3 điều cần nhớ khi dùng thuốc huyết áp “Đúng giờ, đúng liều, đúng toa”
Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, thường diễn biến âm thầm ít biểu hiện triệu chứng, do đó bệnh còn được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”.
>> Các cách giảm ăn mặn cụ thể khi nấu nướng
>> 6 suy nghĩ sai lầm khi điều trị Tăng huyết áp
Tăng huyết áp cũng là nguyên nhân của nhiều biến chứng:
- Tim: suy tim, nhồi máu cơ tim, phù phổi…
- Não: tai biến mạch máu não, xuất huyết não, tắc mạch não…
- Thận: suy thận, tiểu máu, tiểu protein…
- Mắt: phù võng mạc, xuất huyết võng mạc…
- Bệnh mạch máu ngoại vi.
Mục tiêu điều trị tăng huyết áp là đạt huyết áp mục tiêu (<140/90 mmHg) và giảm tối đa biến chứng tim mạch.
Việc điều trị Tăng huyết áp (Cao huyết áp) là quá trình lâu dài thậm chí suốt đời. Do đó, người bệnh cần phải tuân thủ điều trị, tái khám theo hẹn và dùng thuốc liên tục “đúng giờ, đúng liều, đúng toa”:
1. Tại sao phải uống thuốc “đúng giờ”?
Người bệnh Tăng huyết áp cần phải uống thuốc liên tục đúng giờ và đều đặn mỗi ngày. Tránh trường hợp quên thuốc hoặc uống cách ngày thì huyết áp của người bệnh sẽ không ổn định.
Người bệnh cần phải tuân thủ tuyệt đối khoảng cách giữa các lần dùng thuốc vì đây cũng là nguyên nhân làm cho huyết áp không ổn định hoặc gây độc.
+ Đối với thuốc dùng một lần trong ngày (thuốc có tác dụng 24 giờ): người bệnh nên uống vào một giờ cố định.
+ Đối với thuốc dùng nhiều lần trong ngày (thuốc có thời gian tác dụng ngắn): người bệnh cần chia đều trong 24 giờ.
Ví dụ: Nếu ngày uống 2 lần, lần 1 người bệnh chọn uống lúc 8 giờ sáng, lần 2 sẽ uống vào 8 giờ tối.
Để đảm bảo thuốc điều trị Tăng huyết áp có hiệu quả cao, an toàn trong suốt quá trình điều trị người bệnh cần lựa chọn thời điểm uống thuốc phù hợp và duy trì thói quen sử dụng thuốc đúng giờ.
Thuốc điều trị Tăng huyết áp có tác dụng chính là duy trì huyết áp ở mức ổn định. Do đó, nếu bệnh nhân sử dụng thuốc đúng giờ thì hiệu quả của việc kiểm soát huyết áp càng gia tăng. Người bệnh nên duy trì thói quen uống thuốc đúng giờ ngay cả khi huyết áp đã ổn định.
2. Tại sao phải uống thuốc “đúng liều”?
Người bệnh cần phải uống thuốc đúng liều vì thuốc hạ huyết áp chỉ có thể có tác dụng khi đạt đến ngưỡng nhất định. Do đó, người bệnh không được tự ý tăng hay giảm liều thuốc trong quá trình điều trị.
Không ít trường hợp, trong thời gian đầu điều trị người bệnh tuân thủ tốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhưng sau đó, thấy cơ thể khỏe mạnh hoặc sợ tác dụng phụ của thuốc khi dùng trong thời gian dài gây hại thận, hại gan thì tự ý giảm liều hoặc ngưng thuốc.
Những trường hợp tự ý giảm liều hoặc ngưng thuốc dễ gây tai biến mạch máu não có thể dẫn đến tử vong khi huyết áp đột ngột tăng cao.
Nhiều người bệnh cảm thấy đau đầu, chóng mặt, khó chịu nghĩ huyết áp tăng nên tự động dùng thuốc hạ áp mà không cần khám bác sĩ hoặc đo huyết áp, trường hợp này có thể dẫn đến tụt huyết áp nặng thậm chí gây tử vong.
Vì vậy, bạn không nên chủ quan ngay cả khi huyết áp đã được kiểm soát tốt. Nếu ngưng thuốc đột ngột hay giảm hoặc tăng liều thì người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng nặng nề.
Không những vậy, việc điều trị bệnh lúc này gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao.
3. Tại sao phải uống thuốc “đúng toa”?
Trước khi dùng thuốc tăng huyết áp bệnh nhân phải đi khám chuyên khoa để biết mức độ tăng huyết áp, có biến chứng chưa và có bệnh khác đi kèm không…
Từ đó, bác sĩ chuyên khoa tim mạch mới lựa chọn loại thuốc phù hợp cho từng người bệnh.
Bệnh nhân cần dùng thuốc đúng theo đơn thuốc của bác sĩ, không nên tự ý lựa chọn và mua thuốc về sử dụng hoặc uống theo đơn thuốc của người khác vì cho rằng bệnh của mình giống.
Người bệnh cần phải uống thuốc đúng theo đơn và trao đổi với bác sĩ khi có những biểu hiện bất thường để bác sĩ kịp điều chỉnh lại thuốc.
Vì thuốc điều trị còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và cơ địa của mỗi người nên cần được sự hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc. Do đó, người bệnh phải đi tái khám đúng hẹn.
Việc duy trì huyết áp ở mức nào là do bác sĩ quyết định, do đó người bệnh không được tự ý sử dụng những biện pháp chưa có cơ sở khoa học để điều trị và lầm tưởng là khỏi bệnh nên không tiếp tục dùng thuốc.
Vì thế, thuốc điều trị tăng huyết áp có hiệu quả không có nghĩa là thuốc đắt tiền. Mỗi loại thuốc đáp ứng ở mỗi người bệnh khác nhau, chỉ có bác sĩ mới quyết định loại thuốc điều trị nào tốt nhất và phù hợp nhất.
Căn cứ vào tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân như các yếu tố nguy cơ tim mạch, bệnh lý đi kèm hay sự tổn thương các cơ quan khác không.
Nguồn tham khảo
1. Bộ Y tế (2010) “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp”. Quyết định số 3192/QĐ-BYT ngày 31/08/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế
2. Hội Tim mạch học quốc gia Việt nam “Tìm hiểu và kiểm soát Tăng huyết áp”
3. Barbara G Bokhour, PhD,1,2 Dan R Berlowitz, MD, MPH,1,2 Judith A Long, MD,3,4,5 and Nancy R Kressin, PhD1,2 “How Do Providers Assess Antihypertensive Medication Adherence in Medical Encounters?”
4. Erin Peacock, PhD, MPHa and Marie Krousel-Wood, MD, MSPHa,b,c,*l
“Adherence to Antihypertensive Therapy”