Hỏi đáp cùng Bác sĩ Tiên: Tăng huyết áp và 3 lầm tưởng về thực phẩm chức năng
Dưới đây bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu về 3 câu hỏi phổ biến về những lầm tưởng đến từ thực phẩm chức năng nhé!
>> 3 điều cần nhớ khi dùng thuốc huyết áp “Đúng giờ, đúng liều, đúng toa”
>> 6 suy nghĩ sai lầm khi điều trị Tăng huyết áp
1. Thưa bác sĩ Tiên, một số người giới thiệu các thực phẩm chức năng có công dụng thay thế thuốc Tây y để chữa bệnh, có đúng không bác sĩ?
Thực phẩm chức năng là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng và các dạng chế biến khác.
Thuốc này có chứa một hoặc hỗn hợp của các chất bao gồm vitamin, khoáng chất, acid amin, chiết xuất từ thực vật và động vật, nhằm mục đích bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hay làm giảm nguy cơ bệnh.
Thực phẩm chức năng khác với thuốc. Thuốc là những sản phẩm để điều trị và phòng bệnh, được chỉ định để nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể.
Thực phẩm chức năng được dùng để hỗ trợ điều trị chứ không thể thay thế hoàn toàn thuốc trong các chế độ điều trị bệnh.
Hiện tại, trong các khuyến cáo của các Hội tim mạch lớn trên thế giới như châu Âu và Mỹ, cũng như phác đồ điều trị Tăng huyết áp của Bộ y tế, không nói đến vai trò của Thực phẩm chức năng trong điều trị Tăng huyết áp.
Và cũng chưa có nghiên cứu bản lề nào khẳng định vai trò của thực phẩm chức năng trong điều trị Tăng huyết áp.
Một bài báo đăng trên Tạp chí nghiên cứu cây dược liệu, nói về vai trò của Thực phẩm chức năng trong phòng ngừa Tăng huyết áp ở Trung Quốc.
Tác giả bài báo nêu rõ, những sản phẩm chứa hạt ngũ cốc (gạo lứt, đậu, bắp, lúa mạch, yến mạch, kiều mạch..), rau củ (tỏi, hành tây, bông cải xanh, cà chua..).
Hoặc thực phẩm chức năng có chứa nhiều chất khoáng như kali, magie, canxi và natri thấp là cần thiết để phòng ngừa Tăng huyết áp. Tuy nhiên cần những nghiên cứu trên dân số lớn hơn, để khẳng định vai trò này.
2. Tôi dùng đồng thời thuốc Tăng huyết áp kèm theo thực phẩm chức năng, liệu điều này có giúp sức khỏe nhanh chóng cải thiện hơn không?
Với bệnh nhân Tăng huyết áp, để sức khỏe ổn định thì huyết áp của bệnh nhân đó cần phải được kiểm soát tốt. Người bệnh có thể tự theo dõi huyết áp tại nhà, huyết áp được kiểm soát tốt khi dưới 140/90 mmHg.
Thực phẩm chức năng chưa được chứng minh rõ ràng trong việc điều trị huyết áp, tuy nhiên, có thể giúp bổ sung một số loại dưỡng chất cơ thể cần.
Thực phẩm chức năng có thể gây tương tác với một số loại thuốc huyết áp như ức chế men chuyển, chẹn beta giao cảm.
Vì vậy, sử dụng đồng thời cả thuốc và thực phẩm chức năng không được khuyến cáo. Bạn cần báo với bác sĩ điều trị biết các loại thực phẩm chức năng đang dùng.
Cách tốt nhất để giữ sức khỏe ổn định là dùng thuốc theo chỉ định, đúng giờ, duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt đầy đủ, tập thể dục đều đặn.
Không có thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, khoáng chất nào có thể tốt và thay thế được việc ăn uống cân bằng và đa dạng tất cả các nhóm thực phẩm.
3. Tôi nghe nói thực phẩm chức năng đa số có nguồn gốc tự nhiên nên rất tốt và an toàn, có thể sử dụng bao lâu cũng được phải không ạ?
Như tôi đã chia sẻ bên trên, thực phẩm chức năng đa phần có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhưng không phải cái gì cũng tốt và an toàn.
Lấy ví dụ như quá liều vitamin A có thể dẫn đến đau đầu, tổn thương gan hay các dị tật bẩm sinh ở phụ nữ mang thai.
Sử dụng beta carotene liều cao có liên quan đến tăng khả năng ung thư phổi ở người hút thuốc, dư sắt có thể gây buồn nôn, ói mửa, thậm chí tổn thương gan và các cơ quan khác của cơ thể…
Mức độ cần thiết sử dụng thực phẩm của mỗi người là khác nhau. Việc sử dụng hay không và liều lượng, thời gian bao lâu là hợp lý đều cần có sự thăm khám, đánh giá và chỉ định từ bác sĩ hay sự tư vấn của dược sĩ.
Các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em, người mắc nhiều bệnh nền, bệnh mãn tính đang điều trị với nhiều thuốc cùng lúc cần cực kỳ cẩn trọng.
Bạn không nên sử dụng thực phẩm chức năng tùy ý hay theo kinh nghiệm truyền tải vì rất nhiều sản phẩm hiện nay vẫn chưa được chứng minh về tính an toàn cho các đối tượng trên.
Nguồn tham khảo:
1. Theo Wikipedia
2. Theo Academicjournals
3. Theo Healthline