Bạn Có Nguy Cơ bị Đau Thắt Ngực Do Bệnh Mạch Vành?
Đau ngực là cảm giác bóp nghẹt hoặc nóng rát ở ngực. Một số trường hợp, cơn đau lan lên tới cổ, hàm, sau lưng và một hoặc cả hai tay. Bất cứ cơ quan nào trong lồng ngực (tim, phổi, động mạch, mô mềm,thành ngực…) khi bị tổn thương đều có thể dẫn đến đau ngực.
Đau ngực có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, do đó, bạn cần khám bác sĩ để tìm nguyên nhân gây đau ngực và có hướng điều trị cho mỗi trường hợp cụ thể.
Nguyên nhân gây đau ngực
Nguyên nhân có thể xuất phát từ vấn đề tại tim và ngoài tim như:
1. Vấn đề tim mạch
- Viêm cơ tim
- Viêm màng ngoài tim
- Bóc tách động mạch chủ
- Đau thắt ngực (cơn đau thắt ngực ổn định, cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim)
2. Vấn đề ngoài tim
- Hệ tiêu hóa: Trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày…
- Hệ hô hấp: Thuyên tắc phổi, viêm phổi, tràn dịch màng phổi…
- Hệ cơ xương: Viêm khớp sụn sườn, đau cơ ngực…
- Một số nguyên nhân hiếm gặp: Ung thư, Zona, tâm lý (lo lắng, hoảng sợ)…
Triệu chứng cơn đau thắt ngực
Một số đặc điểm của triệu chứng đau thắt ngực bao gồm:
- Khởi phát: lúc gắng sức, xúc động mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc
- Vị trí: sau xương ức và thường là một vùng (chứ không phải là một điểm)
- Mô tả: Đau kiểu thắt nghẹt, bóp chặt, rát, bị đè nặng trước ngực, lan lên cổ, hàm dưới, vai, cánh tay trái, cẳng tay trái và có khi lan đến ngón 4, 5 của bàn tay trái.
- Cường độ: đau từ nhẹ, trung bình, nặng
- Thời gian đau: Đau thường kéo dài dưới 20 phút, nhưng nếu kéo dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ cần nghĩ đến cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim. Những cơn đau mà chỉ kéo dài dưới 1 phút thì nên tìm những nguyên nhân khác ngoài tim.
- Cơn đau thuyên giảm: Đau ngực giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng các dạng thuốc nitrat tác dụng nhanh (ngậm dưới lưỡi, xịt dưới lưỡi)
- Triệu chứng đi kèm: Xuất hiện triệu chứng kèm theo như khó thở, vã mồ hôi, xanh tái…
Xét nghiệm chẩn đoán đau thắt ngực
Các xét nghiệm sẽ được phân loại tùy theo tình trạng bệnh bao gồm:
1. Bệnh nhân đau thắt ngực ổn định
– Xét nghiệm thường quy:
- Công thức máu
- Đường huyết
- Mỡ máu (cholesterol, LDL-C, HDL-C, Triglyceride)
- Men gan (AST, ALT)
- Điện giải đồ
- Tổng phân tích nước iểu
- X – quang ngực
– Xét nghiệm chẩn đoán:
- Siêu âm tim
- Điện tâm đồ 24 giờ
- Điện tâm đồ lúc nghỉ
- Chụp động mạch cản quang
- Chụp cắt lớp động mạch vành có cản quang
- Nghiệm pháp gắng sức với các phương tiện thăm dò (điện tâm đồ, siêu âm tim, xạ hình tưới máu cơ tim, cộng hưởng từ)
2. Bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp
– Xét nghiệm thường quy:
- Công thức máu
- Đường huyết
- Mỡ máu (cholesterol, LDL-C, HDL-C, Triglyceride)
- Men gan (AST, ALT)
- Điện giải đồ
- Tổng phân tích nước tiểu
- X – quang ngực
– Xét nghiệm chẩn đoán:
- Men tim (Troponin)
- Điện tâm đồ
- Siêu âm tim
- Chụp động mạch cản quang
Mục tiêu điều trị đau thắt ngực
Mục tiêu trong quá trình điều trị đau thắt ngực chính là phòng ngừa nhồi máu cơ tim và tử vong, giảm triệu chứng đau ngực và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Để đạt được các mục tiêu đó, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp sau:
- Điều trị thuốc
- Áp dụng các biện pháp điều trị không dùng thuốc (thay đổi lối sống)
- Điều chỉnh làm giảm các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành
- Xác định và điều trị các bệnh đi kèm làm cho tình trạng đau thắt ngực nặng hơn
- Điều trị tái thông động mạch vành (can thiệp động mạch vành qua da hoặc mổ bắc cầu động mạch vành)
Biện pháp điều trị không dùng thuốc
Điều này bao gồm điều chỉnh lối sống và giảm các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành:
1. Thay đổi lối sống
- Ngưng thuốc lá
- Giảm uống rượu, bia
- Tránh căng thẳng
- Duy trì cân nặng lý tưởng
- Tăng hoạt động thể lực (tập thể lực đều đặn 30 – 60 phút/ngày, ít nhất 3 lần/tuần)
- Thay đổi chế độ ăn chế độ ăn hợp lý (giảm ăn mặn, mỡ, nhiều tinh bột…), khuyến khích ăn nhiều rau, quả, cá, thịt nạc cân đối
3. Giảm yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành
- Kiểm soát tốt huyết áp
- Kiểm soát đường huyết
- Điều chỉnh rối loạn lipid máu
- Tuân thủ điều trị theo toa của bác sĩ (không được thay đổi liều dùng hay ngừng thuốc, cần dùng thuốc đúng giờ)
Nguồn tham khảo
1. Phạm Gia Khải và cs. Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính (đau thắt ngực ổn định). Trong: Hội tim mạch học Việt Nam. Khuyến cáo 2008 về các bệnh tim mạch và chuyển hóa. Nhà xuất bản Y học.2008: 329-350.
2. Phạm Nguyễn Vinh. Hội chứng động mạch vành cấp không ST chênh lên. Bài giảng điều trị học nội khoa. Trường đại học y khóa phạm Ngọc Thạch. 2011: 234-262.
3. Võ Thành Nhân. Chẩn đoán và điều trị cơn đau thắt ngực ổn định. Trong: Chau Ngọc Hoa. Điều tị học nội khoa. Nhà Xuất Bản Y Học. 2012: 98-112.
4. Võ Thành Nhân. Nhồi máu cơ tim cấp. Trong: Chau Ngọc Hoa. Điều trị học nội khoa. Nhà Xuất Bản Y Học. 2012: 78-95.
5. Chest pain. http://www.mayoclinic.org/disease-conditions/chest-pain/basics/definition/con-20030540