Mối liên hệ giữa Tăng huyết áp và Suy tim
Theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ, chỉ số huyết áp dưới 120/80 mmHg được xem là bình thường, khi đó máu di chuyển qua cơ thể với một tốc độ nhất định.
>> Đối tượng nào có nguy cơ cao bị Đột quỵ?
>> Bệnh thận mạn – Biến chứng nguy hiểm của Tăng huyết áp
Nhưng nếu bạn được chẩn đoán với bệnh tăng huyết áp (bệnh cao huyết áp), chỉ số này sẽ luôn trên 140/90mmHg, máu sẽ di chuyển qua các động mạch ở áp suất cao, tạo sức ép nhiều hơn lên thành mạch, gây tổn hại cho tim và các mạch máu.
1. Nguyên nhân gây Tăng huyết áp
Chỉ có khoảng 5% người mắc tăng huyết áp (cao huyết áp) xác định được nguyên nhân và có khả năng điều trị cụ thể hơn bao gồm:
- Bệnh về thận: Hẹp động mạch thận viêm cầu thận, sỏi thận…
- Bệnh nội tiết: Đái tháo đường, cường giáp, cường tuyến yên, u tuyến thượng thận…
- Tim mạch (tim và mạch máu): Hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ, hở van tim.
- Nhiễm độc thai nghén.
95% còn lại không tìm được nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp (cao huyết áp). Tuy nhiên, nhận thấy, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh hiện tại bao gồm:
+ Yếu tố không thay đổi được
Chủng tộc (người Mỹ gốc Phi thuộc nhóm có nguy cơ cao), yếu tố gia đình, tuổi.
+ Yếu tố có thể thay đổi được
- Lối sống tĩnh tại, ít vận động
- Thường xuyên căng thẳng, stress
- Hút thuốc lá
- Ăn mặn, chế độ ăn nhiều chất béo
- Sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích
- Sử dụng các thuốc nội tiết tố
Dù trong nhóm nguy cơ nào, bạn cũng cần thường xuyên theo dõi và kiểm tra sức khỏe định kỳ để biết chỉ số huyết áp mỗi năm. Đồng thời cần thay đổi những yếu tố nguy cơ này, vì giúp phòng ngừa được diễn tiến bệnh lý tim mạch.
2. Định nghĩa Suy tim
Suy tim là hội chứng lâm sàng phức tạp do tổn thương cấu trúc hoặc chức năng đổ đầy thất hoặc tống máu. Biểu hiện lâm sàng chính của suy tim là mệt và khó thở.
Suy tim được phân loại Theo hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC/AHA):
– Giai đoạn A: Nguy cơ cao suy tim, không có bệnh tim thực thể hoặc triệu chứng suy tim.
– Giai đoạn B: Có bệnh tim thực thể nhưng không có triệu chứng suy tim
– Giai đoạn C: Có bệnh tim thực thể, có triệu chứng suy tim
– Giai đoạn D: Suy tim kháng trị, cần can thiệp đặc biệt
Cứ 5 người lớn trên 40 tuổi tại các quốc gia phát triển sẽ có 1 người bị suy tim. Bệnh nhân suy tim có triệu chứng thì tiên lượng kém, tỉ lệ tử vong trong vòng 3 năm là: 34% đối với suy tim độ I và II, 42% đối với suy tim độ III và IV.
3. Mối liên hệ giữa suy tim và Tăng huyết áp (Cao huyết áp)
Tăng huyết áp (cao huyết áp) là một trong các nguyên nhân của cả suy tim tâm thu và suy tim tâm trương. Thống kê của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ: 90% trường hợp suy tim có tiền căn tăng huyết áp.
Kiểm soát tốt tăng huyết áp làm giảm đến 50% nguy cơ mắc suy tim. Nguy cơ suy tim sẽ tăng gấp 2 lần ở nam giới và gấp 3 lần ở nữ giới có tăng huyết áp.
Huyết áp cao đồng nghĩa với tăng áp lực của mạch máu lên thành động mạch, điều này làm tim phải hoạt động nhiều hơn để chống lại áp lực từ thành mạch. Sau một thời gian, cơ tim phải dày lên, cấu trúc tim bị thay đổi (hở van tim 2 lá).
Lúc này bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau tức khó chịu bên ngực trái, nặng vùng ngực hoặc mệt mỏi khi hoạt động gắng sức.
Cấu trúc tim thay đổi, cùng với sự dày lên của thành mạch máu (do tăng huyết áp), làm giảm tính đàn hồi của mạch máu và tăng nguy cơ tích tụ mỡ máu tại động mạch (nhất là mạch vành).
Bệnh nhân bị Tăng huyết áp có thể phải đối mặt với những cơn đau tim thường xuyên, và nguy cơ loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, Suy tim xung huyết.
4. Hướng điều trị Suy tim và Tăng huyết áp
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là bạn cần chẩn đoán sớm bệnh lý. Có 5 dấu hiệu sớm hỗ trợ chẩn đoán suy tim do tăng huyết áp viết tắt là FACES (Theo hội Tim mạch Hoa Kỳ):
- F: Fatigue (mệt mỏi)
- A: Activity limitation (giảm khả năng làm việc)
- C: Congestion (xung huyết)
- E: Edema or ankle swelling (phù hoặc sưng ở mắt cá chân)
- S: Shortness of breath (khó thở)
Tùy theo từng giai đoạn suy tim hoặc tăng huyết áp cụ thể mà sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Ngoài các phương pháp chữa trị y tế, ở giai đoạn nào bệnh nhân cũng nên lưu ý:
- Ngưng hút thuốc lá, rượu bia, chất gây nghiện
- Tập thể dục (theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa)
- Kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu (thuốc và chế độ sinh hoạt)
- Tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ chuyên khoa
Suy tim và Tăng huyết áp có mối liên hệ mật thiết với nhau, đều là những tình trạng gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Vì thế bạn hãy luôn theo dõi huyết áp và lắng nghe theo chỉ định của bác sĩ nhé!
Nguồn tham khảo
1. Clyde W Yancy và cộng sự, 2013 ACCF/AHA Guideline for the Management of Heart Failure J Am Coll Cardiol. 2013 Jun, 62 (16) e147–e239.
2. Steven M Hollenberg và cộng sự J Am Coll Cardiol 2019 Sep, 74 (15) 1966–2011
3. Mosterd & Hoes Heart; 2007; 93:1137–46
4. Mozaffarian et al Circulation 2015; 131: e29–322
5. Ahmed Am J Cardiol 2007; 99 : 549–53.