Tăng Huyết Áp – Mối đe dọa sức khỏe cộng đồng

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh mạn tính hết sức nguy hiểm vì tỉ lệ mắc bệnh cao, không có triệu chứng rõ rệt và kèm theo là các nguy cơ bệnh lý tim mạch, bệnh lý thận và các bệnh lý khác [1], [2],[3].

>> Cập nhật chẩn đoán Tăng Huyết Áp (Cao Huyết Áp) 

>> Dinh Dưỡng Cho Bệnh Nhân Tăng Huyết Áp (Cao Huyết Áp)

Khái niệm về bệnh Tăng Huyết Áp

Tăng huyết áp được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 90 mmHg hoặc khi đang được điều trị bằng một thuốc hạ huyết áp.

Ngưỡng huyết áp 140/90 mmHg được sử dụng chẩn đoán tăng huyết áp từ nhiều năm nay.

Tháng 11 năm 2017, Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (ACC/AHA) đã đưa ra khuyến cáo mới về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp, trong đó ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp mới là 130/80 mmHg [4].

Mới đây nhất, tháng 8 năm 2018, hội Tim mạch châu Âu (ESC/ESH) đã đưa ra cập nhật khuyến cáo mớivề tăng huyết áp, trong đó vẫn giữ ngưỡng 140/90 mmHg để chẩn đoán tăng huyết áp [5].

Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam và Hội Tim mạch học Việt Nam vẫn sử dụng ngưỡng chẩn đoán 140/90 mmHg để chẩn đoán tăng huyết áp.

Tăng Huyết Áp - Mối đe dọa sức khỏe cộng đồng

Xu hướng phát triển bệnh Tăng Huyết Áp trên thế giới

Số lượng người mắc tăng huyết áp trên toàn thế giới đã tăng từ 600 triệu người năm 1980 lên 1,13 tỷ người năm 2015 [6]. Năm 2008, toàn thế giới có khoảng 40% người trưởng thành từ 25 tuổi trở lên mắc tăng huyết áp [7].

Đến năm 2015, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tỷ lệ mắc tăng huyết áp trên toàn cầu ở người trưởng thành từ 30 đến 45% [8].

Tỷ lệ tăng huyết áp ở mức cao này là nhất quán trên toàn thế giới, không phân biệt về tình trạng thu nhập, tức là ở các nước thu nhập thấp, trung bình và cao.

Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ người trưởng thành bị tăng huyết áp chiếm 40%. Với các nước có thu nhập cao, tỷ lệ này có thấp hơn một ít, chiếm khoảng 35% dân số [9].

Mối liên hệ giữa tuổi thọ và bệnh Tăng Huyết Áp

Ở những người trên 60 tuổi, tỷ lệ tăng huyết áp lên đến hơn 60% [10]. Khi tuổi thọ con người ngày càng được kéo dài nhưng đi kèm theo đó là lối sống ít vận động, tỷ lệ béo phì và thừa cân ngày càng tăng.

Thì tỷ lệ tăng huyết áp sẽ tiếp tục tăng, ước tính số lượng người tăng huyết áp sẽ đạt 1,5 tỷ người trên toàn cầu vào năm 2025 [3].

Số lượng người bị tăng huyết áp ngày càng gia tăng, tuy nhiên không phải tất cả các bệnh nhân tăng huyết áp đều được chẩn đoán và điều trị đạt được huyết áp mục tiêu.

Nghiên cứu tại Canada từ năm 2012 đến năm 2015, trong số những người trưởng thành tuổi từ 20 đến 79 tuổi bị tăng huyết áp, tỷ lệ không được chẩn đoán bệnh vẫn chiếm 18% và tỷ lệ không được điều trị hoặc điều trị không đạt huyết áp mục tiêu cũng chiếm tỷ lệ 18% [11].

Tại Hoa Kỳ là một nước có nền khoa học, kinh tế và y tế rất phát triển, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị và kiểm soát đạt huyết áp mục tiêu chỉ chiếm 48,3%, tức là chưa vượt quá được một nửa số người tăng huyết áp [12].

Tăng Huyết Áp - Mối đe dọa sức khỏe cộng đồng 1

Xu hướng Tăng Huyết Áp tại Việt Nam

Nghiên cứu dịch tễ tăng huyết áp tại 8 tỉnh thành trên cả nước của Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Việt và cộng sự năm 2008 cho kết quả tỷ lệ tăng huyết áp của người trưởng thành từ 25 tuổi trở lên ở nước ta là 25,1%.

Như vậy trung bình cứ 4 người trưởng thành nước ta có một người tăng huyết áp [13].

Đến năm 2016, tại hội nghị Tăng huyết áp Việt Nam lần thứ II tổ chức tại Hà Nội, GS. TS. Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam đã công bố kết quả điều tra mới nhất về tăng huyết áp trên toàn quốc.

Theo đó, tỷ lệ tăng huyết áp của người Việt Nam tiếp tục có xu hướng tăng lên và độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Thống kê của Hội Tim mạch học Việt Nam năm 2015, nước ta có 20,8 triệu người trưởng thành bị tăng huyết áp, chiếm tỷ lệ 47,3%. Đặc biệt, trong những người bị tăng huyết áp, có:

  • 39,1% (8,1 triệu người) không được phát hiện bị tăng huyết áp;
  • 7,2% (0,9 triệu người) bị tăng huyết áp không được điều trị;
  • 69,0% (8,1 triệu người) bị tăng huyết áp chưa kiểm soát được [14].

Tóm lại

Cần nhớ rằng:

  • Tăng huyết áp là căn bệnh thầm lặng, không có triệu chứng rõ rệt
  • Nếu huyết áp của bạn trên mức 140/90 mmHg thì bạn cần đi tầm soát Tăng huyết áp ngay
  • Trung bình cứ 4 người trưởng thành nước ta có một người tăng huyết áp mà chưa biết

Do vậy, bạn và gia đình nên chủ động kiểm tra huyết áp ít nhất 2 lần/năm.

Website Ngaydautien.vn là CỔNG THÔNG TIN VỀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ TĂNG HUYẾT ÁP. Được bảo trợ bởi Hội Tim mạch học Việt Nam cũng như Hội Nội Tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam

Hãy thường xuyên theo dõi để biết thêm thông tin bạn nhé!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

He J, Whelton PK. (1997). Epidemiology and prevention of hypertension. Medical Clinics of North America. 81, 1077–1097.

Whelton PK. (1994). Epidemiology of hypertension. The Lancet. 344, 101–106.

Kearney PM, Whelton M, Reynolds K, et al. (2005). Global burden of hypertension: analysis of worldwide data. The Lancet. 365, 217-223.

Paul K. Whelton, Robert M. Carey, Wilbert S. Aronow, et al (2017). Guideline for the Prevention, Detection, Evaluation, and Management of High Blood Pressure in Adults: A Report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines. Hypertension. 2018; 71: e13–e115.

Bryan Williams, Giuseppe Mancia, Wilko Spiering, et al (2018). ESC/ESH Guidelines for the management of arterial hypertension. European Heart Journal (2018) 00, 1–98.

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hypertension

World Health Organization (2011), Global status report on noncommunicable diseases 2010. Geneva, World Health Organization.

NCD Risk Factor Collaboration. Worldwide trends in blood pressure from 1975 to 2015: a pooled analysis of 1479 population- based measurement studies with million participants. Lancet 2017;389: 37–55.

https://www.who.int/gho/ncd/risk_factors/blood_pressure_prevalence_text/en/

 Chow CK, Teo KK, Rangarajan S, et al. PURE Study Investigators. Prevalence, awareness, treatment, and control of hypertension in rural and urban communities in high, middle, and low-income countries. JAMA 2013; 310: 959–968.

Canadian Health Measures Survey, Cycle 3 (2012 and 2013) and Cycle 4 (2014 and 2015).

 Cheryl D. Fryar, Yechiam Ostchega, Craig M. Hales, et al (2017). Hypertension Prevalence and Control Among Adults: United States, 2015–2016.

 Nguyễn Lân Việt, Phạm Gia Khải, Nguyễn Ngọc Quang và cộng sự. (2012). Prevalence, awareness, treatment and control of hypertension in Vietnam-results from a national survey. Journal of Human Hypertension. 26(4), 268-280.

Nguyễn Lân Việt, Đỗ Doãn Lợi, Huỳnh Văn Minh, et al (2016). Kết quả mới nhất điều tra tăng huyết áp toàn quốc năm 2015 – 2016. Hội nghị Tăng huyết áp Việt Nam lần thứ II.

Các bài viết liên quan
Các kiến thức đọc nhiều
Các kiến thức nổi bật

Có thể bạn quan tâm

Huyết áp bao nhiêu là bình thường và cách kiểm soát huyết áp
Huyết áp bao nhiêu là bình thường? Cùng tìm hiểu về chỉ số huyết áp và những cách kiểm soát huyết áp trong bài viết dưới đây để cải thiện sức khỏe tim mạch và có cuộc sống khỏe mạnh mỗi ngày. 1. Nhịp tim và huyết áp bao nhiêu là bình thường? Nhịp timgreen
Xem thêm
Quy trình và những lưu ý về cách đo huyết áp cho người cao tuổi
Tăng huyết áp là một bệnh lý mãn tính của hệ tim mạch. Người lớn tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh tăng tăng huyết áp nhiều hơn và hiện nay đã trở thành một vấn đề không còn xa lạ. Do đó, việc nắm rõ về quy trình cũng như các lưu ý vềgreen
Xem thêm
Những điều bạn nhất định cần phải biết về chỉ số huyết áp tâm thu
Huyết áp là chỉ số giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ thể. Chỉ số huyết áp được chia thành huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Trong đó huyết áp tâm thu là chỉ số thường được quan tâm nhiều hơn. 1. Huyết áp tâm thu là gì? Khi đogreen
Xem thêm