Bạn đang ở mức độ nào của Đau thắt ngực?
Cơn đau thắt ngực xuất hiện khi cơ tim không được cung cấp đủ lượng máu giàu oxy cần thiết để hoạt động một cách bình thường. Đau thắt ngực ổn định có thể là dấu hiệu cảnh báo của một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là nhồi máu cơ tim. Hiểu rõ về mức độ Đau thắt ngực của bản thân sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc điều trị và phòng ngừa. Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu các mức độ của Đau thắt ngực thông qua bài viết dưới đây.

1. Một số yếu tố nguy cơ gây Đau thắt ngực
Bên cạnh các các yếu tố khởi phát như làm việc gắng sức hay tâm lý căng thẳng, một số nguyên nhân gián tiếp gây Đau thắt ngực ổn định có thể kể đến như:
- Hút thuốc lá: Chất nicotin có trong thuốc lá sẽ tạo điều kiện khiến cho cholesterol bị tích tụ lại trên thành mạch hình thành nên mảng xơ vữa gây hẹp lòng động mạch vành nuôi tim.
- Bệnh tiểu đường: Khi bị bệnh tiểu đường sẽ làm rối loạn chuyển hoá mỡ máu làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch vành.
- Huyết áp cao: Người bị huyết áp cao sẽ có áp lực của máu lên thành động mạch tăng, làm các động mạch bị tổn thương và gia tăng tốc độ xơ cứng động mạch.
- Rối loạn lipid máu: Khi bị rối loạn mỡ máu thì nồng độ chất béo và cholesterol bão hòa cao sẽ làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch gây đau thắt ngực.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim: nếu một thành viên trong gia đình mắc bệnh động mạch vành hoặc bị đau tim sớm thì bạn cũng có nguy cơ cao gặp phải cơn đau thắt ngực.
- Tuổi tác: Nam trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi là đối tượng dễ có nguy cơ đau thắt ngực ổn định.
- Béo phì: Người béo phì sẽ có nguy cơ bị đau thắt ngực và bệnh tim mạch tăng so với người bình thường.
- Ít vận động: Ở những người ít vận động thể lực thì có khả năng cao bị tăng cholesterol máu, béo phì, tăng huyết áp và mắc bệnh mạch vành.
- Căng thẳng, stress: Sự căng thẳng hay stress quá mức có thể làm tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ xuất hiện cơn đau thắt ngực ổn định.

2. Các mức độ của Đau thắt ngực
Theo Hiệp hội Tim mạch Canada – CCS, đau thắt ngực ổn định được chia thành 4 mức độ, ở mức độ càng cao thì bệnh càng nguy hiểm và càng ảnh hưởng tới sức khoẻ của người bệnh, cụ thể:
- Độ 1: Ở mức độ này. những hoạt động thể lực bình thường sẽ không thể gây đau thắt ngực.
- Độ 2: Cơn đau thắt ngực xuất hiện khi người bệnh leo cầu thang >1 tầng, hoặc đi bộ dài hơn 2 dãy nhà. Cơn đau sẽ gây hạn chế nhẹ hoạt động thể lực bình thường.
- Độ 3: Đau thắt ngực xuât hiện khi đi bộ dài từ 1 đến 2 dãy nhà hoặc leo cao 1 tầng cầu thang, gây hạn chế đáng kể các hoạt động thể lực thông thường.
- Độ 4: Đau thắt ngực ngay cả khi làm việc nhẹ, khi gắng sức nhẹ, các hoạt động thể lực bình thường cũng có thể gây ra các cơn đau.

Tóm lại, đau thắt ngực ổn định về lâu dài có thể dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim gây nguy hiểm đến tính mạng. Nắm được mức độ Đau thắt ngực của bản thân cũng như dấu hiệu của đau thắt ngực ổn định là điều rất quan trọng và cần thiết. Hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Nguồn tham khảo:
- Hội Tim mạch học, “Khuyến cáo 2008 của Hội Tim mạch học Việt Nam: Về xử trí bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính (Đau thắt ngực ổn định)”