Triệu chứng Đau thắt ngực ở nam giới
Triệu chứng đau thắt ngực gây ra nhiều phiền toái ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần người bệnh. Nam giới và nữ giới đều có thể mắc chứng đau ngực này. Thế nhưng nhiều người bệnh lại không quá quan tâm tới triệu chứng này, đặc biệt là ở nam giới.
Đau ngực có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Vì vậy, nam giới đừng chủ quan với dấu hiệu đau ngực.
Tùy từng nguyên nhân sẽ biểu hiện đau ngực trên lâm sàng khác nhau. Bạn có thể cảm thấy cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói, đôi khi người bệnh chỉ đơn giản thấy nóng rát trước ngực. Cơn đau có thể tại chỗ hoặc lan lên vùng xung quanh như cổ, hai tay hoặc đâm xuyên ra sau lưng. Cơn đau có thể đột ngột xuất hiện hoặc sau một chấn thương/gắng sức. Từ những đặc điểm cơn đau, bác sĩ sẽ đặt ra chẩn đoán sơ bộ, đề xuất thêm xét nghiệm cận lâm sàng để xác định chẩn đoán, tìm nguyên nhân và lập nên phương pháp điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây ra đau ngực ở nam giới
Nguyên nhân gây đau ngực ở nam giới có thể chia thành 2 dạng cấp tính và không cấp tính.
+ Nguyên nhân cấp tính đe dọa tính mạng
- Hội chứng vành cấp
- Hội chứng động mạch chủ cấp
- Nhồi máu phổi
- Tràn khí màng phổi
- Tràn dịch màng tim có chèn ép tim
- Bệnh lý trung thất
+ Nguyên nhân không phải cấp tính
- Nguyên nhân từ tim – màng tim: hở van tim, viêm cơ tim, bệnh cơ tim phì đại…
- Nguyên nhân từ phổi – màng phổi: viêm phổi, viêm màng phổi…
- Nguyên nhân từ thành ngực: chấn thương, đau dây thần kinh liên sườn…
- Bệnh lý đường tiêu hóa: viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, viêm túi mật…
Bệnh lý gây đau ngực thường gặp ở nam giới
Các bệnh lý gây đau ngực ở nam giới được phân chia theo vị trí bao gồm:
+ Đau ngực do tim
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây nên triệu chứng đau ngực. Đặc biệt hay gặp ở nam giới do các yếu tố nguy cơ như: tăng cholesterol, căng thẳng (stress), hút thuốc lá, suy giảm hormone nam…
• Bệnh động mạch vành: là sự tắc nghẽn các mạch máu nuôi tim làm giảm lưu lượng máu và oxy đến nuôi tim. Cơn đau trong bệnh này thường được gọi là cơn đau thắt ngực, có thể lan lên cánh tay, vai, hàm hoặc lan ra sau lưng gây cảm giác như chèn ép trước ngực.
Cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện sau khi tập thể dục, phấn khích hoặc đau khổ về cảm xúc và thường giảm khi nghỉ ngơi. Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ: tuổi cao, giới tính nam, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, béo phì, lối sống ít vận động, có tiền sử bệnh lý tim mạch trước đây
• Nhồi máu cơ tim: là sự giảm lưu lượng máu đột ngột gây tổn thương hoại tử tế bào cơ tim. Mặc dù tương tự đau thắt ngực, nhưng cơn đau thường dữ dội, nặng nề hơn, thường đau sau xương ức hoặc bên trái ngực và không giảm đau khi đã nghỉ ngơi. Ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng đổ mồ hôi, buồn nôn, khó thở…
• Bóc tách động mạch chủ ngực: xuất hiện cơnđau ngực đột ngột, kéo dài dai dẳng, lan ra sau lưng hoặc trước ngực và có thể lan lên cổ. Ngoài ra còn có một số triệu chứng đi kèm như: ngất, liệt nửa người dưới, nhồi máu mạc treo (nôn, đau bụng, chướng…), mạch ngoại vi bắt yếu… Điều này thường gặp ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp mạn tính, bệnh lý rối loạn mô liên kết (hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos)…
• Viêm màng ngoài tim: Đây là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng màng tim có thể gây đau tương tự như đau thắt ngực. Tuy nhiên, tình trạng này thường gây cơn đau ổn định dọc theo cổ trên và vai cơ bắp, đôi khi trở nên tồi tệ hơn khi thở, nuốt thức ăn hoặc nằm ngửa…
+ Đau ngực do phổi
• Viêm màng phổi: là tình trạng viêm hoặc kích ứng lá màng bao xung quanh phổi. Bạn có thể cảm thấy đau nhói khi thở, ho hoặc hắt hơi. Nguyên nhân phổ biến nhất gây đau ngực màng phổi là nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus, thuyên tắc phổi và tràn khí màng phổi. Các nguyên nhân ít phổ biến khác bao gồm: viêm khớp dạng thấp, lupus và ung thư.
• Viêm phổi hoặc áp xe phổi: Các bệnh nhiễm trùng phổi này có thể gây viêm màng phổi và các loại đau ngực khác, chẳng hạn như đau ngực sâu. Viêm phổi thường xuất hiện đột ngột, gây sốt, ớn lạnh, ho và mủ ho từ đường hô hấp
• Tràn khí màng phổi: Cảm giác đau thắt ngực như dao đâm, xuất hiện sau gắng sức hoặc sau cơn hen phế quản nặng, sau chấn thương… Tình trạng này có thể xảy ra làm lồng ngực không cân đối, bên tràn khí nhô cao, cơ liên sườn hoặc giãn rộng, di động kém, tam chứng Galliard (gõ ngực trong, rung thanh giảm, rì rào phế nang giảm). Đồng thời kèm triệu chứng suy hô hấp (khó thở, tím tái…), suy tim (vã mồ hôi, phù…), kèm choáng váng (mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt…)
+ Đau ngực do vấn đề tiêu hóa
• Trào ngược dạ dày thực quản: hiểu đơn giản là hiện tượng chất trong dạ dày đi ngược lên cổ họng, gây vị chua trong mồm và cảm giác nóng rát ở ngực và cổ họng. Một số yếu tố gây trào ngược dạ dày bao gồm: béo phì, hút thuốc, mang thai…
• Viêm loét dạ dày: cơn đau từ thượng vị lan lên ngực, kèm ợ chua ợ nóng thường xuất hiện khi đến bữa ăn. Tình trạng này thường gặp ở những người: hút thuốc, uống rượu, dùng các loại thuốc giảm đau aspirin, NSAIDs.
+ Đau ngực do bệnh lý khác
• Tổn thương cơ: Đau ngực có thể do các vấn đề bệnh lý rối loạn thần kinh- cơ ngực. Khi cơn đau ngực chỉ xuất hiện khi hít sâu, không gây khó thở hoặc không dấu hiệu khác kèm theo như sờ thấy khối u, ho, sốt… thì đây chỉ là đau do co cơ ngực, không gây vấn đề nghiêm trọng. Triệu chứng đau ngực có thể do tổn thương cơ vùng ngực do sử dụng cơ ngực quá mức khi làm việc sai tư thế hoặc do căng thẳng…
• Đau thần kinh liên sườn: Đau dây thần kinh liên sườn có thể gây xuất hiện các triệu chứng như đau tức ngực, đau mạn sườn… Cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng cơn chạy dọc theo dây thần kinh liên sườn. Người bệnh thường chỉ đau một bên, trái hoặc phải, đau từ trước ngực rồi lan theo mạng sườn ra phía sau cạnh cột sống.
Nguồn tham khảo:
- Theo Harvard Health Publishing
- Thadani U. Management of Stable Angina – Current Guidelines: A Critical Appraisal. Cardiovasc Drugs Ther. 2016 Aug;30(4):419-426. doi: 10.1007/s10557-016-6681-2. PMID: 27638354.
- Kurabayashi M. [Diagnosis and treatment of stable angina pectoris]. Nihon Rinsho. 2016 Aug;74 Suppl 6:63-7. Japanese. PMID: 30540373.