Tăng Huyết Áp Ở Người Cao Tuổi Và Những Biện Pháp Phòng Ngừa Tăng Huyết Áp
Theo quy định của Liên hợp quốc, người cao tuổi là người từ 60 tuổi trở lên. Người cao tuổi thường có những thay đổi lớn về mặt sinh lý : suy giảm miễn dịch , giảm các hormone nội tiết, rối loạn chức năng tuyến giáp, rối loạn chức năng tuyến tụy nội tiết, trọng lượng và thể tích não giảm dần theo sự tăng lên của tuổi tác. [1]
>> Cách kiểm soát Tăng Huyết Áp (Cao Huyết Áp) trong mùa hè
>> Hãy Đo Huyết Áp 6 Tháng/Lần – Thông Điệp Của Tháng Tăng Huyết Áp
Khả năng co bóp của tim giảm, nhịp co bóp của tim chậm lại, nhu mô phổi trở nên kém đàn hồi, giảm khối cơ, mất tổ chức xương…
Khiến người cao tuổi tăng khả năng mắc các bệnh như bệnh lý tự miễn ( Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp..), lãnh cảm, sa sút trí tuệ, rối loạn nhịp tim, vữa xơ động mạch, tăng huyết áp (cao huyết áp), đái tháo đường (tiểu đường), thoái hóa xương khớp, loãng xương, viêm phế quản mạn tính, hen phế quản…[2],[3]
Biến chứng và hậu quả của bệnh tăng huyết áp (bệnh cao huyết áp)
Trong đó, tăng huyết áp (cao huyết áp) là bệnh lý khá phổ biến ở người cao tuổi. Do sự lão hóa, động mạch trở nên xơ cứng và ít mềm dẻo, tình trạng vữa xơ động mạch làm tăng sức cản ngoại biên, vì vậy người cao tuổi thường có biểu hiện tăng huyết áp tâm trương. [4]
Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính, có thể gây ra các biến chứng ở nhiều cơ quan như não, thận, mắt, tim mạch. Có hai loại tăng huyết áp, bao gồm nguyên phát và thứ phát.
Loại nguyên phát chiếm khoảng 90%, gặp hầu hết ở lứa tuổi trung niên và tuổi già do những thay đổi cơ chế gây co hoặc giãn mạch. Tăng huyết áp thứ phát thường gặp ở người trẻ và trẻ em do các bệnh ở thận, nội tiết…[5]
Ở người cao tuổi, hẹp tắc động mạch thận là nguyên nhân chủ yếu gây tăng huyết áp thứ phát.[5]
Tăng huyết áp (cao huyết áp) là yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não. Đây là các biến chứng hay gặp và có tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề như sống thực vật, thất ngôn, liệt nửa người,…Làm mất khả năng lao động, thậm chí cần được chăm sóc và phục vụ lâu dài. tăng huyết áp còn gây các biến chứng như suy tim, bệnh mạch máu ngoại vi, suy thận, xuất huyết võng mạc…[5]
Người cao tuổi bị tăng huyết áp cần được khám và tư vấn của Bác sĩ chuyên khoa tim mạch về việc thay đổi lối sống và điều trị bằng thuốc hạ huyết áp. Bắt đầu can thiệp điều trị càng sớm, chất lượng cuộc sống sẽ càng tăng.
Các biện pháp phòng tránh bệnh tăng huyết áp
Kiểm soát huyết áp tốt sẽ giúp người cao tuổi có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ các biến cố nghiêm trọng như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, suy tim…
Các biện pháp dưới đây có thể giúp bạn và người thân có thể sớm phòng ngừa căn bệnh mạn tính này:
Bỏ thuốc lá:
Hút thuốc lá làm giảm hoạt động của hệ tim mạch, làm giảm lượng Cholesterol tốt có trong máu, gia tăng nguy cơ gây đông máu và có thể làm lu mờ triệu chứng của đau thắt ngực, khiến người bệnh không có được sự cảnh báo kịp thời. [6]
Nhịp tim của người hút thuốc lá tăng cao hơn so với người không hút thuốc khoảng 25 nhịp/ phút…. Do vậy không hút thuốc lá là biện pháp quan trọng để phòng bệnh tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác.
Chế độ ăn giảm muối :
Muối có thể gây tăng huyết áp (cao huyết áp) khi lượng muối có trong cơ thể nhiều hơn sơ với lượng muối mà cơ thể cần, vì muối có tác dụng giữ nước, gây tăng huyết áp.
Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên.
Đặc biệt những ai thường có thói quen ăn mặn, do vậy họ cần phải tập luyện chế độ ăn giảm muối, tốt nhất khoảng dưới 6g muối/ngày.
Duy trì cân nặng hợp lý :
Nếu tăng 5-10kg trọng lượng cơ thể so với cân nặng chuẩn (lúc 18 tuổi) sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ xuất hiện tăng huyết áp.. Nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ cao tuổi, sau mãn kinh.
Tốt nhất phải duy trì chỉ số khối cơ thể ( BMI ) lý tưởng ở người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng là khoảng 22kg/ m² , BMI được tính bằng trọng lượng cơ thể (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét) .
Với người thừa cân hoặc béo phì ( BMI ≥ 25 kg/ m²) , cứ giảm 10kg cân nặng sẽ làm giảm 5-10mmHg mức huyết áp tâm thu.[7]
Rèn luyện thân thể:
Lợi ích của việc tập thể dục là rất rõ ràng với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Một hình thức đơn giản như đi bộ nhanh khoảng 30 phút mỗi ngày cũng đủ giảm mạnh nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp (bệnh cao huyết áp), bệnh tim mạch khác, đái tháo đường và nhiều loại ung thư.
Ngoài ra có các môn thể thao như chạy bộ, bơi lội, đạp xe đạp, cầu lông… Lưu ý thời gian tập ít nhất là 30 phút/ ngày và một tuần tập ít nhất 5 ngày.
Nên ăn 3 bữa một ngày:
Tuân thủ chế độ ăn nhiều rau củ quả tươi, ngũ cốc thô, giảm các loại đồ ngọt và mỡ động vật. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như: đậu xanh, quả mọng , đậu hạt các loại, măng,…
Hàng ngày nên ăn khoảng 55-85g các chế phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua,…Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như: hạt vừng, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân,….
Acid béo omega-3 trong cá và các loại hạt có tác dụng làm hạ cholesterol xấu, tăng lượng cholesterol tốt và giảm nguy cơ máu đông.
Uống rượu vừa phải :
Một số nghiên cứu cho thấy, nếu dùng thường xuyên một lượng rượu nhỏ sẽ có tác dụng làm giảm các nguyên nhân gây tử vong nói chung và do tim mạch nói riêng.
Có nhiều bằng chứng cho thấy, có mối tương quan chặt chẽ giữa uống rượu và tỷ lệ bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng. Uống nhiều rượu là một nhân tố quan trọng góp phần làm tăng huyết áp từ nhẹ đến vừa.
Nghiện rượu nặng mạn tính có thể gây bệnh cơ tim với những triệu chứng như loạn nhịp tim, giãn các buồng tim, giảm sức co bóp của cơ tim và cuối cùng là suy tim.
Uống rượu với mức độ vừa phải có thể làm giảm huyết áp từ 2 – 4mmHg. Nam giới mỗi ngày không uống quá 2 ly nhỏ, tương đương 30ml ethanol. Đối với phụ nữ và người nhẹ cân, lượng rượu nên uống chỉ bằng một nửa nam giới.
Về việc sử dụng thuốc hạ huyết áp, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, không được tự ý bỏ thuốc, thay đổi thuốc điều trị khi thấy chỉ số huyết áp đã về bình thường.
Kiểm soát huyết áp tốt không chỉ giúp người cao tuổi sống lâu hơn, sống khỏe hơn mà còn giúp nâng cao chất lượng sống tốt hơn nữa !
Nguồn tham khảo:
- Yamada, S., Otani, T., Ii, S. et al. Aging-related volume changes in the brain and cerebrospinal fluid using artificial intelligence-automated segmentation. Eur Radiol 33, 7099–7112 (2023). https://doi.org/10.1007/s00330-023-09632-x
- Taylor, E. B., Wolf, V. L., Dent, E., & Ryan, M. J. (2019). Mechanisms of hypertension in autoimmune rheumatic diseases. British journal of pharmacology, 176(12), 1897–1913. https://doi.org/10.1111/bph.14604
- World Health Organization (2022), Ageing and health, Ageing and health, accessed 10/10/2023
- Frank D. Brodkey, David C. Dugdale (2022), Aging changes in the heart and blood vessels, Aging changes in the heart and blood vessels, accessed 10/10/2023
- Sharana Hegde; Intisar Ahmed; Narothama R. Aeddula (2023), Secondary Hypertension, Secondary Hypertension, accessed 10/10/2023
- Action on smoking and health (2021), Smoking, the heart and circulation, Smoking, the heart and circulation, accessed 10/10/2023
- Elizabeth Morris, Susan A Jebb, Jason Oke, Alecia Nickless, Amy Ahern, Emma Boyland, Ian D Caterson, Jason Halford, Hans Hauner and Paul Aveyard British Journal ofGeneralPractice 2021; 71 (705): e312e319. DOI: https://doi.org/10.3399/bjgp20X714113
SERV-NDT-17-10-2023(4)