Đau thắt ngực và những tín hiệu trái tim đang cầu cứu
Đau thắt ngực là cách trái tim của bạn ra tín hiệu đang gặp vấn đề sức khỏe hoặc bị quá sức. Nhiều người đã bỏ lơ đi lời “cầu cứu” này khiến trái tim rơi vào tình trạng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim…
Một trong những điều quan trọng nhất để phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm của đau thắt ngực là nhận biết sớm các dấu hiệu. Bạn hãy cùng tìm hiểu những tín hiệu trái tim đang cầu cứu qua nội dung dưới đây nhé!
Đau thắt ngực là gì?
Đau thắt ngực là cảm giác đau hoặc tức nặng, khó chịu ở ngực xuất hiện do lưu lượng dòng máu nuôi cơ tim bị suy giảm. Cảm giác này thường được mô tả như sự “bóp nghẹt” hoặc “bị đè nặng” ở vùng ngực.
Đau thắt ngực thường kéo dài khoảng từ 2 đến 10 phút, có xu hướng thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng nitroglycerin. Nếu cơn đau ngực vẫn tiếp diễn kéo dài, bạn cần tìm hỗ trợ y tế khẩn cấp.
Triệu chứng đau thắt ngực
Mặc dù triệu chứng phổ biến nhất của đau thắt ngực là cảm giác đè nặng hoặc bóp nghẹt ở ngực. Tuy nhiên các triệu chứng có thể khác nhau tùy theo từng người.
Người bệnh đau thắt ngực cũng có thể gặp các triệu chứng khác bao gồm:
- Khó thở
- Vã mồ hôi
- Đau cánh tay
- Mệt mỏi bất thường
- Đau ở vị trí khác ngoài ngực
- Cảm giác khó tiêu hoặc khó chịu ở bụng
Cách xử lý khi bị đau thắt ngực
Để biết cách xử lý phù hợp, bạn cần nhận biết sớm được cụ thể tình trạng các dấu hiệu để kịp thời xử lý khi có vấn đề bất thường xảy ra.
Dấu hiệu cần thăm khám bác sĩ
- Da bị ngứa hoặc phát ban
- Bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc băn khoăn nào về bệnh hoặc thuốc sử dụng
- Các cơn đau thắt ngực xảy ra thường xuyên, kéo dài hơn hoặc đau nặng hơn
- Bạn bị chóng mặt, buồn nôn sau khi uống thuốc, hoặc khó thở trong khi nghỉ ngơi
Dấu hiệu cần gọi y tế khẩn cấp
- Cơn đau ngực kéo dài hơn 15 phút
- Đột nhiên nói khó hoặc có vấn đề về thị giác
- Ngất xỉu (bất tỉnh), cảm thấy như sắp ngất xỉu, hoặc chóng mặt
- Mất cảm giác ở mặt, cánh tay hoặc chân hoặc đột nhiên cảm thấy yếu sức
- Cơn đau ngực không đỡ sau khi uống nitroglycerin hoặc thuốc giảm đau ngực kê đơn khác
Lưu ý khi kiểm soát đau thắt ngực
Đau thắt ngực là tín hiệu trái tim muốn cảnh báo bạn hãy quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Vì thế việc kiểm soát cơn đau thắt ngực đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để thực hiện được điều này, bạn cần lưu ý:
Sử dụng sổ theo dõi đau thắt ngực
Bạn nên chú ý đến các yếu tố mang tính quy luật về cơn đau thắt ngực như:
- Mô tả cảm giác đau
- Thời gian kéo dài cơn đau
- Yếu tố khởi phát cơn đau (Hút thuốc lá, stress…)
- Nghỉ ngơi hay dùng nitroglycerin có làm giảm cơn đau không?
Một cuốn sổ theo dõi đau thắt ngực sẽ là người bạn đồng hành giúp bạn nắm được quy luật các cơn đau thắt ngực của mình, phát hiện ra nếu các triệu chứng xấu đi, đồng thời giúp bạn đánh giá hiệu quả điều trị.
Bạn hãy trao đổi cùng bác sĩ của bạn về cách sử dụng cuốn sổ theo dõi đau thắt ngực (sổ giấy hoặc sổ điện tử). Trong trường hợp không có có sổ tay đau thắt ngực, bạn có thể tự ghi chép các thông tin liên quan đến cơn đau bằng một cuốn sổ tay giấy các thông tin kể trên và báo cáo với bác sĩ tại các lần thăm khám về cơn đau của bạn để được điều trị tốt hơn.
Thay đổi lối sống lành mạnh
Kể cả khi cơn đau thắt ngực của bạn được kiểm soát, bạn vẫn phải thực hiện thay đổi lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ mắc thêm những vấn đề sức khỏe khác trong tương lai.
Các bước thay đổi bao gồm:
- Từ bỏ thuốc lá
- Uống rượu có chừng mực
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
- Giảm cân nếu đang béo phì hoặc thừa cân
- Duy trì lối sống năng động và tập thể dục đều đặn
Dù đau thắt ngực chưa phải là tình trạng nguy hiểm, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy bạn cần quan tâm đến sức khỏe trái tim mình nhiều hơn. Những cơn đau kéo dài dai dẳng nếu không kiểm soát, sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến cuộc sống sinh hoạt, mà còn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nặng nề. Bạn hãy lắng nghe trái tim và thăm khám bác sĩ khi cần để sức khỏe luôn được duy trì tối ưu nhé!
Tài liệu giáo dục cho bệnh nhân đau thắt ngực của ESC Working Group