Đau thắt ngực: Những thông tin mà bạn cần biết
Đau thắt ngực có nguyên nhân chủ yếu là bệnh động mạch vành. Đau thắt ngực thường xảy ra thành từng cơn nhưng cũng có thể kéo dài và là dấu hiệu của một vấn đề nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Hãy cùng Ngày đầu tiên tìm hiểu về những thông tin cần thiết để ngăn chặn cơn Đau thắt ngực nhé.
1. Đau thắt ngực là gì?
Đau thắt ngực là một trong những triệu chứng của bệnh lý tim mạch. Đau thắt ngực xảy ra khi mảng xơ vữa hoặc cục máu đông làm hẹp hoặc tắc hệ động mạch vành (động mạch nuôi tim) dẫn đến máu trong động mạch vành không thể mang oxy đến cơ tim.
2. Phân loại đau thắt ngực
2.1 Đau thắt ngực ổn định
Đau thắt ngực ổn định là một thể trong nhóm bệnh lý có tên là Hội chứng động mạch vành mạn tính. Đây là thể bệnh thường gặp nhất. Cơn đau thường xuất hiện khi bạn hoạt động thể lực gắng sức hoặc có gánh nặng tâm lý. Thông thường, các cơn đau kéo dài trong khoảng dưới 10-15 phút.
Khi cơn đau xuất hiện, bạn sẽ có cảm giác như có gì bóp chặt, đè nặng vùng sau xương ức hoặc phía bên quả tim. Cơn đau có thể lan sang 2 bên vai, cổ, quai hàm dưới hay cánh tay trái. Cũng có một vài trường hợp, bạn có thể cảm thấy đau ở bên phải, vùng thượng vị, khiến nhầm lẫn thành cơn đau dạ dày cấp. Những lúc bị đau ngực như vậy, cơn đau có thể giảm dần và hết khi bạn dừng ngay các hoạt động đang làm và nghỉ ngơi.
Đau thắt ngực ổn định không phải là nhồi máu cơ tim, nhưng nó có thể sẽ tiến triển thành tình trạng đó trong tương lai. Vì vậy hãy thông báo với bác sĩ khi có cơn đau này xảy ra.
2.2 Đau ngực không ổn định (hội chứng động mạch vành cấp tính)
Khác với đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực không ổn định có thể xảy ra ngay khi bạn đang nghỉ ngơi hoặc trong tình trạng không quá gắng sức. Cơn đau có thể kéo dài với cường độ mạnh và có thể lặp đi lặp lại nhiều lần.
Triệu chứng của đau thắt ngực không ổn định thường rất dữ dội, kéo dài hơn so với đau thắt ngực ổn định. Các cơn đau sẽ có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ đau tăng dần và có thể trở nên tồi tệ trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Các cơn đau thắt ngực không ổn định không chỉ có thể gây ra nhồi máu cơ tim cấp mà còn có thể khiến cho người bệnh tử vong đột ngột nếu không được cấp cứu kịp thời.
2.3 Đau thắt ngực do nguyên nhân vi mạch
Với dạng này, người bệnh sẽ có cảm giác đau thắt ngực nhưng không có tắc nghẽn động mạch vành. Khi đó, những vi mạch (hệ thống mạch máu rất nhỏ) của hệ thống động mạch vành hoạt động không đủ chức năng. Vì vậy, tim không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết. Các cơn đau thắt ngực do nguyên nhân vi mạch thường kéo dài trên 10 phút và phổ biến trên đối tượng phụ nữ.
2.4 Đau thắt ngực Prinzmetal (đau thắt ngực thay đổi)
Dạng đau thắt ngực này rất hiếm khi xảy ra. Đau thắt ngực Prinzmetal thường xuất hiện lúc bệnh nhân đang ngủ hoặc nghỉ ngơi. Khi đó, các mạch máu đột ngột co thắt và hẹp lại, khiến cho người bệnh đau rất dữ dội.
3. Nguyên nhân đau thắt ngực
3.1 Nguyên nhân phổ biến
Các mảng xơ vữa hoặc các cục máu đông hình thành dần trong mạch máu và cản trở dòng máu tới cơ tim. Điều này làm cho tim hoạt động trong môi trường thiếu oxy, dẫn đến cảm giác đau.
3.2 Nguyên nhân ít phổ biến
- Tắc một nhánh lớn của động mạch phổi (thuyên tắc động mạch phổi).
- Cơ tim dày và lớn (bệnh cơ tim phì đại)
- Bệnh lý van tim thông thường là do hẹp các lá van (hẹp van động mạch chủ).
- Viêm túi tổ chức bao quanh quả tim (viêm màng ngoài tim)
- Xé rách thành động mạch chủ (bóc tách động mạch chủ)
4. Các yếu tố nguy cơ của đau thắt ngực
Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xơ vữa gây hẹp động mạch vành, bao gồm:
- Tuổi cao
- Tiền sử gia đình bệnh lý tim mạch
- Tăng huyết áp
- Rối loạn mỡ máu
- Đái tháo đường
- Béo phì
- Thường xuyên stress tâm lý
- Hút thuốc lá
- Không luyện tập thể dục thể thao
5. Test thăm dò trong đau thắt ngực
- Điện tâm đồ (ECG): thăm dò đánh giá hoạt động điện học của tim, phát hiện rối loạn nhịp.
- Nghiệm pháp gắng sức: đánh giá hoạt động của tim trong trạng thái cơ thể hoạt động gắng sức (chạy bộ, sử dụng thuốc tăng cường hoạt động của tim dobutamin).
- Xét nghiệm máu: đo nồng độ men tim Troponin. Chất này được giải phóng khi cơ tim bị tổn thương.
- Thăm dò chẩn đoán hình ảnh: Chụp X quang ngực thẳng có thể loại trừ các nguyên nhân khác của đau ngực như viêm phổi. Siêu âm doppler tim, CT (cắt lớp vi tính) hoặc MRI (cộng hưởng từ) giúp bác sĩ có thể đánh giá toàn diện quả tim.
- Chụp động mạch vành: Bác sĩ can thiệp mạch vành sẽ luồn một ống thông vào tới mạch vành của bệnh nhân, thông qua đó bác sĩ bơm vào cơ thể thuốc cản quang. Việc lưu thông thuốc cản quang trong mạch máu giúp cho bác sĩ đánh giá được tình trạng, mức độ hẹp của hệ thống động mạch vành.
6. Các phương pháp điều trị Đau thắt ngực
6.1 Điều trị nội khoa
Thông thường, bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân một số loại thuốc để kiểm soát các triệu chứng, bao gồm:
- Thuốc nitrat hoặc thuốc ức chế kênh Canxi: tác dụng thư giãn nở rộng các mạch máu dẫn đến tăng cường dòng máu đến tim.
- Thuốc chẹn beta giao cảm: tác dụng chậm nhịp tim vì vậy quả tim được thư giãn, giảm hoạt động dẫn đến nhu cầu về dòng máu và oxy giảm.
- Thuốc chống đông máu, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu: hạn chế sự xuất hiện của các cục máu đông.
- Thuốc điều trị rối loạn mỡ máu: giảm mỡ máu và ổn định mảng xơ vữa trong mạch máu.
6.2 Thủ thuật tim mạch
- Chụp động mạch vành/ đặt stent động mạch vành:
Bác sĩ sẽ luồn một ống kim loại đặc biệt (Stent) qua một ống thông với mạch máu của bệnh nhân. Stent giúp mạch máu mở rộng duy trì dòng máu. Stent được làm bằng vật liệu kim loại đặc biệt mà cơ thể dung nạp được.
Sau khi ra viện, bệnh nhân cần khám định kì và duy trì thuốc chống kết tập tiểu cầu để chống tái hẹp lại động mạch vành.
- Phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành
Thủ thuật này sẽ lấy phần động mạch hoặc tĩnh mạch khoẻ mạnh từ các phần khác trong cơ thể và sử dụng phần mạch này làm đường nối thay thế cho phần động mạch hẹp, mất chức năng.
6.3 Thay đổi lối sống
- Ngừng hút thuốc: thuốc lá chứa những chất có thể gây tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ tim mạch.
- Ăn chế độ ăn tốt cho tim mạch: ăn nhiều rau xanh và hoa quả, các loại hạt, cá, thịt trắng và thức ăn chứa ít chất béo. Hạn chế sử dụng muối, chất béo và đường
- Luyện tập các phương pháp giải tỏa stress: hít thở sâu, thiền, yoga giúp cơ thể thư giãn.
- Tập luyện thể dục thể thao cường độ vừa phải nhiều ngày trong tuần
- Thường xuyên khám bệnh định kỳ
- Hạn chế các yếu tố khởi phát cơn đau: như stress tâm lý hoặc hoạt động gắng sức
- Tạm dừng hoạt động đang thực hiện và nghỉ ngơi nếu cảm thấy đau ngực
Nhận thức rõ các dấu hiệu cảnh báo của Đau thắt ngực giúp can thiệp sớm và tránh được những hậu quả đáng tiếc. Kế hoạch điều trị Đau thắt ngực sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương của hệ thống động mạch vành và tim của người bệnh. Hi vọng thông qua bài viết trên đây, bạn đã được trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết về Đau thắt ngực.