Các dấu hiệu tố cáo bạn đang ăn mặn
Muối là gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Thành phần chính của tất cả các loại muối ăn trên thị trường là natri clorua.
Natri có trong muối giúp cân bằng lượng nước bên trong cơ thể, dẫn truyền xung động thần kinh và đảm bảo hoạt động chức năng của tế bào.
>> Thuốc phòng chống Đột quỵ có phải là “Thần dược”?
Nhưng nếu ăn quá nhiều natri sẽ dẫn đến tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy thận và đột quỵ.
Các thực phẩm trong tự nhiên đã chứa sẵn một hàm lượng muối, do đó nếu không nêm nếm thêm trong quá trình chế biến thì cơ thể vẫn hấp thu được natri trong thực phẩm.
Nhưng lượng natri trong chế độ ăn của chúng ta có 70 – 80% được cho vào trong quá trình chế biến bảo quản (gồm muối ăn, hạt nêm, bột ngọt…) và khi ăn (nước tương, mắm..)
Hiện nay lượng natri ăn vào của người trưởng thành trung bình là 3,7g/ngày tương đương với lượng muối ăn vào là 9,4g/ngày, gần gấp đôi mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 2g natri/ngày hay 5g muối/ngày.
Thật khó để biết chính xác lượng natri ăn vào của mỗi người, các bác sĩ có thể dựa vào xét nghiệm lượng natri bài tiết qua nước tiểu hoặc một số biểu hiện sau cũng có thể dùng để phát hiện bạn đang ăn mặn:
1. Thường xuyên cảm giác khát nước
Khi ăn quá nhiều muối thì lượng natri vào trong máu sẽ tăng cao và tác động lên trung tâm khát của não gây ra cảm giác khát.
Đây là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể để điều chỉnh lại nồng độ natri trong máu, vì nếu không có cơ chế này thì natri trong máu sẽ hút nước từ trong chính các tế bào của cơ thể ra, hậu quả là làm các tế bào này teo lại và gây rối loạn hoạt động của tế bào.
Tuy nhiên cảm giác khô miệng và khát nước thường xuyên cũng có thể là triệu chứng của Đái tháo đường vì thế nên đi khám nếu có triệu chứng này.
2. Đi tiểu thường xuyên
Thận có vai trò lọc máu để loại bỏ các chất thải và lượng nước dư thừa trong cơ thể. Khi ăn mặn, nồng độ natri cao trong máu sẽ kéo nước từ trong tế bào vào làm gia tăng lượng nước trong máu.
Vì thế thận phải làm việc để loại bỏ bớt muối và nước qua nước tiểu, gây ra triệu chứng đi tiểu nhiều.
Một số người có thể bị mất ngủ vì tiểu đêm nhiều lần. Bên cạnh đó, khi thận tăng thải natri qua nước tiểu sẽ kéo theo canxi mất qua đường tiểu, làm tăng nguy cơ loãng xương
Tuy nhiên tiểu nhiều cũng có thể là triệu chứng của bàng quang hoạt động quá mức, nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc tiểu đường.
3. Thường xuyên ăn các thức ăn chế biến sẵn
Các thực phẩm chế biến sẵn như phô mai, xúc xích, bánh mì, pizza… thường chứa nhiều muối nhằm tăng thời gian bảo quản và hương vị của thức ăn.
Chẳng hạn trong 1 gói mì ăn liền đã có 5g muối, bằng tổng lượng muối cần trong một ngày.
Khi muốn ăn những thực phẩm chế biến sẵn cần kiểm tra hàm lượng muối trên nhãn sản phẩm và hạn chế các sản phẩm có hàm lượng muối trên 1.5g/100g (nhãn đỏ).
4. Thường xuyên cảm giác thức ăn quá nhạt
Khi bạn thường xuyên ăn mặn, các gai vị giác trên lưỡi sẽ thích nghi với vị mặn và khiến bạn phải thêm muối hay nước chấm trong bữa ăn, nếu không các gai vị giác này sẽ cho tín hiệu món ăn vô cùng nhạt nhẽo.
5. Phù các bộ phận cơ thể
Trên những bệnh nhân đã có các bệnh lý suy tim, suy thận và xơ gan, việc ăn nhiều muối có thể gây ra triệu chứng phù do cơ thể sẽ tự động tích trữ nước khi nồng độ natri máu cao.
Có thể nhận thấy triệu chứng phù khi bạn mang dép thấy chật hơn, ngón tay đeo nhẫn không còn vừa, hoặc biểu hiện rõ ràng hơn là sưng che lấp các vùng lõm bình thường và ấn vào mô phù thấy dấu ấn lõm.
6. Thường xuyên đau đầu
Việc ăn mặn có thể khiến những cơn đầu xuất hiện thường xuyên hơn. Nguyên nhân có thể do muối làm tăng huyết áp.
Nhưng ngay cả ở những người bình thường, việc giảm natri trong chế độ ăn cũng được chứng minh giúp giảm tần suất các cơn đau đầu.
Ngoài ra, chế độ ăn nhiều muối cũng ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào thần kinh gây giảm trí nhớ và mất tập trung.
7. Rối loạn tiêu hóa
Ăn nhiều muối có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm dạ dày, chướng bụng, khó tiêu, và tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Với mục đích tư vấn việc giảm ăn mặn cho người dân, năm 2013 Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe Trung ương Bộ Y tế đã đưa ra lời khuyên: “Cho bớt muối – Chấm nhẹ tay – Giảm đồ ăn mặn”
• Cho bớt muối: giảm 1/2 lượng muối và các gia vị chứa muối khi nấu ăn, bổ sung các gia vị khác như tiêu, ớt chanh… để tăng vị giác.
Cách tính hàm lượng muối trong các loại gia vị “mặn”:
5g muối = 1 muỗng cafe muối = 2 muỗng cafe hạt nêm = 2,5 muỗng canh nước mắm = 3,5 muỗng canh nước tương.
• Chấm nhẹ tay: Bỏ hoặc hạn chế chấm hoặc không chấm ngập thức ăn vào muối và gia vị mặn. Nên pha loãng nước chấm khi ăn.
• Giảm đồ ăn mặn: giảm 1/2 lượng thực phẩm chứa nhiều muối khi lựa chọn, tăng các loại thực phẩm tươi, ít qua chế biến, hạn chế các bữa ăn ngoài hàng quán.
Việc giảm ăn mặn nên được thực hiện từ từ để các gai vị giác của bạn có thể làm quen và thích nghi dần với việc giảm vị mặn.
Nguồn tham khảo:
- Daniel Couglin. 10 signs you’re eating too much salt.
- Đỗ Thị Phương Hà. Hậu quả sức khỏe của ăn thừa muối.
- Feng J. He and Graham A. M. Role of salt intake in prevention of cardiovascular disease: controversies and challenges. Nature Reviews Cardiology, 2018 (15), 371–377.
- Liwei Chen et al. Lower Sodium Intake and Risk of Headaches: Results From the Trial of Nonpharmacologic Interventions in the Elderly. Am J Public Health. 2016 July; 106(7): 1270–1275.
- Michael J. M. et al. Salt craving: The psychobiology of pathogenic sodium intake. Physiol Behav, 2008 Aug 6; 94(5): 709–721
- Shannon D. and Holly V. Surprising Signs You’re Eating Too Much Salt.