Tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai
Theo thống kê từ Bộ Y tế, hiện có khoảng 15% số thai phụ tại Việt Nam bị tăng huyết áp, tuy bệnh lý ngày càng trở nên phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nhưng thai phụ vẫn có thể sinh con khỏe mạnh, bình thường nếu được kiểm tra và chăm sóc đầy đủ.
Sau đây, mời bạn cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu rõ hơn về bệnh tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai.
>> Âm nhạc và giấc ngủ ngon cho người tăng huyết áp
>> 4 tư thế yoga cho người tăng huyết áp
Tổng quan về tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai
Người trưởng thành nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng được chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ở mức 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ở mức 90 mmHg.
Đặc biệt đối với thai phụ còn có cách xác định khác, đó là khi huyết áp tâm thu tăng trên 30 mmHg hoặc huyết áp tâm trương tăng trên 15 mmHg so với thời điểm trước khi mang thai.
Trong đa số các trường hợp, hiện tượng tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai chỉ xảy ra tạm thời và sẽ biến mất dần sau khi thai phụ sinh con.
Về cơ bản, tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai được chia ra làm hai trường hợp. Tăng huyết áp mãn tính (chronic hypertension) xuất hiện trước khi mang thai hoặc trong vòng 5 tháng đầu tiên của thai kỳ.
Trái lại, tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai (gestational hypertension) phát triển sau tháng thứ 5 của thai kỳ và không kèm theo hiện tượng protein niệu hay bất kỳ tổn thương nào.
Trong cả hai trường hợp, người bệnh tăng huyết áp đều không biểu hiện triệu chứng rõ rệt nên cần được đo và theo dõi huyết áp thường xuyên để sớm phát hiện.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi và cần được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên thai phụ thuộc các trường hợp sau đây có tỷ lệ mắc tăng huyết áp cao hơn mức bình thường:
- Phụ nữ mắc chứng béo phì do ít vận động, chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh hoặc các lý do khác
- Người thường xuyên uống rượu hoặc hút thuốc trước và trong thai kỳ
- Mang thai khi dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi
- Trường hợp sinh đôi hoặc sinh ba do cơ thể người mẹ phải chịu nhiều áp lực hơn
- Đã từng bị tăng huyết áp hoặc tiền sản giật trong những lần mang thai trước
- Có tiền sử bệnh tiểu đường, suy thận, thấp khớp, xơ cứng bì
Những biến chứng có thể mắc
Thông thường, huyết áp của phụ nữ mang thai sẽ dần trở lại mức ổn định sau khi sinh con. Tuy nhiên nếu không được theo dõi và kiểm soát kịp thời, bệnh tăng huyết áp trong khi mang thai có thể dẫn đến nhiều biến chứng tai hại, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ và thai nhi.
Trường hợp này được gọi là hội chứng tiền sản giật (preeclampsia) và kèm theo các hiện tượng như:
- thiếu lượng máu chuyển đến nhau thai. Nếu nhau thai không nhận đủ máu, thai nhi cũng sẽ thiếu oxygen và dinh dưỡng cần thiết để phát triển. Hậu quả là trẻ sinh ra bị nhẹ cân, còi cọc, sinh non hoặc có vấn đề về đường hô hấp.
- bong nhau thai. Hiện tượng này xảy ra khi nhau thai bị tách khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Bong nhau thai không chỉ ảnh hưởng đến thai mà còn khiến người mẹ bị xuất huyết nặng, dễ nguy hiểm tính mạng.
- hậu quả lâu dài trên hệ tim mạch. Tăng huyết áp và đặc biệt là tiền sản giật khiến phụ nữ dễ mắc các chứng bệnh về tim, mạch máu trong tương lai. Số lần mang thai và mắc tiền sản giật càng nhiều thì nguy cơ này lại càng cao.
Cách phòng ngừa và điều trị
Hiện nay chưa có phương pháp nào giúp thai phụ phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hay biến chứng tiền sản giật. Thay vào đó, phụ nữ mang thai chỉ có thể giảm thiểu nguy cơ bị tăng huyết áp với những lưu ý như:
- tư vấn trước khi sinh với bác sĩ để có bước chuẩn bị hoàn hảo nhất, đồng thời phát hiện nguyên nhân thứ phát nếu có.
- khám thai định kì. Đây có lẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để bác sĩ đo và theo dõi mức huyết áp cho thai phụ trong suốt giai đoạn mang thai, từ đó có những điều chỉnh, can thiệp kịp thời.
- rèn luyện lối sống năng động và chế độ dinh dưỡng lành mạnh theo chỉ định của bác sĩ để phần nào đẩy lùi nguy cơ tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai.
Trong trường hợp tiền sản giật chuyển biến phức tạp, gây xuất huyết nặng thì thai phụ cần nhanh chóng nhập viện để được theo dõi, điều trị nội trú, từ đó đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ lẫn người mẹ.