Chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp kháng trị
Bạn đã thử ăn uống đủ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao, và dùng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp khác nhau nhưng mức huyết áp vẫn chưa ổn định? Rất có thể bạn thuộc 20% số trường hợp bị bệnh tăng huyết áp kháng trị.
>> Ô nhiễm không khí và nguy cơ tăng huyết áp
Tăng huyết áp kháng trị là gì?
Tăng huyết áp kháng trị (resistant hypertension) là hiện tượng xảy ra khi huyết áp của bạn vẫn ở mức cao, dù đã kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Cụ thể hơn:
– Mức huyết áp vẫn trên ngưỡng 140/90 mmHg dù bạn đã dùng 3 loại thuốc khác nhau, trong đó có thuốc lợi tiểu (diuretics).
– Bạn cần kết hợp ít nhất 4 loại thuốc để điều trị bệnh tăng huyết áp.
Nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, người bệnh tăng huyết áp kháng trị có tỷ lệ đột quỵ, suy tim cao hơn so với người bình thường, hoặc so với người bệnh đã kiểm soát được mức huyết áp.
Tình trạng bệnh này cũng đặc biệt ảnh hưởng đến một số nhóm đối tượng như: phụ nữ, người Mỹ gốc Phi, người bị đái tháo đường hoặc béo phì.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp kháng trị
Khoảng 25% số trường hợp tăng huyết áp kháng trị có liên quan đến một (hoặc nhiều) bệnh lý tiềm ẩn. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm:
- Biến đổi bất thường trong hormone liên quan đến huyết áp, ví dụ như aldosterone.
- Bệnh hẹp động mạch thận (renal artery stenosis), khiến máu không thể lưu thông đến thận.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ (sleep apnea).
- Lạm dụng bia rượu và các loại thuốc làm tăng huyết áp như: thuốc giảm đau, thuốc giảm cân, thuốc ngừa thai, một số thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo mộc…
Phần đông các trường hợp còn lại đều không thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Khi ấy, tiến trình điều trị sẽ phụ thuộc vào việc điều chỉnh thói quen sống, cũng như dùng kết hợp thuốc điều trị tăng huyết áp theo liều cố định.
Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp kháng trị
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ góp phần kiểm soát bệnh tăng huyết áp kháng trị
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ bắt đầu với 2 phương pháp: kỹ thuật đo huyết áp lưu động và đánh giá tiền sử điều trị tăng huyết áp (liệt kê các loại thuốc, thực phẩm chức năng bạn đã và đang sử dụng).
Ngoài ra, bạn cũng cần thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu để tìm ra bệnh lý tiềm ẩn nếu có. Các xét nghiệm này bao gồm: đo điện tâm đồ, siêu âm tim, thử máu và nước tiểu…
Dựa trên kết quả thu được, bác sĩ sẽ tư vấn và hỗ trợ bạn xây dựng tiến trình điều trị bệnh tăng huyết áp kháng trị một cách hữu hiệu nhất.
Tiến trình này sẽ gồm 3 yếu tố:
- Chữa trị các bệnh lý tiềm ẩn khiến quá trình kiểm soát bệnh tăng huyết áp chưa hiệu quả.
- Tăng cường rèn luyện các thói quen sống lành mạnh như: ăn uống đủ chất, rèn luyện thể lực, ngủ đủ giấc, tránh xa bia rượu…
- Đặc biệt, bạn nên tuân thủ nghiêm ngặt đơn thuốc của bác sĩ. Hãy uống đúng thuốc, đúng liều và đúng thời gian theo chỉ dẫn, đồng thời báo ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào.