Nhận thức sai lầm về bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp đang ngày càng trở thành mối nguy hại cho người dân trên toàn thế giới. Trên thực tế, căn bệnh này trở nên nguy hiểm hơn một phần là do những đồn đoán và nhận thức sai lầm. Bài viết sau sẽ giúp bạn xác định những lầm lẫn về tăng huyết áp và tìm ra câu trả lời chính xác.
Nếu huyết áp tăng cao thì tôi sẽ có thể cảm nhận được?
Sở dĩ tăng huyết áp được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh hầu như không biểu hiện nào cho đến khi trở nên trầm trọng và gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể.Bạn sẽ chỉ nhận thấy các triệu chứng rõ rệt trong trường hợp xuất hiện cơn tăng huyết áp, vốn phải được điều trị ngay lập tức.
Cách hữu hiệu duy nhất để phát hiện bệnh tăng huyết áp là thường xuyên đến bác sĩ hay bệnh viện/trạm y tế để được đo huyết áp hoặc tự đo huyết áp tại nhà. Bạn không nên chờ đợi các triệu chứng xuất hiện và làm như vậy có nghĩa là bạn đang liều lĩnh với mạng sống của mình.
Cách chẩn đoán bệnh tăng huyết áp
Đau đầu và chảy máu mũi là hai triệu chứng rõ rệt của bệnh tăng huyết áp?
Vào đầu thế kỷ 20, mọi người đã mặc định rằng đau đầu thường xảy ra ở những người bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, sự phát triển của y học hiện đại đã chỉ ra rằng đây hoàn toàn là nhận định sai lầm.
Không có bằng chứng nào chứng minh đau đầu là triệu chứng của tăng huyết áp, trừ trường hợp cơn tăng huyết áp. Bạn có thể bị đau đầu vì nhiều lý do khác nhau, trong đó căng thẳng do áp lực cuộc sống là nguyên nhân hàng đầu.
Tương tự như vậy, chảy máu mũi cũng không phải là dấu hiệu cảnh báo tăng huyết áp. Nghiên cứu ở một bệnh viện cho thấy 17% số bệnh nhân điều trị tăng huyết áp có hiện tượng chảy máu mũi.
Điều đó có nghĩa là 83% số bệnh nhân còn lại không có triệu chứng này. Bạn hãy luôn nhớ rằng chảy máu mũi xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không khí khô nóng là nhân tố hàng đầu.
Các nguyên nhân gây chảy máu mũi bao gồm: xì mũi quá mạnh, dị ứng, cảm lạnh, viêm xoang hoặc lệch vách ngăn mũi, tác dụng phụ từ một số loại thuốc kháng đông như aspirin.
Ngoài ra, lời đồn đoán về các triệu chứng như đỏ mặt, choáng váng, thiếu ngủ, máu trong võng mạc đều không có căn cứ khoa học vững chắc. Cách hiệu quả nhất để phát hiện tăng huyết áp là thường xuyên đến bác sĩ hay bệnh viện/trạm y tế để đo huyết áp hoặc tự đo huyết áp tại nhà.
Vì sao gọi tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”?
Tăng huyết áp là bệnh di truyền nên tôi chắc chắn sẽ mắc bệnh?
Tăng huyết áp có thể di truyền trong gia đình và điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nếu cha mẹ hay người thân trong gia đình bạn đã bị tăng huyết áp thì bạn có nguy cơ cao bị bệnh này.
Tuy nhiên, lối sống khỏe mạnh đã giúp nhiều người vượt qua yếu tố di truyền từ gia đình, phòng tránh thành công bệnh tăng huyết áp và nhờ đó bảo vệ cả con/em mình.
- Tích cực tập luyện thể thao
- Ăn uống nhiều rau củ quả và hạn chế ăn muối
- Tránh xa các chất gây nghiện như cà phê, rượu bia, thuốc lá
- Thư giãn và nghỉ ngơi đầy đủ
Những thói quen tốt giúp ngăn ngừa, kiểm soát bệnh tăng huyết áp.
Cách duy nhất để điều trị tăng huyết áp là uống thuốc suốt đời?
Đây có lẽ là nhận định sai lầm phổ biến nhất. Trên thực tế, biện pháp tiên quyết khi phòng ngừa hay điều trị tăng huyết áp là thay đổi lối sống của bạn.
Một lối sống khỏe mạnh, tập trung vào thói quen rèn luyện thân thể, ăn uống điều độ, tránh xa chất gây nghiện và thư giãn tinh thần chính là chìa khóa giúp bạn kiểm soát bệnh tăng huyết áp.
Tuy thuốc điều trị tăng huyết áp có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp nhưng đây cũng chỉ là liệu pháp bổ trợ và phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân sống khỏe mạnh nhờ vào việc thay đổi lối sống và hoàn toàn không cần dùng thêm thuốc.
Tóm lại, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bị tăng huyết áp để tìm ra phác đồ điều trị tốt nhất cho mình.