Cách phòng ngừa và chữa đột quỵ
Đột quỵ là một trong những biến chứng thường thấy ở người bệnh tăng huyết áp khi luồng máu lưu thông lên não có thể tắc nghẽn, khiến thùy não bị thiếu oxy và chết dần.
Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa, hay thậm chí là chữa đột quỵ để tiếp tục tận hưởng cuộc sống.
Cách phòng ngừa
>> 7 nhóm đối tượng có nguy cơ bị tăng huyết áp
Những nghiên cứu gần đây cho thấy 80% số trường hợp đột quỵ đều có thể phòng ngừa nếu bệnh nhân sớm được chẩn đoán và can thiệp. Trong y học, cách phòng ngừa, chữa đột quỵ được chia làm hai trường hợp: phòng ngừa tiên phát và phòng ngừa thứ phát.
- Phòng ngừa tiên phát (primary prevention)
Phòng ngừa tiên phát được sử dụng trong trường hợp người bệnh chưa từng bị đột quỵ nhưng lại thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm lâm sàng lẫn chuyên sâu để xác định rõ các yếu tố nguy cơ mà bạn đang có, từ đó đưa ra liệu trình phòng ngừa phù hợp.
Tương tự như tăng huyết áp, cách ngăn ngừa đột quỵ cũng bao gồm hai hướng tiếp cận. Trước hết, bạn cần phải thay đổi thói quen, tiến tới xây dựng lối sống lành mạnh hơn.
Giải pháp này bao gồm chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường vận động thể dục thể thao, giữ cơ thể cân đối và tránh xa rượu, bia, thuốc lá.
Ngoài ra, tùy trường hợp mà bác sĩ có thể yêu cầu bạn dùng thêm thuốc điều trị các bệnh như cao huyết áp, qua đó cũng góp phần phòng chống đột quỵ.
- Phòng ngừa thứ phát (secondary prevention)
Bác sĩ sẽ tiến hành phòng ngừa thứ phát trong trường hợp bệnh nhân đã từng bị đột quỵ nhằm tránh nguy cơ tái phát. Mỗi bệnh nhân đều có liệu trình riêng nhưng cần phải được tiến hành trong vòng 7 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ.
Các biện pháp thay đổi lối sống sẽ được tiến hành quyết liệt hơn, đồng thời bạn cũng phải chấp nhận kiểm tra, chữa trị các yếu tố nguy cơ đến hết đời.
Trong một vài trường hợp đặc biệt, bạn sẽ trải qua tiến trình điều trị huyết khối (Antithrombotic treatment) cũng như phẫu thuật can thiệp vào các mạch máu não bị nghẽn để tránh tái phát.
Chính bởi tính chất phức tạp của hiện tượng đột quỵ, bạn hãy thường xuyên trao đổi với bác sĩ để nhận được lời khuyên cũng như giải pháp tốt nhất.
Cách chữa trị
Nhờ vào sự tiến bộ của y học hiện đại, hiện tượng đột quỵ hoàn toàn có thể chữa trị được và không gây chết người nếu có sự can thiệp kịp thời. Trong trường hợp đột quỵ, bạn hãy nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ y tế gần nhất.
Đây chính là chìa khóa giúp bạn tăng khả năng sinh tồn, hồi phục cũng như giảm thiểu tác động về sau. Về lý thuyết, đột quỵ được phân biệt thành: đột quỵ thiếu máu cục bộ (ischemic stroke) – đột quỵ xuất huyết não (hemorrhagic stroke) và cách chữa đột quỵ cũng tương đối khác nhau.
Đột quỵ thiếu máu cục bộ xảy ra khi luồng máu lưu thông lên não bị tắc nghẽn do máu đông, thùy não không nhận được lượng oxy cần thiết để hoạt động. Cách chữa đột quỵ phổ biến nhất là tiêm yếu tố hoạt hóa plasminogen (TPA) qua hệ thống tĩnh mạch để làm tan máu đông, khôi phục luồng lưu thông máu.
Nếu được can thiệp trong vòng 3-4,5 tiếng sau khi đột quỵ bằng phương pháp này, bệnh nhân sẽ có nhiều khả năng phục hồi. Một cách chữa trị phức tạp hơn nhưng cũng rất hiệu quả là can thiệp nội mạc (endovascular procedures) để bác sĩ có thể loại bỏ khối máu đông.
Trong trường hợp đột quỵ xuất huyết não – vốn chỉ chiếm 15% số ca đột quỵ – mạch máu đột ngột bị vỡ, làm máu tràn vào các tế bào não. Khi đó, bác sĩ sẽ ngay lập tức tiến hành can thiệp nội mạc để xử lý mạch máu bị vỡ. Nghiêm trọng nhất, bạn sẽ cần phải được phẫu thuật để ngăn mạch máu xuất huyết.