Những câu chuyện của bệnh nhân tăng huyết áp
“Bác sĩ à, huyết áp tôi cao quá!”
Đây là một trong những than phiền thường gặp trong những ngày qua mà tôi nhận được qua điện thoại. Nhiều bệnh nhân gọi điện lo lắng vì chỉ số huyết áp cao hơn so với hằng ngày.
>> Một số thực đơn gợi ý cho mùa dịch (phần 1)
Hỏi ra mới biết đằng sau nó là những lo toan, những cung bậc cảm xúc của người Tăng huyết áp trong những ngày dịch bệnh.
Ngày 7/4/2020: Những ngày đầu sau cách ly
Một số tâm sự của bệnh nhân tăng huyết áp
Cô X., 59 tuổi, quê ở Tiền Giang, thường tái khám trên TPHCM, nhưng do hạn chế di chuyển nên tự mua thêm 1 tháng thuốc ở nhà.
Cô nói mấy bữa nay ở nhà coi tivi báo chí, nghe nói người bệnh nặng thường là có tiền sử bệnh tim mạch và cao tuổi, nên mỗi ngày đem máy huyết áp ra đo 4 lần, sáng trưa chiều tối.
Đo xong giật mình thấy huyết áp lên xuống thất thường, lúc thì 120/80 mmhg, lúc 140/80 mmHg, lúc lên 150/90 mmHg. Càng lo lắng, cô X lại càng đo nhiều lần, huyết áp thì cứ cao mà trong khi cô vẫn thấy khoẻ.
Cuối cùng, cô quyết định gọi điện thoại lên tôi. Tôi giải thích cho cô rằng thật ra huyết áp là một con số rất dao động, sẽ tăng lên khi lo lắng hay gắng sức, giảm đi khi ngủ nghỉ.
Hơn nữa trước khi đo không được uống cà-phê, phải ngồi nghỉ ít nhất 5 phút, và đo đúng kĩ thuật thì kết quả mới chính xác.
Tôi tư vấn cho cô về cách đo huyết áp và dặn cô ăn đừng nêm chấm, nhiều rau quả, đo huyết áp chỉ cần 1 lần/ngày như sáng sau khi ngủ dậy, và có thể đo thêm nếu thấy có triệu chứng như đau đầu.
Mấy hôm sau cô gọi lại, cười vui, vì “Bác sĩ hay quá, huyết áp tôi ổn rồi. Hết dịch tôi sẽ đem xoài nhà trồng lên cho Bác sĩ nha”.
Ấm lòng ngày cuối tuần!
Một mảng đời khác…
Cô N., 67 tuổi, nhà ở TPHCM, gia cảnh khó khăn
Mùa dịch này cô và gia đình phải lo toan đủ thứ, từ điện nước, thu nhập đến bữa ăn mỗi ngày. Cô vừa trông 2 đứa cháu, vừa phụ con dâu nấu ăn đem giao hàng.
Cô đã bị huyết áp và đái tháo đường nhiều năm, nhưng từ hơn tuần nay mới thấy đau đầu.
Lúc đầu chỉ bị thoáng qua, cô ráng ngồi nghỉ cho qua, nhưng chiều nay cơn đau đầu kéo dài hơn và kèm chóng mặt, hai người con lo quá đưa cô đi khám ở trạm y tế gần nhà, đo huyết áp lên 180/90 mmHg.
Sáng hôm sau cô gọi, vì đã khám tôi nhiều năm. Hỏi ra mới biết cô tự giảm liều để đủ thuốc trong mấy ngày dịch, ngại trong nhà khó khăn, sợ hai đứa con thêm một tầng lo lắng, trong khi cuộc sống đã quá vất vả rồi.
Tôi khuyên cô phải uống đúng và đủ liều để tránh các biến chứng, cô khoẻ nhà mới yên vui và xin nói chuyện điện thoại với người con, để các anh chị trong nhà hiểu được cô, hướng dẫn theo dõi huyết áp, theo dõi cách uống thuốc và giải thích cách lãnh thuốc Bảo hiểm Y tế cho người bệnh mạn tính.
Thật ra trong quá trình chăm sóc, không chỉ là mối quan hệ bệnh nhân và bác sĩ, mà sự hợp tác và hiểu biết của người nhà rất quan trọng.
Cô gọi điện báo thấy khoẻ hơn, đã lãnh được thuốc Bảo hiểm Y tế 2 tháng và hiện huyết áp ổn định.
Một cảm giác nhẹ nhàng khi làm được điều nho nhỏ cho bệnh nhân.
Những câu chuyện của bệnh nhân nói nữa thì không bao giờ hết. Mỗi người đều có một mảnh đời với nỗi niềm riêng. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn là, các bạn không cô độc, không chỉ là lực lượng y tế mà gia đình vẫn luôn ở bên cạnh các bạn.
Mong các bạn đều mạnh khoẻ, bình an vượt qua dịch bệnh này.