Cách kiểm soát Tăng Huyết Áp (Cao Huyết Áp) trong mùa đông
Chúng ta đã biết thời tiết mùa hè ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào ở phần 1. Trong phần 2 chúng ta tiếp tục đi tìm những tác động của thời tiết mùa đông đối với người tăng huyết áp.
>> Cách kiểm soát Tăng Huyết Áp (Cao Huyết Áp) trong mùa hè
>> Cách kiểm soát Tăng huyết áp (Cao huyết áp) trong các kỳ nghỉ lễ
Vì sao thời tiết của mùa đông ảnh hưởng đến huyết áp?
Vào mùa thu đông, nhiệt độ xuống thấp, cơ thể sẽ tăng sản xuất năng lượng, các lỗ chân lông sẽ khép kín, tuyến thượng thận tiết nhiều nội tiết tố, làm tăng nhịp tim, để tăng lưu lượng máu tuần hoàn đến ngoại vi, sức cản ngoại vi tăng cao, dẫn đến huyết áp tăng cao.
Thời tiết lạnh cũng kích thích cơ thể, dẫn đến tê liệt các mạch máu, đặc biệt là sự co mạch ở các mạch máu não, dẫn đến xuất huyết não, theo thống kê hằng năm có 2/3 ca tai biến mạch não phát sinh vào mùa lạnh.
Bệnh nhân bị tăng huyết áp thường phát bệnh nặng vào các tháng 1,2 và giảm nhẹ ở tháng 8,9.
Trong y học cổ truyền đặc biệt chú ý các tiết xuân phân, thu phân, hạ chí và đông chí là những lúc thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn dẫn đến nguy cơ xuất hiện các cơn tăng huyết áp khó kiểm soát, dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch (như tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim).
Các biện pháp giữ huyết áp ổn định trong mùa đông
Cần phải chú ý nhắc nhở bệnh nhân và người giám hộ những biện pháp ổn định huyết áp trong mùa thu đông tránh xảy ra những trường hợp tăng huyết áp gây biến chứng nặng nề:
Cải thiện nhiệt độ trong phòng
Giữ nhiệt độ phòng ở mức thích hợp. Đặc biệt sau khi thức dậy không được rời khỏi giường ngay, nên hoạt động nhẹ nhàng tại giường sau đó mới dậy hẳn để tránh co mạch đột ngột.
Chú ý giữ ấm và đề phòng cảm cúm
Khi nhiệt độ giảm sâu, đối với những bệnh nhân tăng huyết áp cao tuổi có nhiều bệnh lý kèm theo cần tránh ra ngoài trời khi nhiệt độ quá thấp.
Chú ý đề phòng cảm cúm, các bệnh về hô hấp làm bùng phát cơn tăng huyết áp.
Kiểm tra huyết thường xuyên
Khi phát hiện huyết áp tăng cao cần kịp thời đến cơ sở y tế.
Duy trì chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống giàu vitamin, chất xơ, hạn chế dầu mỡ, hạn chế muối.
Thể dục thể thao nhẹ nhàng
Duy trì hoạt động thể lực nhẹ nhàng, chú ý chọn các bài tập trong nhà, hoặc tập luyện vào lúc có nắng ấm, và có sự quan sát của người giám hộ.
Triệu chứng dẫn đến tăng huyết áp ác tính trong mùa đông
Thời tiết giao mùa cũng là lúc ảnh hưởng đến bệnh tăng huyết áp, do gặp phải sự thay đổi nhiệt độ thất thường, lúc nóng lúc lạnh, làm huyết áp của bệnh nhân lúc cao lúc thấp, gây ra các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt chóng mặt, ù tai, hồi hộp trống ngực…
Nếu không chú ý điều chỉnh, hạn chế sự biến thiên đột ngột của huyết áp sẽ dễ gây ra tai biến mạch não hoặc nhồi máu cơ tim…
Do đó, trong giai đoạn giao mùa, cần nắm bắt những triệu chứng ban đầu của cơn tăng huyết áp (cao huyết áp), kịp thời kiểm soát huyết áp, phòng ngừa những biến chứng nặng nề.
Các triệu chứng gợi ý đến tăng huyết áp ác tính, bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý như:
- Đau đầu: đau nhiều có cảm giác căng tức, kèm theo buồn nôn, nôn ra thức ăn.
- Hoa mắt chóng mặt: triệu chứng thường thấy ở nữ giới, có thể xảy ra khi thay đổi tư thế đột ngột.
- Ù tai: ù tai hai bên, triệu chứng kéo dài.
- Hồi hộp trống ngực: người bệnh tăng huyết áp thường dẫn đến phì đại cơ tim, bệnh mạch vành, suy tim, làm xuất hiện các triệu chứng như hồi hộp trống ngực, tức ngực, khó thở…
Có thể thấy khí hậu và tăng huyết áp (cao huyết áp) có mối quan hệ mật thiết, bệnh tăng huyết áp (bệnh cao huyết áp) sẽ giảm nhẹ vào mùa hè và nặng lên vào mùa đông, biến động nhiệt độ bên ngoài sẽ tác động trực tiếp đến cơ thể con người.
Để thích nghi với nhiệt độ môi trường, cơ thể chúng ta sẽ thông qua hệ thần kinh trung ương, các tuyến nội tiết, hệ tuần hoàn, cũng như điều tiết của lỗ chân lông để cân bằng nhiệt độ của cơ thể… điều này cũng ảnh hưởng đến huyết áp.
Vì vậy, với bệnh nhân cần chú ý duy trì những chế độ sinh hoạt lành mạnh, vận động thường xuyên, ăn uống phù hợp nhằm ổn định huyết áp, giảm các biến chứng đáng tiếc.