Các nguyên nhân gây nên tình trạng khó thở
Khó thở là khi bạn cảm thấy cơ thể không nhận đủ không khí, cảm thấy việc thở không bình thường, không thoải mái khi hít thở. Bệnh nhân khi có triệu chứng khó thở có thể chỉ là do nghẹt mũi hoặc hoạt động gắng sức cường độ cao, tuy nhiên khó thở cũng có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm. Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu một số nguyên nhân và cách phòng ngừa tình trạng khó thở thông qua bài viết sau đây nhé.
1. Khó thở bắt nguồn từ đâu?
Triệu chứng khó thở khá thường gặp, đôi khi rất khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, đặc biệt đối với những bệnh nhân có cơn khó thở cấp tính, nặng. Nếu bạn thường xuyên bị khó thở, điều quan trọng là bạn phải tìm ra nguyên nhân. Nhiều bệnh lý có thể khiến bạn cảm thấy khó thở như:
Bệnh lý hô hấp
- Dị vật đường hô hấp.
- Viêm họng, thanh quản do bạch hầu, u hạ họng – thanh quản.
- Khí quản: U khí quản, hẹp khí phế quản, nhuyễn sụn khí phế quản.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản.
- Viêm tiểu phế quản lan tỏa, giãn phế quản.
- Tổn thương phế nang: phù phổi cấp tổn thương, phù phổi cấp huyết động.
- Viêm phổi, lao phổi.
- Bệnh phổi kẽ, xơ phổi lan tỏa; Bệnh phổi nghề nghiệp.
Bệnh lý mạch máu phổi:Tăng áp động mạch phổi nguyên phát. Nhồi máu phổi.
Bệnh lý màng phổi: Tràn khí màng phổi; Tràn dịch màng phổi; Dày dính màng phổi.
Bệnh lý lồng ngực:
- Chấn thương, di chứng phẫu thuật, dị dạng cột sống bẩm sinh hoặc mắc phải;
- Bệnh lý tim mạch suy tim; bệnh lý van tim; viêm, tràn dịch màng ngoài tim.
- Cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
Bệnh lý thần kinh, tâm thần: Liệt cấp tính các cơ hô hấp như bại liệt, ngộ độc; Các bệnh thoái hoá thần kinh cơ. Đây là chẩn đoán được đặt ra cuối cùng, sau khi đã loại trừ các nguyên nhân khác gây khó thở.
Nguyên nhân khác: hội chứng tăng urê máu, toan chuyển hóa ở bệnh nhân đái tháo đường.
2. Những kiểu khó thở bạn cần lưu ý
- Khó thở khi nghỉ ngơi: thường gợi ý nguyên nhân cơ năng và có thể là biểu hiện nặng của bệnh lý đang mắc phải.
- Khó thở khi gắng sức: suy tim trái, hen gắng sức, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tâm phế mạn,…
- Khó thở khi nằm: phù phổi cấp, suy tim trái, ngoài ra còn có thể gặp trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, liệt cơ hoành, cổ trướng.
- Khó thở khi đứng hay nằm về một phía: khó thở loại này hiếm gặp hơn, nguyên nhân thường do tắc nghẽn, thay đổi tỷ lệ không khí/ tưới máu liên quan với tư thế, tràn dịch màng phổi.
- Khó thở khi tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc tác nhân kích thích.
- Khó thở kèm theo đau ngực hoặc khó chịu ở ngực: thuyên tắc phổi, suy tim trái và bệnh tim thiếu máu cục bộ, tràn khí màng phổi tự phát, viêm màng phổi.
3. Phương pháp phòng ngừa tình trạng khó thở
- Từ bỏ hút thuốc: Bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm một số triệu chứng của bạn và giảm nguy cơ ung thư phổi.
- Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng, khói bụi và các chất độc hại: Nếu bạn là bệnh nhân hen, hãy tránh tiếp xúc với các chất dị ứng gây khó thở.
- Tránh để thừa cân và tập thể dục thường xuyên: Luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu chương trình giảm cân hoặc tập thể dục.
- Tuân thủ điều trị của bác sĩ: Nếu đã được bác sỹ chẩn đoán bệnh tim mạch, bạn cần uống thuốc theo toa thường xuyên, tái khám đúng hẹn, tránh ăn mặn.
Hi vọng thông qua bài viết này, bạn có thể tự trang bị cho mình những thông tin cần thiết để phòng tránh và nhận biết sớm nguyên nhân của tình trạng khó thở. Nếu tình trạng khó thở kéo dài kèm nhiều biến chứng nghiêm trọng, bạn cần đi khám bác sĩ ngay để tìm ra nguyên nhân chính xác.
Nguồn tham khảo:
1. Theo medlineplus
2. Theo ahajournals