Hãy Đo Huyết Áp 6 Tháng/Lần – Thông Điệp Của Tháng Tăng Huyết Áp
Bệnh tăng huyết áp (cao huyết áp) là một bệnh lý rất phổ biến khi mà sự tăng cao áp lực của máu lên thành động mạch trong khoảng thời gian kéo dài, dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng về sức khỏe như đột quỵ, suy tim và đôi khi là tử vong.
>> Cách kiểm soát Tăng Huyết Áp (Cao Huyết Áp) trong mùa đông
>> Tăng Huyết Áp Ở Người Cao Tuổi Và Những Biện Pháp Phòng Ngừa Tăng Huyết Áp
Tăng Huyết Áp– Căn Bệnh Đe Dọa Sức Khỏe Và Tính Mạng
Theo ước tính của tổ chức y tế thế giới (WHO) có khoảng 1,13 tỷ người trên thế giới mắc bệnh tăng huyết áp và thậm chí con số đó còn nhiều hơn nếu tính cả những người bị tăng huyết áp (cao huyết áp) nhưng chưa được chẩn đoán, ít hơn 20% trong số đó được kiểm soát huyết áp đúng cách.
Tăng huyết áp (Cao huyết áp) là yếu tố thúc đẩy chính dẫn đến bệnh lý về tim và đột quỵ – Những thủ phạm gây ra cái chết đứng thứ nhất và thứ ba trên thế giới.
Cùng với những bệnh lý khác như đái tháo đường, rối loạn lipid máu… tăng huyết áp đang là những kẻ giết người thầm lặng khi chúng có thể diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài, có khi lên đến nhiều năm mà không hề có bất cứ một biểu hiện hay triệu chứng cảnh báo nào.
Và ngay cả khi không có triệu chứng, tăng huyết áp (cao huyết áp) vẫn liên tục gây ra những tổn thương lên hệ thống tim mạch của cơ thể.
Vì vậy việc được chẩn đoán và điều trị sớm, đúng cách bệnh tăng huyết áp (bệnh cao huyết áp) giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ tử vong gây ra bởi những bệnh lý tim mạch.
Rất may mắn là việc chẩn đoán tăng huyết áp thường không gặp nhiều khó khăn và khi biết mình bị tăng huyết áp thì bạn luôn có thể lên kế hoạch cùng với bác sĩ của mình để kiểm soát nó.
Huyết áp được viết bằng hai con số, số đầu tiên là huyết áp tâm thu biểu thị áp lực trong lòng mạch máu khi tim co bóp , số thứ hai là huyết áp tâm trương biểu thị áp lực trong lòng mạch máu khi tim không co.
Theo khuyến cáo của hội tim mạch học châu Âu và hội tim mạch học Việt Nam, Bác sĩ sẽ chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu tăng trên 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương tăng trên 90 mmHg trong cả hai lần đo tại hai thời điểm khác nhau, trong điều kiện nghỉ ngơi hoàn toàn, trước đó không dùng rượu bia và các chất kích thích.
Huyết áp của cơ thể có thể tăng cao trong một thời gian ngắn khi cơ thể đáp ứng với những kích thích từ môi trường như stress, lạnh, dùng chất kích thích hoặc khi vận động mạnh, đó là đáp ứng sinh lý của cơ thể chứ không phải tăng huyết áp bệnh lý.
Nguyên Nhân Gây Ra Tăng Huyết Áp
Tăng huyết áp cũng được chia thành 2 nhóm chính: Tăng huyết áp thứ phát (có nguyên nhân) và tăng huyết áp tiên phát (vô căn).
Trong đó nhóm tăng huyết áp vô căn chiếm chủ yếu, đến 90% những bệnh nhân tăng huyết áp và thường âm thầm tiến triển trong một thời gian dài đến khi được phát hiện.
Với nhóm tăng huyết áp thứ phát, nguyên nhân thường là:
- Các bệnh lý về thận: viêm cầu thận cấp và mạn, hẹp động mạch thận, …
- Các bệnh nội tiết: U tủy thượng thận, hội chứng Cushing, cường Aldosteron, cường giáp, …
- Các bệnh lý tim mạch: hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ, …
- Do thuốc: thuốc tránh thai, một số thuốc cường giao cảm, các chất gây nghiện như cocain, amphetamines
- Nguyên nhân khác: ngộ độc thai nghén
Tăng huyết áp (cao huyết áp) cũng hay gặp hơn ở một số nhóm người dựa trên tuổi tác, giới tính, chế độ sinh hoạt ăn uống hàng ngày.
- Tuổi: Trước đây tăng huyết áp thường gặp ở nhóm những người cao tuổi (trên 60 tuổi) do sự lão hóa thành mạch máu cùng sự hình thành những mảng xơ vữa trong lòng mạch, tuy nhiên ngày nay càng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc tăng huyết áp.
- Giới: Trước 65 tuổi nam hay gặp hơn nữ, sau khi mãn kinh thì tỷ lệ nam nữ ngang nhau.
- Tiền sử gia đình: Những người có người thân trong gia đình mắc bệnh tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác sẽ có nguy cơ bị tăng huyết áp hơn.
- Chế độ sinh hoạt, ăn uống: Những người thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực, sử dụng rượu bia thuốc lá nhiều thường xuyên, ăn mặn hoặc bị stress nhiều sẽ dễ dàng mắc tăng huyết áp hơn những người khác.
- Bị các bệnh khác như suy thận mạn, suy tim , đái tháo đường, … cũng tăng nguy cơ bị tăng huyết áp
Hãy Đo Huyết Áp 6 Tháng/Lần – Thông Điệp Của Tháng Tăng Huyết Áp
Việc nhận biết tăng huyết áp (cao huyết áp) dựa vào triệu chứng thường gặp khó khăn vì đa số các trường hợp tăng huyết áp (cao huyết áp) không có triệu chứng bộc lộ ra bên ngoài, vì thế việc kiểm tra huyết áp định kỳ là một việc làm cần thiết.
Trong một số những trường hợp nặng, tăng huyết áp có thể gây ra vã mồ hôi, đau đầu, lo lắng, nhìn mờ, mất ngủ, cảm giác nóng bừng trên mặt hoặc chảy máu mũi.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn khi huyết áp tăng cao trên 180/120 mmHg, có thể có đi kèm những triệu chứng của tổn thương cơ quan đích như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận cấp, xuất huyết nội nhãn và phù gai thị mắt…
Những trường hợp đó cần được đưa đến bệnh viện ngay và xử trí cấp cứu.
Tăng huyết áp là căn bệnh nguy hiểm với nhiều những biến chứng khôn lường. Vì vậy việc đo huyết áp 6 tháng/lần đều đặn để phát hiện sớm và điều trị kịp thời là con đường duy nhất để có một cuộc sống tương lai vui hơn, khỏe hơn.
Đó cũng là thông điệp mà tháng phòng chống tăng huyết áp mong muốn gửi gắm đến tất cả mọi người.