Gia đình – Mắt xích không thể thiếu trong kiểm soát Tăng Huyết Áp

>> Gánh nặng Tăng Huyết Áp (bệnh Cao Huyết Áp) cho bệnh nhân, gia đình và xã hội
>> Chăm sóc người thân của chúng ta khi họ bị Tăng Huyết Áp
VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG ĐIỀU TRỊ TĂNG HUYẾT ÁP
Tăng huyết áp (bệnh cao huyết áp) là bệnh lý mãn tính cần có sự tuân thủ điều trị và theo dõi liên tục. Khi bệnh nhân ổn định và được điều trị ngoại trú, vai trò hỗ trợ từ gia đình rất quan trọng và đã được chứng minh có ích trong việc kiểm soát huyết áp.
Vì vậy, nếu người thân của bạn mắc bệnh tăng huyết áp thì mỗi một sự hỗ trợ dù nhỏ cũng đều mang đến hiệu quả rất khả quan.
NHỮNG ĐIỀU BẠN CÓ THỂ LÀM ĐỂ CHĂM SÓC NGƯỜI THÂN CÓ TĂNG HUYẾT ÁP
Thăm hỏi và tìm hiểu vấn đề
Bạn sẽ cần tìm hiểu về việc người thân của bạn đang làm gì để kiểm soát huyết áp và những khó khăn đang xảy ra để kịp thời hỗ trợ. Những câu hỏi sau sẽ giúp nắm bắt vấn đề cụ thể và chi tiết:

Điều gì khó khăn nhất và thuận lợi nhất trong quá trình điều trị tăng huyết áp (bệnh cao huyết áp) ?
Hoàn cảnh của mỗi người bệnh đều rất khác nhau. Một số người cảm thấy khó khăn khi phải ăn nhạt; số khác cảm thấy chật vật khi phải tự đo huyết áp. Có thể người thân của bạn sợ uống nhiều thuốc nhưng lại thấy dễ dàng khi tập thể dục đều đặn.
Kỳ vọng của người thân mình là gì?
Mục tiêu điều trị tăng huyết áp từ phía bác sĩ là đạt trị số huyết áp mục tiêu và kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch.
Đối với người bệnh, chất lượng cuộc sống có thể bị ảnh hưởng; nếu quá trình điều trị gây ra thay đổi đáng kể trong thời gian ngắn ngủi. Lúc này kỳ vọng của người bệnh cần được xác định để dung hoà với mục tiêu điều trị.
Những điều cần được hỗ trợ là gì?
Sự hỗ trợ có thể rất đa dạng. Ví dụ như đưa đi khám bệnh, theo dõi huyết áp tại nhà, nhắc nhở uống thuốc hoặc chế biến thức ăn phù hợp.
Cung cấp sự hỗ trợ về tình cảm và tinh thần
Bạn cần giữ tâm thái tích cực khi trao đổi với người thân. Chính tinh thần lạc quan này sẽ giúp người thân của bạn ổn định và chấp nhận việc điều trị.
Tăng huyết áp (cao huyết áp) là một cuộc chạy marathon đường dài; cần sự bền bỉ và kiên trì hơn là chạy nước rút để đến đích.
Trong cuộc chạy này, có thể có chướng ngại vật nhưng hoàn toàn có thể vượt qua. Với sự hỗ trợ tích cực từ những “cổ động viên” nhiệt thành trong gia đình.
Đừng quên chăm sóc cho bản thân bạn vì trong quá trình đồng hành với người thân tăng huyết áp. Sẽ có lúc bạn cảm thấy căng thẳng, lo lắng, buồn bã và thậm chí thất vọng.
Do vậy, bạn cần tự động viên rằng bản thân cần khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần để có thể chăm sóc những người yêu thương của mình.
Đồng hành trong quá trình kiểm soát huyết áp
Những hành động cụ thể và thiết thực sau đây sẽ rất có ích để giúp người thân của bạn đạt được hiệu quả cao trong điều trị tăng huyết áp (bệnh cao huyết áp).
Hình thành thói quen dùng thuốc đều đặn
- Ghi chú lại thời gian tái khám để tái khám và nhận thuốc đúng hạn.
- Đọc kỹ toa thuốc và phân thuốc thành những phần riêng biệt, ghi rõ thời gian theo hướng dẫn trong toa để tạo thuận lợi cho người thân bạn uống thuốc.
- Sử dụng ứng dụng nhắc giờ của điện thoại thông minh (smartphone) là cách rất thuận tiện để đảm bảo uống thuốc đúng cữ.
- Xây dựng thói quen theo dõi huyết áp
- Thực hiện thành thục cách đo huyết áp.
- Xác định một (hoặc một vài) thời điểm cụ thể trong ngày theo hướng dẫn của bác sĩ để đo huyết áp.
- Ghi chú lại về trị số huyết áp và mạch của các lần đo để cung cấp cho bác sĩ trong lần khám tiếp theo. Những thông tin này rất có giá trị để giúp bác sĩ điều chỉnh thuốc hạ áp và có lời khuyên phù hợp.
- Khuyến khích người thân tự đo huyết áp và cung cấp sự hỗ trợ khi cần.

Giúp điều chỉnh chế độ ăn phù hợp
- Cùng đi chợ/siêu thị với người thân. Lưu ý chọn thêm trái cây tươi, rau xanh và các loại hạt. Tránh các thức ăn chế biến sẵn hoặc đóng hộp nhất là những loại có nhiều muối, cholesterol và mỡ bão hoà.
- Chế biến thức ăn phù hợp với người tăng huyết áp đặc biệt tránh nêm quá nhiều muối. Sử dụng các loại gia vị cùng với các loại rau thơm sẽ giúp cải thiện vị giác.
- Cùng quây quần bên bữa ăn gia đình sẽ giúp cho tình cảm ngày thêm sâu sắc. Nếu người thân của bạn hoặc ngay cả bản thân bạn cảm thấy khó ăn nhạt thì hãy kiên trì. Vì cảm giác “nhạt nhẽo” sẽ giảm dần sau một vài tuần. Bù lại, sức khoẻ của toàn thể gia đình sẽ được cải thiện thêm rất nhiều.
Hỗ trợ ngưng thuốc lá
- Cùng với người thân của bạn tìm ra những lý do cần phải ngưng hút thuốc lá. Một cụ ông lớn tuổi có thể biết nhưng không quan tâm đến tác hại của khói thuốc lên bản thân. Nhưng sẵn sàng bỏ thuốc; nếu biết rằng cháu ngoại sắp sinh của mình có thể bị ảnh hưởng.
- Tìm hiểu về những lần bỏ thuốc trước đó để cùng vượt qua các khó khăn. Ví dụ, tâm trạng buồn phiền khi cảm thấy cô đơn sẽ khiến họ quay lại với thuốc lá.
- Liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi cần hỗ trợ về cai thuốc lá.

Tạo thói quen vận động thể lực
- Lên lịch trình tập thể dục cùng với người thân. Khởi đầu nên là các bài tập đơn giản, dễ thực hiện.
- Duy trì sự đều đặn bằng nhật ký tập thể dục. Trong đó bao gồm thời gian thực hiện và mức độ hoàn thành.
- Tăng dần thời gian và cường độ bài tập để đạt đến yêu cầu của bác sĩ.
Tăng cường mối liên hệ với nhân viên y tế
- Giữ liên lạc với nhân viên y tế để có sự tư vấn khi cần thiết.
- Chủ động trình bày các khó khăn trong quá trình chăm sóc người thân. Cùng với bác sĩ tìm ra giải pháp phù hợp.
- Một số người bệnh có sự e dè và rụt rè khi gặp bác sĩ. Bạn cần chú ý đến những nguyện vọng sâu kín của người thân để kịp thời cho bác sĩ biết.
Kết luận
Gia đình là một mắt xích không thể thiếu trong điều trị tăng huyết áp (bệnh cao huyết áp). Sự quan tâm và chăm sóc chu đáo sẽ giúp hình thành cũng như duy trì cảm xúc và hành vi tích cực vốn rất quan trọng để đạt mục tiêu điều trị.
Bạn và các thành viên khác trong gia đình hoàn toàn có thể mang đến cho người thân có tăng huyết áp sự yên tâm, tin tưởng và an toàn trong cuộc hành trình kiểm soát huyết áp.
Tài liệu tham khảo
Family member-based supervision of patients with hypertension: a cluster randomized trial in rural China. J Hum Hypertens.
Blood pressure control and perceived family support in patients with essential hypertension seen at a primary care clinic in WN.
Changes You Can Make to Manage High Blood Pressure. American Heart Association.
High Blood Pressure: The Role of the Family. National Kidney Foundation.
Vai trò thay đổi lối sống trong hạn chế nguy cơ tim mạch. Dự án phòng, chống bệnh tim mạch – Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế.