Các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành
Quả tim là khối cơ hoạt động như máy bơm có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi các cơ quan khắp cơ thể. Để đảm bảo chức năng này, quả tim phải nhận đủ oxy để nuôi chính nó bởi hệ thống mạch máu bao phủ xung quanh quả tim được gọi là động mạch vành. Bệnh mạch vành là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay.

Bệnh mạch vành xuất hiện khi một hay nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp hoặc tắt hoàn toàn. Gây cản trở dòng máu lưu thông nuôi cơ tim; khiến tim không nhận đủ lượng máu cần thiết để duy trì hoạt động bình thường.
Nguyên nhân gây hẹp mạch vành là do những mảng xơ vữa, được kết cấu từ cholesterol và một số chất khác kết tụ, bám vào thành mạch máu. Mảng xơ vữa có kích thước càng lớn sẽ gây hẹp lòng mạch càng nặng, biểu hiện là những cơn Đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
1. Đối tượng nào dễ bị bệnh mạch vành?
Có nhiều yếu tố làm tăng khả năng xơ vữa gây hẹp động mạch vành. Một người mang một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ nghĩa là khả năng mắc bệnh của người đó cao hơn; không phải là chắc chắn sẽ bị bệnh. Các nghiên cứu cho thấy có 2 loại yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành như sau:
a. Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
• Tuổi cao: Khi tuổi cao, bệnh mạch vành dễ xuất hiện. Cụ thể nam > 50 tuổi và nữ > 55 tuổi.
• Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới khoảng 2 – 3 lần, nhưng phụ nữ sau khi mãn kinh lại có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nam giới.
• Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Đặc biệt là khi có người thân mắc bệnh này dưới 55 tuổi đối với nam giới và dưới 65 tuổi đối với nữ giới; dù có cùng một điều kiện và lối sống giống nhau.
b. Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
• Hút thuốc lá: có thể gây co thắt động mạch vành, làm tăng cholesterol xấu trong máu và nhiều bệnh lý khác như ung thư phổi, ung thư miệng…
• Chế độ ăn uống không lành mạnh: hạn chế chất béo, đồ ngọt, rượu; tiêu thụ nhiều rau xanh và trái cây.
• Thừa cân hoặc béo phì, lối sống ít vận động thể lực: Người không vận động thể lực thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bình thường.
• Tăng cholesterol máu: không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành mà còn làm tăng nguy cơ tai biến tim mạch. Nói chung, khi lượng cholesterol trong máu cao hơn 1,8 – 2g/l. Theo các nghiên cứu, ở người cao tuổi, khi mức cholesterol trong máu tăng cao hơn 10% mức bình thường, nguy cơ tai biến tim mạch sẽ tăng 30%.
• Tăng huyết áp, bệnh tiểu đường: làm tổn thương mạch máu, thúc đẩy sự phát triển của các mảng xơ vữa mạch.
• Thường xuyên căng thẳng, stress: có thể làm kích hoạt các phản ứng viêm trong cơ thể. Góp phần thúc đẩy sự phát triển của các mảng xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành.
2. Làm thế nào phòng ngừa bệnh mạch vành?
Một số lời khuyên đơn giản có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh mạch vành bao gồm:
– Ngừng ngay việc hút thuốc
– Thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho tim. Cần chú ý các chế độ như: ít mỡ bão hòa và cholesterol, nhiều rau xanh và trái cây tươi; hạn chế muối đưa vào cơ thể, hạn chế rượu bia.
– Giảm cân nặng nếu thừa cân, tăng cường hoạt động thể chất. Cần dành thời gian luyện tập đều đặn ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần.
– Học cách tránh lo âu, căng thẳng, cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
– Khám bệnh định kỳ, điều trị tốt các bệnh lý có liên quan trực tiếp đến bệnh động mạch vành (Đái tháo đường, Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu).
Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh mạch vành. Đây là căn bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Do đó, bạn hãy thăm khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường nhé!
Nguồn tham khảo
1. ESC Guidelines for the diagnosis and management of chronic coronary syndromes 2019
2. ACC/AHA/AATS/PCNA/SCAI/STS, Focused Update of the Guideline for the Diagnosis and Management of Patients With Stable Ischemic Heart Disease 2014.
3. Viện tim TP Hồ Chí Minh, Bệnh mạch vành , Phác đồ điều trị 2020.