Ô nhiễm không khí và nguy cơ tăng huyết áp
Tăng huyết áp là căn bệnh ngày càng phổ biến, ước tính ảnh hưởng đến 1 tỷ người trên khắp thế giới.
Gần đây, các bằng chứng khoa học lại tiếp tục lý giải rõ hơn tình trạng này, khi chỉ ra thêm một yếu tố nguy cơ luôn hiển hiện trong đời sống hằng ngày: ô nhiễm không khí.
>> [Hỏi – đáp] Rèn luyện thể lực để kiểm soát bệnh tăng huyết áp
>> Chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp kháng trị
Ô nhiễm không khí và bệnh tăng huyết áp
Ô nhiễm không khí – mối nguy hại cho người tăng huyết áp
Theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Hypertension của Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), thường xuyên hít thở bầu không khí ô nhiễm sẽ để lại nhiều tác hại tức thời lẫn lâu dài, trong đó có tăng huyết áp.
Cuộc nghiên cứu đánh giá hơn 108.000 bệnh nhân tăng huyết áp và 22.000 người khỏe mạnh, tập trung vào 3 loại chất ô nhiễm chính:
- Khí sulfur dioxide (SO2) thải ra khi đốt than đá, dầu…
- Khí nitrogen oxide (NO2) có trong khói xe và khói nhà máy.
- Các chất ô nhiễm mắt thường không thấy được, như bụi, khói, hạt li ti…
Kết quả thu được cho thấy, tỷ lệ bệnh tăng huyết áp tăng cao do sự tiếp xúc tức thời với SO2 và các chất ô nhiễm, cũng như tiếp xúc lâu dài với NO2.
Sở dĩ như vậy là do ô nhiễm không khí làm trầm trọng hóa các chứng viêm, sưng và gây mất cân bằng oxi hóa (oxidative stress). Cả hai hiện tượng này đều tác động tiêu cực đến hệ động mạch, từ đó gây bệnh tăng huyết áp.
Cách ứng phó với ô nhiễm không khí
Dọn dẹp nhà cửa cũng góp phần giữ không khí trong lành
Ô nhiễm không khí ngoài đường phố là nguy cơ khó tránh khỏi, nhất là khi bạn làm việc tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giữ không gian sống trong lành, từ đó giảm thiểu nguy cơ tăng huyết áp do tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm.
Hãy tham khảo thử 4 bước đơn giản sau:
- Bước 1:
Thường xuyên lau dọn nhà cửa. Các lớp bụi đóng trên vật dụng là nguồn ô nhiễm không khí chính tại mỗi gia đình. Bạn có thể dùng máy hút bụi, hoặc lau chùi bằng nước sạch.
Ngoài ra, đây cũng là cách hay để người bệnh tăng huyết áp vận động thân thể, tăng cường sức khỏe.
- Bước 2:
Giữ độ ẩm không khí ở mức 30-50%. Bạn nên mở cửa sổ, hoặc bật quạt thông gió khi nấu ăn, rửa chén và tắm để không khí ẩm và các loại khí thải (SO2 và NO2) thoát ra bên ngoài. Hạn chế phơi quần áo ướt ngay trong nhà và sửa ngay các đoạn ống nước bị rò rỉ.
- Bước 3:
Gia đình là nơi không khói thuốc. Thuốc lá vừa trực tiếp làm tăng huyết áp, vừa gián tiếp gây bệnh thông qua khói thuốc.
Theo nghiên cứu, khói thuốc chứa hơn 4000 hóa chất gây ô nhiễm, không chỉ gây hại cho người hút mà còn tác động xấu đến mọi người xung quanh.
Hãy đặc biệt ghi nhớ điều này nếu bạn là người bệnh tăng huyết áp, hoặc gia đình có người bị căn bệnh mãn tính này.
- Bước 4:
Lựa chọn thời gian sinh hoạt phù hợp. Người bệnh tăng huyết áp thường được khuyến cáo rèn luyện thể lực, thư giãn, mở rộng quan hệ xã hội. Thế nhưng hãy chọn thời điểm thích hợp nếu bạn sinh sống ở các thành phố lớn.
Một buổi chạy bộ trong công viên ngay giờ cao điểm cũng khiến bạn tiếp xúc với vô số khói bụi. Trong trường hợp cần lưu thông thường xuyên, hãy sử dụng các loại khẩu trang diệt khuẩn và tắm rửa sạch sẽ mỗi khi về nhà.