Đau tim – Biến chứng nguy hiểm của Tăng huyết áp (Cao huyết áp)
Tăng huyết áp có thể làm tăng sức ép lên thành mạch, gây tổn thương cho tim và các mạch máu. Đây là yếu tố làm xuất hiện cơn đau tim.
Tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm nhưng thường thể hiện ít triệu chứng. Điều này khiến nhiều người không phát hiện kịp thời mà chỉ phát hiện khi đi khám một bệnh lý khác.
>> Gia đình – Mắt xích không thể thiếu trong kiểm soát Tăng Huyết Áp
>> Suy Tim – Mối nguy hiểm đến từ Tăng huyết áp!
Bệnh tăng huyết áp xuất hiện với chỉ số luôn ở trên 140/90 mmHg. Máu sẽ dễ dàng di chuyển qua các động mạch ở áp suất cao, tạo sức ép nhiều hơn lên thành mạch.
Khi đó, bạn sẽ có nguy cơ cao bị đau tim – biến chứng của tăng huyết áp để lại.
Để tìm hiểu kỹ hơn về đau tim do tăng huyết áp (cao huyết áp), bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu dưới đây nhé!
1. Thế nào là cơn đau tim?
Khi nguồn máu cung cấp tới tim bị cắt, cơ tim bắt đầu chết dần. Đây được gọi là cơn đau tim trường hợp khẩn cấp cần được điều trị ngay.
Nếu bạn bị bệnh động mạch vành, những động mạch cung cấp máu giàu oxy cho tim trở nên hẹp lại. Sự tích tụ cholesterol hoặc chất béo, canxi và protein hình thành mảng bám trong động mạch.
Các mảng bám sau đó có thể vỡ ra, tạo ra các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch và khiến trái tim thiếu hụt lượng oxy cần thiết để hoạt động. Trường hợp hiếm gặp hơn, động mạch có thể co thắt hoặc thu hẹp và hạn chế lưu lượng máu.
2. Dấu hiệu nhận biết cơn đau tim
Một số trường hợp khi lên cơn đau tim không xuất hiện các triệu chứng rõ ràng. Trên thực tế, khoảng 15% người bệnh không biết họ đang trải qua một cơn đau tim.
Điều này thường xảy ra phổ biến ở người già và người bệnh tiểu đường. Cơn đau tim đối với những nhóm người này giống như một đợt cúm kéo dài, cảm thấy căng thẳng ở ngực hoặc mệt mỏi.
Bệnh gây ra các triệu chứng không rõ ràng nên rất khó phát hiện.
Các triệu chứng khi lên cơn đau tim biến chứng của tăng huyết áp (cao huyết áp) thường thấy bao gồm:
- Ra mồ hôi
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Khó thở, cảm giác nghẹt thở
- Nhịp tim đập nhanh hoặc bất thường
- Đau lan ra trên cánh tay, lưng, hàm hoặc cổ họng
- Đau, cảm thấy áp lực hoặc nặng ở ngực, cánh tay hoặc vùng dạ dày trên
3. Xử lý khi lên cơn đau tim do tăng huyết áp (cao huyết áp)
Đau tim là tình trạng y tế khẩn cấp, các cơ tim đang chết dần và không thể hồi phục. Người bệnh cần điều trị khẩn trương để tăng khả năng sống và giảm tình trạng tổn thương tim.
Nếu có các dấu hiệu đau tim, bạn hãy nhanh chóng gọi xe cấp cứu. Bạn có thể nhờ người thân, bạn bè đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong thời gian chờ đợi đưa đến cơ sở y tế, người bệnh có thể áp dụng một số cách sơ cứu để giảm thiểu và kiểm soát cơn đau bao gồm:
- Nới rộng quần áo ở cổ, ngực, bụng, ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái. Đầu và vai cần được nâng đỡ, đầu gối gấp để giảm gánh nặng cho tim.
- Cố gắng giữ tâm trạng bình tĩnh, tránh hoảng loạn.
- Dùng Nitroglycerin hoặc các thuốc khác đã được bác sĩ kê đơn trước đó để sơ cứu người bị đau tim.
Bạn tuyệt đối không dùng các thuốc tim mạch của người khác vì có thể khiến bản thân gặp các tình huống nguy hiểm hơn.
Trường hợp trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ có thể cân nhắc tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) hoặc sử dụng máy khử rung tim tự động bên ngoài.
Khi cơn đau tim xảy ra, sẽ rất khó để lên kế hoạch phải làm gì để sơ cứu. Nếu có tiền sử bệnh tim mạch và từng có những cơn đau thắt ngực, bạn nên chuẩn bị các phương án như: Số điện thoại cấp cứu của cơ sở y tế gần nhất, số điện thoại người thân hỗ trợ, thuốc điều trị luôn mang theo bên người…
Bệnh tim mạch gây nên cơn đau tim thường xảy ra ở những người:
- Nghiện thuốc lá
- Ăn nhiều chất béo
- Mắc bệnh tiểu đường
- Cholesterol máu cao
- Huyết áp cao
- Thừa cân, béo phì
Bạn cần thực hiện lối sống lành mạnh, không hút thuốc, hạn chế rượu bia. Đồng thời bổ sung chế độ ăn giàu vitamin, chất xơ, thường xuyên vận động. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các cơn đau tim có thể xảy ra trong tương lai.
Bên cạnh đó, Ngày Đầu Tiên cũng sẽ đem đến 3 triệu chứng tim mạch nguy hiểm bạn không nên xem nhẹ qua video sau:
Đau tim – biến chứng của tăng huyết áp (cao huyết áp) là tình trạng y tế khẩn cấp. Người bệnh cần can thiệp nhanh chóng để tăng cơ hội sống và giảm sự tổn thương tim.
Bạn hãy thường xuyên thăm khám định kỳ để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp phòng ngừa phù hợp nhé!
Nguồn tham khảo:
Heart Attack Symptoms, Risk, and Recovery