Tăng huyết áp tâm thu đơn độc ở người cao tuổi
Huyết áp của chúng ta bao gồm 2 trị số là huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic). Khi một trong hai trị số này liên tục tăng trên ngưỡng an toàn thì đó chính là dấu hiệu báo động bạn có nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp.
Đặc biệt trong vài thập niên trở lại đây, số lượng người bệnh tăng huyết áp tâm thu đơn độc đang ngày càng gia tăng hơn so với tăng huyết áp tâm trương đơn độc.
>> Người bị tăng huyết áp nên tập thể dục như thế nào?
>> Tắm nắng đúng cách có lợi cho người tăng huyết áp
Định nghĩa
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc (isolated systolic hypertension – ISH) xảy ra khi huyết áp tâm thu của một người liên tục cao hơn ngưỡng 140 mmHg, trong khi huyết áp tâm trương lại nằm trong ngưỡng cho phép (dưới 90 mmHg).
Tình trạng bệnh này đặc biệt phổ biến ở nhóm người ngoài 50 tuổi và trên thực tế, nhiều thống kê cho thấy có đến 60% số người cao tuổi bị tăng huyết áp rơi vào trường hợp ISH.
Suốt một thời gian dài, giới y học đã quá tập trung vào trường hợp tăng huyết áp tâm trương đơn độc (isolated diastolic hypertension – IDH) mà bỏ quên tác hại của ISH.
Tuy nhiên với tiến bộ y học hiện đại, các chuyên gia dần hiểu thêm về sự tác động của những đợt tăng huyết áp tâm thu lên cơ thể người và biến chứng tiềm ẩn của tăng huyết áp tâm thu đơn độc lên nhóm người cao tuổi, từ đó đề ra cách phòng tránh, điều trị phù hợp.
Nguy cơ và nguyên nhân
Cũng tương tự như bệnh tăng huyết áp, tăng huyết áp tâm thu đơn độc thường không biểu hiện triệu chứng cụ thể, nhưng nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng chết người như:
- cản trở luồng máu lưu thông lên não, gia tăng nguy cơ đột quỵ
- làm suy yếu hoạt động của tim và có liên hệ đến hiện tượng đau tim, nhồi máu cơ tim
- tổn thương động mạch lưu thông máu đến thận, làm mất chức năng loại bỏ độc tố và suy thận
- trong một số trường hợp nhất định, ISH cũng tác động xấu đến mắt, thùy não và chức năng tình dục.
Nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp tâm thu đơn độc hiện vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi và biến đổi tùy theo đặc điểm của mỗi người. Trong phần lớn số trường hợp, bệnh hình thành do sự lão hóa của hệ động mạch khi cơ thể chúng ta già đi.
Những động mạch này dần mất độ co giãn cần thiết và xuất hiện nhiều mô sẹo, làm cản trở luồng lưu thông của máu.
Ở người trên 50 tuổi, mạch máu bị xơ vữa là nguyên nhân chính khiến huyết áp tâm trương giảm xuống dưới 90 mmHg nhưng huyết áp tâm thu lại tăng lên trên 140 mmHg.
Trong một số trường hợp khác, tăng huyết áp tâm thu đơn độc có thể là hậu quả của những nguyên nhân thứ cấp như: chứng thiếu máu (anemia), hiện tượng tăng hoạt ở tuyến giáp trạng hoặc thượng thận (overactive thyroid and adrenal gland) và thậm chí là cả bệnh ngưng thở lúc ngủ (sleep apnea).
Cách hiệu quả nhất là bạn nên thường xuyên đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế để kiểm tra huyết áp, được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Cách điều trị
Tiến trình điều trị bệnh tăng huyết áp tâm thu đơn độc ở người cao tuổi tương đối phức tạp hơn điều trị bệnh tăng huyết áp nói chung. Sở dĩ như vậy là do các liệu pháp, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, có nguy cơ khiến huyết áp tâm trương của bạn xuống quá thấp.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, đưa huyết áp tâm thu xuống dưới 150 mmHg, và giữ huyết áp tâm trương không xuống thấp hơn 70 mmHg được xem là kiểm soát thành công bệnh tăng huyết áp tâm thu đơn độc ở nhóm người cao tuổi.
Bên cạnh việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, tập thói quen sống lành mạnh cũng là chìa khóa quan trọng để người cao tuổi kiểm soát huyết áp tâm thu của mình. Theo chuyên trang Harvard Health Publications, những biện pháp dưới đây tỏ ra cực kỳ hiệu quả:
Thay đổi | Tác động lên huyết áp tâm thu |
Giảm cân | Giảm được 1 kg đồng nghĩa với giảm huyết áp tâm thu đi 1 mmHg |
Chế độ DASH | Giảm huyết áp tâm thu đi 8-14 mmHg |
Giảm lượng muối hấp thụ vào cơ thể | Mỗi ngày chỉ dùng 6 gr muối giúp giảm huyết áp tâm thu đi 2-8 mmHg |
Rèn luyện thể lực | Tập thể dục 30 phút mỗi ngày giúp giảm huyết áp tâm thu đi 4-9 mmHg |
Hạn chế bia rượu | Phụ nữ chỉ uống 1 ly mỗi ngày sẽ giảm huyết áp tâm thu đi 2-4 mmHg |