Hà Nội, tr. 9-42.
- Vũ Anh Nhị(2005), “Tiên lượng đột quỵ”, Sổ tay Đột quỵ (Sách hướng dẫn chăm sóc và điều trị đột quỵ), tr. 147-158.
- American Stroke Association. “About Stroke”