4 cách chọn loại hình tập luyện cho người bệnh Đau thắt ngực

Đau thắt ngực là một biểu hiện bệnh lý của trái tim, thường khởi phát khi bạn vận động gắng sức đến mức lượng máu giàu oxy được cung cấp cho trái tim không còn đủ cho nhu cầu vận động. Tuy nhiên, thay vì ngừng hẳn việc vận động, thực tế là việc tập thể dục đều đặn hàng ngày sẽ cải thiện tình trạng bệnh của bạn.
Tập thể dục đúng cách sẽ giúp tăng cường sức khỏe hệ tim mạch, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu, đồng thời cải thiện hệ tuần hoàn và tăng khả năng tận dụng oxy của cơ thể. Sau đây là 4 cách chọn loại hình tập luyện tốt nhất cho người bệnh đau thắt ngực, bạn tìm hiểu nhé.
1. Tìm loại hình tập luyện hứng thú
Bài tập thể dục tốt nhất cho người bệnh đau thắt ngực chính là loại hình tập luyện mà bạn thích thú nhất. Thật vậy, bạn chỉ có thể tuân thủ, thực hiện và duy trì một chương trình tập luyện nếu bạn thật sự ưa thích nó.
Để đảm bảo an toàn, bạn nên thảo luận với bác sĩ của bạn xem loại hình tập luyện mà bạn chọn lựa có phù hợp hay không, sau đó thử nghiệm cho đến khi bạn tìm thấy loại bài tập mà bạn ưa thích cũng như đảm bảo được sự an toàn nhất.
Một số hoạt động thể lực mà bạn có thể cân nhắc để thực hiện như:
- Đi bộ nhanh vừa phải (tốc độ khoảng 5 – 6 km/h)
- Chạy bộ
- Bơi hoặc tập aerobic dưới nước
- Đi bộ đường trường
- Khiêu vũ
- Đạp xe
- Làm vườn
Bác sĩ có thể đề xuất bạn tăng thêm hoạt động thể lực nếu bạn vẫn chưa đạt mức vận động tối ưu. Trung bình, người bệnh đau thắt ngực cần tập thể dục khoảng 2,5 tiếng/tuần để có được sức khỏe tốt nhất. Và hãy luôn nhớ rằng, đừng tự ý bắt đầu hoặc tăng mức độ các hoạt động thể lực mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

2. Trải đều các bài tập trong ngày
Cách chọn loại hình tập luyện tốt nhất tiếp theo mà người bệnh đau thắt ngực có thể cân nhắc là việc trải đều việc tập luyện thể dục trong suốt thời gian cả ngày. Tăng cường hoạt động thể chất không chỉ đơn thuần là các bài tập thể dục cố định, mà chính xác nó là cả một lối sống tích cực hơn. Hãy tận dụng các cơ hội trong cả một ngày để năng động hơn, ví dụ như đỗ xe cách xa nơi cần đến hơn, đi cầu thang bộ thay vì thang máy, hoặc đi bộ trong 15 phút trong giờ nghỉ trưa của bạn.
Để việc dàn trải các bài tập thể dục trở nên thú vị hơn, bạn hãy tận dụng lấy cả những công việc hàng ngày. Đây cũng là một cách tuyệt vời để bạn duy trì sự năng động mà vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân. Đó đơn giản là đi bộ để nhận thư, đi cầu thang, làm vườn, cắt cỏ hoặc quét nhà.
Các hoạt động này không đốt cháy quá nhiều calo hoặc tăng đột ngột nhịp tim của bạn. Tuy nhiên, chúng giữ cơ thể bạn ở trạng thái vận động và tăng nhịp tim của bạn ở mức độ vừa đủ để từ đó mang lại nhiều lợi ích. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tăng cường vận động thông qua các công việc hàng ngày có lợi ích về sức khỏe cũng giống như việc tập luyện bài bản. Vì vậy, nếu bạn không thể thực hiện hoặc duy trì các bài tập luyện thể dục, hãy thử cách tăng cường vận động thông qua các công việc hàng ngày.

3. Nhận biết cường độ tập luyện phù hợp
Bạn biết không, hình thức tập luyện quan trọng nhưng cường độ của bài tập luyện là cũng một yếu tố quan trọng không kém. Cường độ quá thấp sẽ khiến bạn lãng phí thời gian, quá cao thì sẽ mang lại nguy cơ biến cố về tim mạch. Vì thế, cách tốt nhất ở đây là hãy tập lắng nghe chính cơ thể của mình.
- Bạn hãy thử xem mình có thể nói chuyện trong khi tập luyện không. Nếu bạn vẫn có thể nghĩa là bài tập luyện vẫn nằm trong giới hạn của bạn.
- Khi xuất hiện hiện tượng đau ngực, tức ngực, khó thở, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, mệt quá mức, hoặc cảm giác rằng bạn sắp ngã quỵ… đều tuyệt đối là những dấu hiệu bất thường. Nếu bạn gặp bất cứ hiện tượng nào bên trên, hãy lập tức dừng tập luyện và liên hệ với bác sĩ.
4. Theo dõi tiến trình tập luyện
Để đảm bảo hiệu quả của quá trình tập luyện cũng như sự an toàn, bạn hãy sử dụng nhật ký hoạt động thể lực như một cách tốt nhất để theo dõi quá trình tập luyện. Với cuốn nhật ký này, bạn nên chia thành các cột bao gồm ngày, hoạt động (ví dụ: đi bộ…), thời lượng (ví dụ: 30 phút, 3km), nhịp tim, chú thích (ví dụ đau ngực, khó chịu, thích thú)… để theo dõi cụ thể hơn về tiến trình tập luyện.
Ngoài ra, có một số điều mà bạn cần lưu ý trong quá trình tập luyện như:

Bạn biết đó, tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, với mọi người nói chung và bệnh nhân đau thắt ngực nói riêng. Thông qua bài viết trên, hy vọng bạn đã biết cách chọn ra loại hình luyện tập tốt nhất cho bản thân và thường xuyên luyện tập nó nhé. Ngày Đầu Tiên chúc bạn và gia đình luôn có sức khỏe tốt!
Tài liệu giáo dục cho bệnh nhân đau thắt ngực của ESC Working Group