Nguy cơ tiềm ẩn từ hội chứng tiền tăng huyết áp
Giới y học trên toàn thế giới ngày càng ghi nhận nhiều trường hợp đặc biệt, mức huyết áp đo được dưới ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp, nhưng lại luôn cao hơn chuẩn an toàn (120/80 mmHg).
Nếu bạn, hoặc người thân rơi vào trường hợp này, có thể bạn đang phải đối diện với hội chứng tiền tăng huyết áp.
>> 6 bài tập giúp người cao tuổi ổn định huyết áp
>> Hiểu đúng về thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm
Tiền tăng huyết áp là gì?
Theo định nghĩa từ Hội Tim Mạch Việt Nam, một người được chẩn đoán tiền tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu dao động từ 120-139 mmHg, hoặc huyết áp tâm trương trong khoảng 80-89 mmHg.
Nếu không được xác định và can thiệp kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ cao sẽ bị tăng huyết áp trong tương lai gần. Đặc biệt tại Việt Nam, đối tượng bị vấn đề tim mạch ngày một trẻ hóa cũng kéo theo số trường hợp tiền tăng huyết áp tăng lên đáng kể.
Bản thân tình trạng tiền tăng huyết áp không kéo theo bất kỳ biến chứng rõ rệt nào cho cơ thể. Tuy nhiên về lâu về dài, khi tăng huyết áp xuất hiện, người bệnh sẽ chịu nhiều rủi ro như suy tim, suy thận, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thậm chí là tử vong….
Triệu chứng và nhóm đối tượng nguy cơ
Tương tự như bệnh huyết áp cao, tiền tăng huyết áp thường không biểu hiện triệu chứng. Cách duy nhất giúp bạn sớm xác định bệnh là thường xuyên kiểm tra huyết áp.
Bạn có thể đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra huyết áp định kỳ, hoặc tự đo huyết áp tại nhà. Nếu bạn cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng khi đo huyết áp lại trên 120/80 mmHg, hãy đợi 2-3 ngày trước khi tiến hành kiểm tra lại.
Nếu mức huyết áp vẫn tiếp tục cao, đã đến lúc bạn cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán, tư vấn thêm.
Tiền tăng huyết áp có khả năng ảnh hưởng đến tất cả mọi người, tuy nhiên bạn cần đặc biệt lưu ý nếu rơi vào 9 nhóm đối tượng nguy cơ sau:
- Người bị béo phì, thừa cân
- Nhóm người trẻ tuổi
- Đàn ông trước 45 tuổi có nguy cơ mắc tiền tăng huyết áp cao hơn phụ nữ
- Gia đình có người bị tăng huyết áp
- Ít vận động, thể lực không tốt
- Chế độ dinh dưỡng quá nhiều muối, thiếu kali
- Người thường xuyên hút thuốc
- Người nghiện bia, rượu
- Mắc một số bệnh lý như ngưng thở khi ngủ, bệnh về thận, đái tháo đường
Phòng tránh, điều trị tiền tăng huyết áp
Nếu được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, người mắc tiền tăng huyết áp hoàn toàn không cần phải uống thuốc điều trị. Khi đó, bác sĩ sẽ ưu tiên giúp bạn rèn luyện thói quen sống lành mạnh, áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất. Cụ thể, bạn nên:
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng giúp ngăn ngừa tăng huyết áp (DASH) hoặc các chế độ dinh dưỡng dành cho người bị tăng huyết áp phổ biến khác.
- Kiểm soát cân nặng thông qua chỉ số BMI. Vì khi bạn kiểm soát được cân nặng của mình, bạn đã có thể giảm nguy cơ tăng huyết áp đến 20%.
- Bắt đầu theo dõi lượng muối hấp thu vào cơ thể mỗi ngày. Giới hạn tiêu chuẩn cho mỗi ngày là không quá 2300 mg đối với người bình thường và dưới 1500 mg cho người trên 51 tuổi.
- Tăng cường tập luyện thể dục, thể thao để tăng cường sức khỏe. Bạn chỉ cần tập 30-40 phút mỗi ngày, 4-5 ngày mỗi tuần.
- Hạn chế uống bia rượu. Phụ nữ chỉ nên uống tối đa 1 ly mỗi ngày, trong khi nam giới không được vượt giới hạn 2 ly mỗi ngày.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá và các chất gây nghiện khác. Nếu đang hút thuốc lá, bạn nên bắt đầu quá trình cai thuốc lá.
- Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng tinh thần.